Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Dĩ độc trị độc, “mời” uống rượu rồi cho lái xe

Huy Văn: Thứ sáu 22/09/2023, 09:43 (GMT+7)

Lái xe sau khi sử dụng rượu bia là hành động nguy hiểm. Chất cồn trong rượu bia sẽ khiến não bộ xử lý thông tin chậm chạp, phản xạ có điều kiện theo đó cũng suy giảm, vì vậy làm tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tài xế không nhận thức đầy đủ về mối nguy này.

Do đó, mới đây một TP tại Nhật Bản đã cho tài xế “trải nghiệm” cảm giác lái xe khi say rượu bia để tăng nhận thức về việc “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Mới đây, Thành phố Chikushino, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản đã triển khai chương trình cho phép tài xế uống rượu để trải nghiệm cảm giác nguy hiểm của lái xe lúc say xỉn. Theo sáng kiến này, cảnh sát và giáo viên dạy lái ở thành phố Chikushino, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản, mời tài xế uống một lượng rượu vừa đủ "vượt quá giới hạn cho phép" trước khi lên xe.

Sáng kiến được triển khai từ ngày 21/8, nhân kỷ niệm 17 năm vụ tai nạn do một tài xế say xỉn gây ra khiến ba trẻ em thiệt mạng ở thành phố Chikushino hồi năm 2006. Mục đích của giới chức là nhằm cho các tài xế trực tiếp trải nghiệm cảm giác say sau tay lái như thế nào và nó nguy hiểm ra sao.

Thành phố Chikushino, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản đã triển khai chương trình cho phép tài xế uống rượu để trải nghiệm cảm giác nguy hiểm của lái xe lúc say xỉn

Thành phố Chikushino, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản đã triển khai chương trình cho phép tài xế uống rượu để trải nghiệm cảm giác nguy hiểm của lái xe lúc say xỉn

Có mặt để trải nghiệm chương trình, anh Yuichiro Kodama, phóng viên của đài FBS, đã uống 1 lon bia cùng 5 ly highball, một loại đồ uống có cồn phổ biến tại Nhật trong vòng 1 tiếng rưỡi trước khi được trải nghiệm lái xe. Anh chia sẻ: “Nồng độ cồn của tôi sau khi uống là 0.87, cao gấp 6 lần ngưỡng cho phép. Tôi đang trong tình trạng không thích hợp để lái xe ngay lúc này”.

Dưới sự giúp đỡ của giáo viên trường dạy lái, anh Kodama được đưa ra xe để trải nghiệm. Kodama sẽ phải lần lượt điều khiển xe qua đường ziczac, cua chữ S và cua hẹp trên sa hình trong khuôn viên trường dạy lái, trong khi giáo viên đánh giá mức độ an toàn của chuyến đi. Dưới ảnh hưởng của bia rượu, kết quả là Kodama đã liên tục mắc lỗi và không thể hoàn thành bài thi.

Giáo viên ngồi cùng anh Kodama trên chuyến xe cho biết: “Nếu đây là tình huống xảy ra thực tế, chắc chắn 100% sẽ có tai nạn. Ban đầu anh ấy vẫn lái xe bình thường, nhưng sự rung lắc khi lái xe dần khiến tài xế trở nên khó chịu, không cảm nhận được bản thân đang lái xe nhanh hay chậm, thậm chí không thể cầm vững tay lái dù đang đi đường thẳng.”

Tương tự với Kodama, hai phóng viên Hyelim Ha và Rokuhei Sato của tờ Mainichi đã tình nguyện tham gia trải nghiệm này. Ha là người cầm lái, còn đồng nghiệp Sato ngồi cạnh, đóng vai một hành khách tỉnh táo.

Khoảng một giờ sau khi phóng viên Ha uống một lon bia 350 ml, một ly rượu mơ và một ly rượu shochu pha nước, nồng độ cồn của anh là 0,3 mg/lít khí thở, gấp đôi ngưỡng cho phép là 0,15 mg. Khi cầm lái, phóng viên Ha liên tục tăng giảm tốc không hợp lý trên đoạn đường thẳng, khiến đồng nghiệp Sato ngồi cạnh liên tục bị chao đảo. Phóng viên Ha cố gắng lái xe qua đường ziczac và bị phó hiệu trưởng trường dạy lái Shojiro Kubota dừng xe ngay trước khi vào khúc cua chữ S.

Dù bị lạnh tay, tăng nhịp tim và mặt đỏ bừng, phóng viên Ha cho biết anh vẫn cảm thấy có thể lái xe. Đây cũng là lời khai của tài xế gây ra vụ tai nạn thảm khốc khiến ba trẻ em thiệt mạng năm 2006. "Dù uống rượu làm suy giảm các các kỹ năng nhận thức, phán đoán và điều khiển phương tiện, tài xế vẫn cho rằng họ đang lái xe an toàn. Đó là sự nguy hiểm của việc uống rượu lái xe", ông Kubota nói.

Ảnh minh hoạ: Daisuke Tomita/The Yomiuri Shimbun/AP

Ảnh minh hoạ: Daisuke Tomita/The Yomiuri Shimbun/AP

Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết, việc nhiều tài xế tự tin rằng mình có thể lái xe bình thường sau khi uống rượu sẽ hình thành xu hướng chủ quan và tiếp tục lặp lại vi phạm. Cơ quan này cũng trích số liệu cho thấy nguy cơ xảy ra tai nạn gây tử vong do uống rượu lái xe cao gấp 7 lần so với khi tài xế tỉnh táo.

Luật giao thông đường bộ Nhật Bản quy định nồng độ cồn trong hơi thở khi lái xe phải dưới mức 0,15 mg/lít hơi thở. Tài xế có nồng độ cồn vượt ngưỡng nhưng dưới mức 0,25 mg/lít sẽ bị phạt hành chính và thu bằng lái 90 ngày. Người vi phạm trên mức 0,25 mg/lít khí thở sẽ bị tước bằng hai năm.

Tính đến cuối tháng 7 năm nay, 295 tài xế ở tỉnh Fukuoka đã nhận án phạt vì nghi ngờ lái xe trong tình trạng say rượu, tăng 45 người so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện Sở Cảnh sát Thành phố Chikushino, tỉnh Fukuoka chia sẻ: “Tình hình tai nạn giao thông hiện vẫn diễn biến phức tạp. Chúng tôi hy vọng chương trình trải nghiệm này sẽ góp phần vào mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông về 0 của tỉnh”.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn