Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Kinh Doanh

Ứng phó thế nào với giá hàng hoá “nhấp nhổm” tăng? (Phần2)

Như Ngọc - Anh Thư: Thứ ba 28/05/2024, 20:20 (GMT+7)

Cần ứng phó thế nào với giá hàng hoá “nhấp nhổm” tăng? Các doanh nghiệp cần làm gì để tiết kiệm chi phí sản xuất, ổn định giá thành, hạn chế tăng giá bán sản phẩm trong thời gian tới?

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng hóa liên tục ghi nhận những biến động mạnh. Các đợt điều chỉnh tăng, giảm, đi ngang đan xen, phản ánh đúng tính chất thị trường, tuy nhiên nhìn chung, xu hướng tăng giá đã được hình thành rõ ràng trong giai đoạn đầu năm nay.

Dự báo xu hướng giá hàng hóa trong thời gian tới, ông Dương Đức Quang – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Dự báo, giá ca cao trong thời gian tới sẽ tiếp tục neo ở vùng giá cao nhưng khó để vượt mức đỉnh đã thiết lập hồi đầu năm. Sản lượng ở mức thấp tại 2 quốc gia sản xuất hàng đầu trên tiếp tục giữa giá ở mức cao.

Tương tự, giá cà phê Robusta trong 1-2 tháng tới cũng vẫn duy trì được mức giá cao như hiện tại nhưng việc có thể vượt đỉnh cũ để xác lập mức đỉnh lịch sử mới là điều chưa thể xác định rõ ràng.  Với nhóm kim loại, xu hướng tăng giá của nhóm có thể tạm thời chững lại trong vài tuần.

Tuy nhiên, về trung hạn từ giờ tới cuối năm, MXV cho rằng xu hướng tăng vẫn sẽ khá vững chắc do căng thẳng địa chính trị tiềm ẩn, tình trạng thiếu hụt nguồn cung, và xu hướng FED cắt giảm lãi suất vào cuối năm."

 

Đề xuất về những giải pháp để bình ổn giá cả trên thị trường hiện nay, GS.TS. Ngô Thắng Lợi - Trưởng Bộ môn Kinh tế Phát triển (Đại Học Kinh tế Quốc Dân) nêu ý kiến

"Phải có các chính sách để hỗ trợ cả sản xuất và tiêu dùng. Về khía cạnh sản xuất, ngân hàng đã thực hiện chính sách giảm lãi suất ở mức thấp nhất cho người đầu tư rồi. Nhà nước cũng đã thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8 %.

Trong thời gian tới, quan điểm của tôi là cần phải đẩy mạnh hơn các chính sách nào cụ thể. Ví dụ như chúng ta có thể giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế sử dụng đất đai, giảm các chi phí và lệ phí khác, thậm chí là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để làm thế nào cho hoạt động doanh nghiệp dễ dàng, thuận lợi hơn. Chi phí sản xuất thấp hơn dẫn đến giá của hàng hóa cung cấp cho thị trường có thể thấp xuống."

Cũng theo dự báo của Bộ Công thương, giá hàng tiêu dùng có thể tăng sau ngày 1/7 tới. Hiện nay, một số giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất đã tăng nên sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường. Do đó, để ổn định giá thành, hạn chế tăng giá bán sản phẩm trong thời gian tới, một số doanh nghiệp đã tiếp tục rà soát lại các khâu sản xuất, tiết giảm chi phí như chia sẻ của ông Ông Nguyễn Đặng Hiến -Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bridrico):

"Chúng tôi tìm cách cắt giảm chi phí trong khâu sản xuất, giảm hao hụt trong sử dụng nguyên, vật liệu và giảm chi phí từ việc sử dụng hợp lý hóa thiết bị, máy móc của mình. Làm sao cho thời gian dừng máy ít nhất, khi thời gian dừng máy ít nhất các chi phí bảo dưỡng, bảo trì, vệ sinh máy móc nó sẽ giảm, chi phí này rất lớn nếu chi phí này giảm được thì mình sẽ cắt giảm được những chi phí khác."

Trong khi đó, lo ngại  đợt tăng giá thời gian tới, vì giá xuất khẩu tăng và chi phí sản xuất cũng tăng. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhựt, đại diện một công ty gạo chia sẻ:

"Trong phân phối gạo, chi phí logistics rất lớn, chiếm đến 10%-20%, vì vậy mình dùng các hình thức mua bán điện tử, online, logistics, shipper … làm sao tận dụng các phương tiện giao hàng  như thế nào để có giá tốt, ví dụ mua 1 túi gạo 5 kg gạo mà chi phí giao hàng đến 50.000 đồng thì cao quá."

Trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay, về phía các doanh nghiệp cần phải thực hành tiết kiệm và kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các mô hình doanh nghiệp kinh doanh tuần hoàn, tận dụng lao động thừa, máy móc, thiết bị, tận dụng phế liệu, phế phẩm để tạo ra đầu vào cho các sản phẩm khác. Từ đó, lượng sản xuất sản phẩm cũng tăng lên, chi phí sản xuất có thể giảm đi và dẫn đến giá của hàng hóa cung cấp cho thị trường thấp xuống.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nêu giải pháp:

"Việc kiểm tra, giám sát là của các cơ quan quản lý thị trường, quản lý địa phương, xã phường tron việc kiểm tra chợ dân sinh, điểm bán hàng tiêu dùng trên điạ bàn mình, từ đó, làm cho giá cả tiêu dùng ổn định theo mức tăng cần thiết của thị trường chứ không phải theo ý muốn chủ quan của người bán. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian từ 1.7 tới."

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý giá cả do cung cầu thị trường quyết định, nhưng DN không được thao túng giá, lợi dụng để tăng giá. Đối với những nhóm ngành hàng thiết yếu nhà nước cần tăng cường kiểm tra kiểm soát, chặt chẽ./.

 

Như Ngọc - Anh Thư/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn