Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Đời sông - Dòng rác

Kim Loan: Thứ năm 25/07/2024, 22:12 (GMT+7)

Hiện nay, hệ thống sông rạch nhiều nơi ở thành phố Cần Thơ đang bị ô nhiễm bởi rác thải. Các địa phương khác cũng đang nan giải với câu chuyện của những dòng sông rác. Thực trạng này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước vốn là thế mạnh của ĐBSCL.

Đặc biệt, rác thải trên sông là một “điểm trừ” trong công tác xây dựng nông thôn mới trở thành vùng quê đáng sống hoặc đô thị thông minh. Ghi nhận của VOV Giao thông tại một số dòng sông lớn ở ĐBSCL đang bị bức tử bởi rác.

Sông Ngan Dừa là tuyến giao thông trọng yếu của nhiều phương tiện thủy. Đặc biệt, với khâu đê bao khép kín, nước ngọt được giữ trên con sông này nhiều năm đã giúp ích cho công tác tưới tiêu. Tuy nhiên, người dân không thể sử dụng nước cho sinh hoạt bởi một số đoạn đã bị bức tử bởi rác thải.

Cứ mỗi ngày, rác lềnh bềnh nổi trên sông đủ loại từ hộp xốp, đến chai nhựa, bao ni lông, xác động vật… bủa vây thị giác của người dân. Mùa nắng, dòng sông bốc mùi nồng nặc. Mùa mưa, rác sinh sôi muỗi mồng gây bệnh truyền nhiễm.

Rác bủa vây sông Ngan Dừa đoạn qua ấp Thống Nhất, thị Trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Rác bủa vây sông Ngan Dừa đoạn qua ấp Thống Nhất, thị Trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Ông Trần Văn Hoàng, sống tại ngã ba vàm Ngan Dừa – cách chợ Ngan Dừa 2km cho biết, cách đây 4 ngày, người dân ở vàm Ngan Dừa phải hứng một trận “bão rác” mù trời bởi gió lốc mạnh đã khiến những hộp xốp trên sông bay tứ tung.

Ông Trần Văn Hoàng – ngụ ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu bức xúc: “Đủ loại rác từ áo quần đến tả lót… trắng cả sông, bão lớn là rác bay như cò bay. Có từ hàng ngàn cái hộp xốp trở lên. Ngoài ra còn có xác trâu, gà, vịt, kể cả thịt heo hư thối bán không hết người ta xả xuống sông này. Do người dân họ vứt xuống sông, nông thôn chúng tôi có xe thu gom rác nhưng chẳng có rác là bao nhiêu mà đa phần người ta vứt xuống sông. Bây giờ đi chợ tốn 2.000 đồng cũng được bọc trong túi ni lông, ăn xong thì họ tiện tại vứt xuống sông luôn”.

Ông Trần Văn Hoàng bơi xuồng chỉ cho phóng viên thấy, rác thải nơi ông sống vượt mức báo động.

Ông Trần Văn Hoàng bơi xuồng chỉ cho phóng viên thấy, rác thải nơi ông sống vượt mức báo động.

Kế đến là “thiên đường” sông nước chợ nổi Cái Răng. Theo thống kê, mỗi năm Cần Thơ đón 5 triệu lượt du khách, trong đó hơn 70% đến tham quan chợ nổi. Thế nhưng, du khách phàn nàn và phản ánh tình trạng xả rác trực tiếp xuống sông của các tiểu thương mua bán mặt hàng rau – củ - quả tại chợ đã khiến dòng sông chợ nổi ngày càng nhếch nhác và ô nhiễm.

Nơi xả nhiều nhất là dưới chân cầu Cái Răng đoạn bờ kè. Nước lớn, rác thải bập bềnh. Nước ròng rút đi rác vương vãi cặp mé sông mà người ta nhìn vào gọi là “hành lang rác” trên sông. Có thời gian, địa phương yêu cầu bà con thương hồ bỏ rác vào sọt và phân công người đến ghe tàu thu gom, nhưng tình trạng rác thải vẫn xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Ơn – khách du lịch ngán ngẩm cho biết: “Không những thương hồ mà cả khách du lịch cũng tiện tay vứt rác xuống sông, trên sông nhiều loại hộp và ly xốp thì đó là cơm hộp và ly uống nước của du khách chứ của ai? Tôi đến đây mới có một buổi sáng cũng cảm nhận một số điểm là có mùi hôi. Tôi nghĩ rằng, nên có một chế tài, ai vứt rác bừa bãi thì bị phạt thôi”.

Và còn nhiều hơn nữa những dòng kênh, rạch bị bức tử bởi rác, điển hình như rạch Đầu Sấu, sông Bến Bạ ( TP. Cần Thơ). Rác có thể theo thủy triều trôi đi nhưng rác chỉ trôi từ nơi này đến nơi khác. Ngoài nước thải công nghiệp, thì rác cũng là tác nhân làm ô nhiễm hệ thống sông rạch của ĐBSCL suốt nhiều năm qua.

Rác thải trên chợ nổi Cái Răng

Rác thải trên chợ nổi Cái Răng

Một con số thống kế cho thấy, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn rác, nhưng chỉ khoảng 15% trong số này được thu gom, tái chế. Số còn lại chôn lấp ở các bãi, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, sống tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, việc gom rác vào một nơi hay vứt rác bừa bãi chỉ có ý thức mới quyết định được hành vi:

“Hằng ngày sửa xe, trước đây chú còn hay lấy cái bánh xe nhận xuống nước để dò tìm chỗ thủng, còn bây giờ không bao giờ chú bước xuống. Người dân cứ vô tư tuôn xả rác xuống kênh mà không có luật lệ gì hết. Người dân phải có ý thức, dù sao đây cũng là quận trung tâm của thành phố, sạch sẽ ai cũng thích hết”.

Dòng sông Cần Thơ đoạn qua chợ nổi Cái Răng, nơi này sống dựa vào du lịch

Dòng sông Cần Thơ đoạn qua chợ nổi Cái Răng, nơi này sống dựa vào du lịch

Một túi nylon phải mất hàng ngàn năm mới phân hủy, một khi không được phân hủy trong lòng đất thì túi nylon sẽ làm mất dần môi trường sống của sinh vật trong đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thực vật.

Bảo vệ môi trường sống cho dù chỉ là những việc làm đơn giản hằng ngày, như: tiêu hủy rác thải, không xả rác ra môi trường, không sử dụng các vật dụng nhựa, túi nylon… là chúng ta đã góp phần làm cho cuộc sống trong lành, xanh - sạch - đẹp. Khi đó “đời sông” sẽ sống đúng nghĩa với vai trò lưu thông dòng nước chứ không phải gồng gánh dòng rác như hiện nay.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn