Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Điều trị phục hồi sau TNGT: Nguồn lực hạn chế, cơ hội giảm đi

Nguyễn Yên - Phan Nhơn: Thứ tư 05/06/2024, 16:07 (GMT+7)

Sau khi bị tai nạn giao thông, nhiều người dù giữ được mạng sống nhưng phải đối mặt với những chấn thương nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, phục hồi chức năng sớm và phù hợp sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình hình, trở lại hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, thực tế đang thiếu hụt nguồn nhân lực và các trang thiết bị hiện đại khiến hiệu quả của điều trị phục hồi chức năng bị giảm đi.

 

Khoa Vật lý Trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM

Khoa Vật lý Trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM

Khoa Vật lý Trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM là địa chỉ quen thuộc của những bệnh nhân bị tai nạn giao thông sau khi thoát khỏi “cửa tử”.

Một bệnh nhân đang điều trị tại đây là Nguyễn Lê Công Thoại, 20 tuổi bị tai nạn giao thông trên đường về nhà và bị gãy xương đòn vai. Lo lắng với chấn thương khi tuổi đời còn trẻ, Thoại cho biết, anh và gia đình từ quê lên đây để được điều trị, phục hồi tốt hơn:

“Tôi đến đây được bác sĩ hướng dẫn tập vật lý trị liệu vai, tay, bàn tay. Lúc mới vô thì bàn tay cầm nắm rất yếu, sau thời gian điều trị thì khả năng cầm nắm cải thiện rõ hơn. Ở dưới Bạc Liêu điều kiện không được tốt nên ba mẹ bảo tôi ở đây để được điều trị tốt hơn”.

Còn bệnh nhân Nguyễn Văn Hồ, 53 tuổi gặp tai nạn trên cao tốc Trung Lương -Mỹ Thuận vào tháng 2 năm nay. Ông được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật. Sau khi được cứu sống, bệnh nhân bị giảm chức năng vận động; mất khả năng nuốt.

Bà Đỗ Phương Mai, vợ ông Hồ chia sẻ về những khó khăn trong quá trình điều trị phục hồi khi năng lực của bệnh viện địa phương còn hạn chế: “Đi xe từ Đồng Tháp lên TP.HCM điều trị mất hơn 4 giờ đi xe khách để tái khám hơi vất vả. Ổng thì đi tiêu tiểu không được, uống nước thì bị sặc phải ăn qua ống không thôi. Lên đây thuốc mạnh với tập nuốt chứ ở dưới Đồng Tháp chưa tập lần nào”.

Theo phân tích từ bác sỹ Lưu Thị Thanh Loan, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân sau tai nạn giao thông thường sẽ có hai dạng chủ yếu là bệnh nhân chấn thương sọ não và bệnh nhân bị gãy xương, chấn thương chỉnh hình. Và việc phục hồi chức năng cần tiến hành càng sớm càng tốt nhưng nhiều bệnh nhân và người nhà lại chưa hiểu rõ điều này nên để mất đi "thời gian vàng".

"Bệnh nhân vẫn chưa biết hết tầm quan trọng phục hồi chức năng, khi sức cơ bị yếu đi mới bắt đầu đi tập thì đã bị cứng khớp, nên đã qua thời gian vàng để hồi phục. Khi bệnh nhân được xuất viện về địa phương gặp một số điều kiện hạn chế tiếp cận các viện để tập vật lý trị liệu. Các điều kiện cơ sở vật chất, tình hình tài chính của bệnh nhân khiến họ không theo đuổi tập luyện dài lâu", bác sĩ Loan cho biết.

Khả năng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế còn hạn chế là do thiếu hụt nhân lực có chuyên môn; cơ sở vật chất và trang thiết bị chậm được đầu tư cũng như thiếu cơ chế cung cấp dịch vụ linh hoạt. Ảnh: Znews

Khả năng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế còn hạn chế là do thiếu hụt nhân lực có chuyên môn; cơ sở vật chất và trang thiết bị chậm được đầu tư cũng như thiếu cơ chế cung cấp dịch vụ linh hoạt. Ảnh: Znews

Còn bác sỹ Trần Phước Bình, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, ngành phục hồi chức năng sau mổ ở bệnh viện và các cơ sở y tế công lập đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh tỷ lệ tai nạn giao thông còn ở mức cao nhưng cơ sở vật chất phục vụ công tác này còn hạn hẹp, thiếu thốn trang thiết bị hiện đại; đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực làm công tác phục hồi chức năng được đào tạo bài bản. Điều này khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng.

"Đối với phục hồi chức năng, đòi hỏi nhân lực rất quan trọng. Nhân lực chúng ta còn thấp so với thế giới, chỉ khoảng 0,25 cán bộ phục hồi chức năng trên 10.000 dân và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì phải tầm khoảng 0,5 -1 cán bộ phục hồi chức năng trên 10 nghìn dân.

Chúng ta còn thiếu rất nhiều dụng cụ, nhiều nạn nhân tai nạn giao thông cần phải lắp chân giả, nẹp tay. Những thiết bị này giá trị rất cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Vì thế, đây là gánh nặng cho người khuyết tật và cả gia đình". bác sĩ Bình nói.

PGS.TS.Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cũng lo lắng khi cơ chế va chạm phương tiện thường khiến nạn nhân chịu những tổn thương nặng nề. Trong quá trình điều trị phục hồi chức năng cần quan tâm tới cả 2 khía cạnh là phục hồi các chức năng của cơ thể và phục hồi tinh thần:

“Bản thân người ta có thể không bị gẫy chân, gẫy tay, mổ xẻ nhưng lại bị tổn thương tâm lý, có những người bị chấn thương sọ não nhưng chưa được tập luyện đúng chuyên ngành, quá trình phục hồi diễn ra lâu dài và bền vững vì có những nạn nhân phục hồi xong nhưng bị xa lánh xã hội, không ai giao tiếp nên họ trở lại ban đầu, bị rối loạn tâm lý nhưng Việt Nam chưa có phương pháp hỗ trợ”.

Theo một nghiên cứu mới đây, hiện các cơ sở khám chữa bệnh phục hồi chức năng mới chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng. Khả năng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế còn hạn chế là do thiếu hụt nhân lực có chuyên môn; cơ sở vật chất và trang thiết bị chậm được đầu tư cũng như thiếu cơ chế cung cấp dịch vụ linh hoạt. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân do tai nạn giao thông và các nguyên do khác cần phục hồi chức năng ngày càng gia tăng.

Do đó, PGS.TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng nêu kiến nghị: 

“Chúng ta cần nghiên cứu xây dựng chính sách để có thể áp dụng những kỹ thuật tiên tiến và phương pháp phù hợp đối với từng loại chấn thương và tình trạng của bệnh nhân và cần tạo các điều kiện tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng một cách dễ dàng và thuận tiện hơn như các thông tin dẫn đến các hoạt động phục hồi chức năng phù hợp”.

Theo một nghiên cứu mới đây, hiện các cơ sở khám chữa bệnh phục hồi chức năng mới chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng. Ảnh: Znews.vn

Theo một nghiên cứu mới đây, hiện các cơ sở khám chữa bệnh phục hồi chức năng mới chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng. Ảnh: Znews.vn

Cùng với tình trạng đáng lo ngại về tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng, nhu cầu về điều trị phục hồi chức năng đang ngày càng gia tăng.

Nhưng nghịch lý là khả năng cung cấp dịch vụ này còn nhiều hạn chế, bất cập khiến người bệnh phải chịu di chứng nặng nề hoặc không thể phục hồi.

Thực tế này đòi hỏi những việc cần triển khai ngay “Để hàn gắn lại cuộc sống cho nạn nhân tai nạn giao thông”.

 

Điều trị, phục hồi chức năng cho các nạn nhân tai nạn giao thông có vai trò hết sức quan trọng nhưng thực tế nhiều điểm hạn chế đã được chỉ ra làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và khả năng tái hòa nhập về gia đình và xã hội của bệnh nhân; ở các địa phương thì vấn đề càng ít được quan tâm.

Thêm vào đó, thời gian điều trị phục hồi cũng kéo dài hơn rất nhiều so với chương trình điều trị ở các quốc gia khác. Điều này cho thấy, việc thực hiện phục hồi chức năng hiện còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đánh giá chung, hệ thống phục hồi chức năng tại các bệnh viện hiện chỉ đáp ứng, tiếp cận được khoảng 20% người khuyết tật. Do đó, đầu tiên là cần xây dựng hệ thống phục hồi chức năng một cách toàn diện và đầu tư các trang thiết bị phù hợp; có đầy đủ đội ngũ chuyên gia về số lượng và trình độ chuyên môn để sớm lấp đầy những thiếu hụt hiện nay.

Tuy nhiên, đây không phải là việc đơn giản bởi hệ thống này cần sự đầu tư lớn trên quy mô rộng. Như một số nước có điều kiện kinh tế tương đương Việt Nam thì họ đầu tư hệ thống phục hồi chức năng có tính liên kết giữa các bệnh viện, các cơ sở phục hồi chức năng, các nhóm phục hồi chức năng tại cộng đồng phối hợp cùng gia đình và người thân của nạn nhân để tạo ra chuỗi hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân trong quá trình phục hồi.

Thứ hai là các chi phí để phục hồi chức năng hiện tương đối cao, và các trường hợp nặng thì thời gian điều trị có thể kéo dài. Điều này gây ra khó khăn kinh tế rất lớn cho bệnh nhân và gia đình để tiếp tục theo đuổi chương trình phục hồi chức năng sau thời gian điều trị hoặc phẫu thuật vì tai nạn giao thông.

Nó đòi hỏi những chương trình hỗ trợ chi phí phục hồi chức năng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các quỹ hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông hoặc mở rộng phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cho lĩnh vực này.

Một vấn đề nữa cần được nâng cao là nhận thức của cộng đồng về điều trị, phục hồi chức năng sau tai nạn giao thông. Bởi thực tế có rất nhiều người cho rằng, sau khi bị tai nạn và bình phục phần nào, dù còn khó khăn nhưng họ sẽ chờ đợi thời gian để tự tập luyện và trở lại bình thường chứ không nhờ sự chỉ dẫn hay tuân thủ các quy trình để phục hồi một cách tốt nhất.

Ngoài ra, phục hồi về sang chấn tâm lý sau tai nạn giao thông còn chưa được quan tâm đúng mức; trong khi đây cũng là vấn đề ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người bệnh.

Sau tai nạn, nếu chúng ta gặp bất kỳ thương tích nào, kể cả tổn thương về thân thể hay tinh thần mà bắt buộc phải hỗ trợ điều trị hoặc phục hồi chức năng thì việc tuân thủ các quy trình cần được ưu tiên hàng đầu.

Trung bình mỗi năm ở nước ta có gần 20 nghìn người bị thương do tai nạn giao thông, nhưng có rất ít thông tin là trong số những người bị thương đó thì tỷ lệ bao nhiêu nạn nhân gặp những di chứng hoặc tàn tật cả đời, không thể quay lại cuộc sống bình thường. Trong đó, phần lớn nạn nhân là những người trong độ tuổi lao động, mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình và xã hội.

Phục hồi chức năng cho những nạn nhân tai nạn giao thông nếu được làm sớm và đúng kỹ thuật do đó sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, là cơ hội hồi sinh cho người bệnh, là niềm vui cho gia đình và mang lại những ý nghĩa to lớn với xã hội.

Nguyễn Yên - Phan Nhơn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay (25/7), Lễ viếng chính thức đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tổ chức đồng thời ở Hà Nội, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Hà Nội: Phạt tiền chủ bãi xe không phép ở Hà Đông, giao địa phương giám sát

Hà Nội: Phạt tiền chủ bãi xe không phép ở Hà Đông, giao địa phương giám sát

Tổ công tác liên ngành CSTT, TTGT phối hợp ghi hình, phạt tiền chủ bãi xe không phép, đồng thời giao chính quyền địa phương giám sát tái vi phạm trên địa bàn.

“Anh Trọng giản dị lắm”

“Anh Trọng giản dị lắm”

Phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là khu vực có 2 căn hộ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gia đình sinh sống.

Kiểm soát khí thải xe máy,  Luật đã có nhưng còn nhiều rào cản

Kiểm soát khí thải xe máy, Luật đã có nhưng còn nhiều rào cản

Từ 01/01/2025 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực, quy định mô tô, xe gắn máy phải thực hiện kiểm định khí thải. Trước khi quy định chính thức được áp dụng còn có rất nhiều băn khoăn từ dư luận.

Người dân sống ven kênh rạch với chủ trương ưu đãi cho thuê, mua nhà ở xã hội

Người dân sống ven kênh rạch với chủ trương ưu đãi cho thuê, mua nhà ở xã hội

TP.HCM hiện có 22.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, giai đoạn 2021 – 2025 thành phố đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà để làm 17 dự án chỉnh trang đô thị. Song, đến nay mới di dời được 5.000 căn, ước tính chỉ đạt khoảng 77 % kế hoạch.

Ông Hai Ri và đội chữa cháy tình nguyện

Ông Hai Ri và đội chữa cháy tình nguyện

Việc phát hiện, chữa cháy có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào lực lượng cơ sở tại chỗ. Nhận ra vai trò của nhân dân cho công tác chữa cháy của địa phương mà lão nông Hai Ri đã mạnh dạn lập ra Đội chữa cháy lưu động tình nguyện tại phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.

Người tiêu dùng bớt 'hảo ngọt', thời cơ cho chính sách?

Người tiêu dùng bớt "hảo ngọt", thời cơ cho chính sách?

Sử dụng quá nhiều đường so với mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) có thể gây ra những tác hại về sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm.