Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

Đổi tên trung tâm đào tạo lái xe: Tốn kém và thủ tục phiền hà một cách vô lý

Quách Đồng: Thứ bảy 25/02/2023, 08:06 (GMT+7)

Việc Bộ Tư pháp “tuýt còi” văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB và XH) về việc yêu cầu đổi tên Trung tâm đào tạo lái xe thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp đang khiến nhiều doanh nghiệp, trung tâm đào tạo lái xe đã tiến hành đổi tên “tiến thoái lưỡng nan”.

Nguyên nhân là do nhiều đơn vị đã tiến hành đổi tên trên giấy phép, nhưng còn nhiều thủ tục về chuyển đổi tài sản thì gặp rất nhiều rắc rối. Ai phải chịu trách nhiệm về thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp khi ban hành văn bản trái luật?

Những ngày này, khi thông tin về việc không cần đổi tên đơn vị, chị Nguyễn Thị Bích Đào, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Anh Tuấn (Hà Nội) càng băn khoăn, lúng túng khi việc đổi tên trung tâm đào tạo lái xe theo yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đi được gần nửa chặng đường.

Trước đó, theo yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, từ tháng 8/2022, chị Đào đã tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên đơn vị, đổi con dấu, kê khai lại với cơ quan thuế…. Tuy vậy, với quan điểm của Bộ Tư pháp đưa ra mới đây, việc đổi tên đơn vị là không cần thiết, song với doanh nghiệp đã thực hiện, việc hoàn thiện đổi tên cũng khó, mà quay trở lại sử dụng tên cũ cũng không dễ.

"Không biết là các xe chưa đổi thì có bị phạt hay không, đang hoang mang thì bây giờ lại bảo không phải đổi nữa. Bây giờ các xe, các biển số, đăng ký của bên em vẫn là tên Trung tâm dạy nghề, nhưng con dấu lại là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Biết là khó khăn nhưng vẫn phải làm, bởi vì quy định ra thì phải làm theo, nhưng đến bây giờ không cần phải đổi tên nữa thì em cũng đang nằm trong dạng là “dở đi mắc núi, dở về mắc sông”, không biết là mình quay về bằng cách nào", chị Đào nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi tên hàng trăm trung tâm đào tạo lái xe thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp là không cần thiết, gây lãng phí. Ảnh: Báo Giao thông

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi tên hàng trăm trung tâm đào tạo lái xe thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp là không cần thiết, gây lãng phí. Ảnh: Báo Giao thông

Ông Lại Thế Chất, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Thành Đạt (Hà Nội) cũng cho biết, đã hoàn thành việc đổi tên, đổi con dấu, thủ tục phòng cháy chữa cháy… trong khi mỗi thủ tục này đơn vị mất vài tháng để thực hiện.

Đặc biệt, để hoàn thành thủ tục thuê đất làm sân tập lái thuộc thẩm quyền của Thành phố và phải trải qua rất nhiều thủ tục, đấu giá, giải phóng mặt bằng với chi phí ước tính khoảng 30 tỷ đồng để thuê 2ha đất, khiến ông Chất quay lại tên cũ không được, mà tiếp tục đổi tên thì không biết đến bao giờ hoàn thành.

"Bây giờ tôi chỉ còn mỗi một cách là làm công văn gửi lên các Sở quản lý trực tiếp như Sở GTVT, rằng do văn bản 3033 từ ngày đấy, họ quy định như thế thì chúng tôi phải đổi tên, mà đổi tên đến nửa chừng rồi thì vướng mắc, đi cũng dở, ở không xong thì tôi cứ để kiểu lưỡng cư như vậy, rất khó cho tôi bây giờ. Tôi cũng đang tính thuê luật sư để cho họ ra tòa án hành chính, quan điểm của tôi ai đã sai người đó phải chịu trách nhiệm", ông Chất cho biết.

Chưa được cấp quyết định đổi tên, song Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cũng tốn nhiều thời gian và chi phí để thực hiện các thủ tục để đổi tên đơn vị. Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô cho rằng, với ý kiến của Bộ Tư pháp, thì Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với các đơn vị đã tốn chi phí cho việc ra văn bản hành chính trái luật:

"Trách nhiệm của Tổng cục Dạy nghề là phải xử lý, kỷ luật chứ không phải chuyện thích đẻ ra thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp đến mức như thế, vô lý. Tổng cục Dạy nghề phải chịu trách nhiệm về việc này."

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN - đơn vị phản đối gay gắt nhất yêu cầu đổi tên các trung tâm đào tạo lái xe cũng cho rằng, việc giữ nguyên tên Trung tâm đào tạo lái xe hay đổi thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp cũng không tác động gì đến hiệu quả công tác quản lý cũng như nhận biết mô hình, quy mô của đơn vị đào tạo lái xe. Trong khi việc phải đổi tên  đã khiến các đơn vị tốn kém rất nhiều chi phí xã hội:

"Nó không cần thiết, bởi vì nếu để nguyên nó vẫn đủ điều kiền để nhận biết, anh quản lý mô hình nào thì anh quản lý theo mô hình đó, nó không ảnh hưởng gì. Thành ra là việc yêu cầu các đơn vị, anh em phải làm một việc không cần thiết và tốn kém rất nhiều chi phí."

Một cơ sở đào tạo lái xe tại TP.HCM. Ảnh: Plo.vn

Một cơ sở đào tạo lái xe tại TP.HCM. Ảnh: Plo.vn

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc các trung tâm đào tạo lái xe phải có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”. Trong khi văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là công văn hành chính nhưng lại chứa đựng nội dung của văn bản quy phạm pháp luật là trái luật, nên cần phải xem xém trách nhiệm, thậm chí phải bồi thường:

"Căn cứ Điều 108 của Nghị định số 34/2016, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện trách nhiệm, kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thi hành văn bản trái luật gây ra. Hoặc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có thể bị cơ quan và người có thẩm quyền xem xét, quyết định hình thức xử lý đối với việc ban hành văn bản trái pháp luật. Còn đối với những người phải chi phí thì có thể có văn bản yêu cầu bồi thường, thậm chí khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền."

Theo thống kê, cả nước hiện có 384 cơ sở đào tạo lái xe ô tô đang hoạt động, trong đó có 142 cơ sở thuộc Trường Trung cấp nghề và Trường Cao đẳng nghề các loại; 242 trung tâm đào tạo lái xe (hoặc trung tâm đào tạo nghề lái xe). Trong số 242 trung tâm đào tạo lái xe thuộc diện phải đổi tên đã khoảng 30 - 40% đơn vị thực hiện đổi tên, phát sinh rất nhiều chi phí, gây tốn kém cho xã hội./.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn