Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Sáu, 18/4/2025
Dự thảo trên tay

Dự án điện gió ngoài khơi, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 65%

Hải Hà: Thứ hai 24/02/2025, 14:36 (GMT+7)

Dự án điện gió ngoài khơi thường có quy mô lớn và Việt Nam chưa từng thực hiện. Vậy việc lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

Ngày 30/11/2024, Quốc Hội đã thông qua Luật Điện lực trong đó định hướng phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0.

Nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang xây dựng và lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, gọi tắt là Dự thảo Nghị định về điện năng lượng tái tạo, quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Dự thảo Nghị định về điện năng lượng tái tạo quy định như thế nào về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư và chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi?

Ảnh minh hoạ: Báo điện tử Chính phủ

Ảnh minh hoạ: Báo điện tử Chính phủ

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, gọi tắt là Dự thảo Nghị định về năng lượng tái tạo gồm 05 Chương, 39 Điều.

Mục đích ban hành Nghị định nhằm quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Điện lực số 61 đáp ứng yêu cầu về hiệu lực thi hành Luật từ ngày 01/02/2025; Khắc phục một số tồn tại, vướng mắc và điều chỉnh phù hợp các nội dung của Nghị định 135 năm 2024 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và bước đầu quy định chi tiết một số nội dung về phát triển điện gió ngoài khơi làm cơ sở triển khai các dự án, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực trong lĩnh vực này.

Dự thảo Nghị định về năng lượng tái tạo bao gồm quy định về cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc thông số nguồn năng lượng sơ cấp và thống kê sản lượng điện của nhà máy điện năng lượng tái tạo; quy định về việc thời hạn tháo dỡ các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió sau khi chấm dứt hoạt động; quy định về các trường hợp dự án đầu tư điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ…Ngoài ra, Dự thảo quy định chung về phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ và quy định riêng về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được xây dựng, Ban soạn thảo đã xây dựng một số quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, các quy định về thực hiện khảo sát dự án điện gió ngoài khơi, quy định về quản lý dự án, công trình điện gió ngoài khơi.

Nhằm khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi theo Nghị Quyết 55, Dự thảo quy định, đối với những Dự án điện gió ngoài khơi được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 01/01/ 2031 sẽ được miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng, giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 12 năm kể từ khi đưa vào vận hành, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia.

Cũng theo Dự thảo Nghị định, điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió ngoài khơi phải tuân thủ theo quy định  pháp luật về đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực để triển khai dự án, ngăn chặn các trường hợp nhà đầu tư năng lực kém làm kéo dài thời gian đầu tư, xây dựng dự án, ảnh hưởng tới kế hoạch cung cấp điện. Việc lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi cơ bản thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu, trừ các dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Ngoài ra, để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao về việc thực hiện dự án điện gió ngoài khơi. Nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Nhà nước, trong đó doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế thực hiện dự án không quá 65%.

Dự thảo Nghị định sau khi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ban ngành, Bộ Công thương đã tiếp thu, chỉnh lý, trình Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 1 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ: VnEconomy)

Ảnh minh hoạ: VnEconomy)

CHÍNH SÁCH VƯỢT TRỘI ĐỂ KÊU GỌI NHÀ ĐẦU TƯ

Dự án điện gió ngoài khơi thường có quy mô lớn và Việt Nam chưa từng thực hiện. Vậy việc lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi cần phải đáp ứng những điều kiện gì?  PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nội dung này.

PV: Ông nghĩ sao về điều kiện nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi được quy định tại Dự thảo Nghị định về năng lượng tái tạo?

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ông Phạm Văn Hòa: Những quy định về điều kiện cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng và phát triển điện gió ngoài khơi bờ biển nước ta, tôi cho rằng, rất thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Về quy định tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức kinh tế tối đa là 65 %, tỷ lệ này tương đối phù hợp với thực tiễn. Vì trong Luật cũng đã quy định, tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 65 % nhằm đảm bảo thu hút nguồn vốn nhiều hơn.

PV: Theo ông, những chính sách về ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi đã hợp lý chưa và nó sẽ tác động như thế nào đến việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi?

Ông Phạm Văn Hòa: Tôi cho rằng, những chính sách hỗ trợ tối ưu, vượt trội và hết sức cần thiết để cho nhà đầu tư có điều kiện phù hợp thực tiễn để đầu tư. Ví dụ, trong vòng 5 năm, 6 năm thì những chính sách ưu đãi được áp dụng và có hiệu lực thi hành, còn sau năm 2031 không thực hiện được nhằm khuyến khích nhà đầu tư tổ chức thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Chúng ta hiện nay cũng rất muốn các nhà đầu tư tập trung thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi. Tôi cho rằng đây là một chính sách vượt trội, rất tốt của Việt Nam để kêu gọi những nhà đầu tư.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

ảnh minh hoạ (báo Nhân Dân)

ảnh minh hoạ (báo Nhân Dân)

VỐN NƯỚC NGOÀI TỐI ĐA 65%

Dự thảo Nghị định về phát triển điện năng lượng tái tạo nếu được ban hành sẽ tác động tới những nhóm đối tượng nào? PV đã có cuộc trao đổi với

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc công ty Luật NHQuang và cộng sự

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc công ty Luật NHQuang và cộng sự

xung quanh nội dung này.

PV: Ông nghĩ sao về những quy định liên quan đến điều kiện lựa chọn nhà đầu tư và chính sách ưu đãi khi thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi được quy định trong Dự thảo Nghị định?

Luật sư Nguyễn Hưng Quang: Tôi cho rằng các điều kiện này phù hợp ở thời điểm này. Bởi, các dự án điện gió ngoài khơi có những yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật, về an toàn hàng hải, an ninh quốc gia nên chúng ta cần phải có những nhà đầu tư có kinh nghiệm.

Thứ hai, các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi có quy mô vốn lớn cho nên chúng ta cần các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn. Khi giao vùng biển để cho thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, đòi hỏi các nhà đầu tư có khả năng vốn để triển khai ngay, vì không thể nhận vùng biển mà không triển khai ảnh hưởng đến các quyền về sử dụng tài nguyên biển hay quyền giao thông hàng hải…

Hiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi, rất cần các kinh nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, với yêu cầu về liên doanh sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và năng lực quản lý để có thể tham gia phát triển các dự án điện gió của Việt Nam và phòng ngừa tất cả các rủi ro liên quan đến an ninh quốc phòng. 

Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 65 % đã tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài trong những yêu cầu liên quan đến việc quản lý, quản trị dự án và cũng bảo đảm cho phía Việt Nam có một tỷ lệ tương xứng tối thiểu để có thể tham gia trong việc quản lý, điều hành dự án điện gió ngoài khơi trên vùng biển của Việt Nam.

Dự thảo nghị định đã đưa ra một khung pháp lý hoàn toàn mới liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Trước đây chúng ta chưa có một quy định rõ ràng về ưu đãi, hỗ trợ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. 

PV: Thưa ông, nếu dự thảo nghị định thông qua, sẽ tác động đến những nhóm đối tượng nào?

Luật sư Nguyễn Hưng Quang: Nếu dự thảo nghị định thông qua thì tác động đến 3 nhóm đối tượng chính. Thứ nhất là nhóm đối tượng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhóm thứ hai là người dân, nhóm đối tượng thứ ba là Nhà nước. Ba nhóm đối tượng này đều có tác động tích cực đem lại lợi ích nhất định.

Người dân, đặc biệt là những người dân ở các khu vực phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, người dân ở các khu vực miền núi, ven biển và hải đảo.

Khi Nghị định ban hành, chủ thể Nhà nước có thêm các nguồn thu ngân sách, được bảo đảm về an ninh năng lượng cũng như là góp phần thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo các cam kết quốc tế.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

YÊU CẦU SẢN LƯỢNG TỐI THIỂU CÓ THỂ TIỀM ẨN RỦI RO

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam bày tỏ ý kiến về những quy định điều kiện lựa chọn nhà đầu tư và những chính sách, cơ chế ưu đãi các dự án điện gió ngoài khơi:

Ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam

Ông Stuart Livesey, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam

Chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ lệ sở hữu vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 65% lên 85% để phù hợp với Nghị định 115/2024/ND-CP. Để phát triển 1 GW điện gió ngoài khơi cần số vốn đầu tư lớn từ 4 - 5 tỷ USD, vì vậy nếu quy định tỷ lệ đóng góp tối thiểu 35% sẽ trở thành gánh nặng tài chính đối với nhiều nhà đầu tư trong nước. Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo quản lý hiệu quả quá trình triển khai dự án trong giai đoạn ban đầu của ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nên khuyến khích sự tham gia của các nhà phát triển trong nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu nhỏ, để họ có cơ hội học hỏi từ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi ủng hộ quy định nhà đầu tư phải từng triển khai ít nhất 1 dự án điện gió ngoài khơi ở quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc trên thế giới. Quy định này rất quan trọng, đảm bảo đơn vị phát triển dự án hoặc công ty mẹ, công ty liên kết của đơn vị này đã thực sự triển khai ít nhất một dự án điện gió ngoài khơi quy mô thương mại xuyên suốt cả 3 giai đoạn phát triển, xây dựng và vận hành dự án. Nếu không có quy định này, việc đầu tư nguồn vốn khổng lồ vào dự án (lên tới 4 - 5 tỷ USD) sẽ phải đối mặt với rủi ro rất cao.

Các ưu đãi về chính sách đối với điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng. Các đề xuất về việc miễn giảm chi phí đều có giá trị, song yêu cầu về sản lượng điện hợp đồng tối thiểu có thể tiềm ẩn rủi ro lớn đối với các dự án quy mô lớn như điện gió ngoài khơi. 

Chúng tôi khuyến nghị tăng sản lượng điện hợp đồng tối thiểu lên 100% (mua hết) thay vì 80% trong toàn bộ vòng đời dự án, áp dụng với các dự án được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 01/01/2031.

Việc cam kết mang tính dài hạn để mua hết sản lượng điện sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định và giảm thiểu rủi ro của các dự án đầu tiên, từ đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh hoạ: Bộ Công thương

Ảnh minh hoạ: Bộ Công thương

Hiện tổng công suất nguồn điện năm 2024 của cả nước là 82.387MW (Mega oat), trong đó nguồn điện từ năng lượng tái tạo gần 38 nghìn MW, chiếm khoảng 26% trong cơ cấu các nguồn điện. Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực hiện được dự án điện gió ngoài khơi. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 6.000 MW điện gió ngoài khơi và 21.880 MW điện gió trên bờ.

Những quy định mới của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới sẽ tạo cơ hội để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi?

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Dự thảo Nghị định về năng lượng tái tạo? Nếu được ban hành, các quy định mới của Dự thảo Nghị định  này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài triển khai các dự án điện gió, nâng cao nguồn thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast. 

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Đỉnh mới của giá vàng và khuyến nghị từ chuyên gia

Đỉnh mới của giá vàng và khuyến nghị từ chuyên gia

Giá vàng trong nước tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, chính thức chạm mốc kỷ lục 108 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay. Sau khi đi ngang đầu phiên sáng, thị trường vàng đã nhanh chóng tăng tốc, nối dài chuỗi ngày lập đỉnh trong tuần qua.

Check-in ảnh đẹp nhưng đừng để lại rác bẩn

Check-in ảnh đẹp nhưng đừng để lại rác bẩn

Thời gian gần đây, khu vực Hàm Cá Mập (Hà Nội) đang “gây sốt” trên mạng xã hội, sau khi có thông tin sẽ bị phá dỡ. Việc người dân và du khách chen lấn, tụ tập đông người, thậm chí trèo rào, đứng lên đài phun nước để chụp ảnh có lúc khiến giao thông hỗn loạn, mất ANTT và vệ sinh môi trường.

Lộ trình di chuyển vào Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Lộ trình di chuyển vào Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có hướng dẫn về lộ trình giao thông kết nối đến nhà ga hành khách quốc nội T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất).

Nâng trách nhiệm để bảo vệ “tài sản” thông tin cá nhân

Nâng trách nhiệm để bảo vệ “tài sản” thông tin cá nhân

Theo Công ty An ninh mạng Viettel, trong năm 2024, số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp đã tăng 50%, với hàng chục triệu bản ghi bị rò rỉ. Trong đó, dữ liệu khách hàng bị lộ lọt nhiều nhất, thậm chí có cả thông tin nhận diện khuôn mặt.

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện thân của lòng quả cảm, ý chí sắt đá; một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Người đàn ông gánh phở

Người đàn ông gánh phở

Ở phố Tống Duy Tân, có một người đàn ông vẫn ngày ngày gánh phở – không phải bằng đôi chân di chuyển, mà bằng ký ức được đúc lại trong một dáng hình.

Cốc nước miễn phí, lòng tốt dang dở trên đèo và những điều thú vị khi “phượt” 58 tỉnh thành

Cốc nước miễn phí, lòng tốt dang dở trên đèo và những điều thú vị khi “phượt” 58 tỉnh thành

Những cung đường từ bắc chí nam không chỉ đưa ta đến những khung cảnh thiên nhiên diễm lệ của núi non hùng vĩ, biển cả bao la, mà còn là chiếc gương phản chiếu tâm hồn người lữ khách.