Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Đi chợ cù lao Tắc Cậu

Trọng Nhân: Thứ ba 15/10/2024, 20:38 (GMT+7)

Ở xứ Tắc Cậu (Kiên Giang), hàng chục năm qua có một ngôi chợ ngày qua ngày giao thương tấp nập, thuyền ghe với hàng hoá đầy ắp cập bến bên bờ sông Cái Bé. Đó là chợ cù lao Tắc Cậu, hoặc gọi là chợ Tắc Cậu.

Được bao bọc bởi bốn xung quanh là nước của sông Cái Lớn, Cái Bé và gần cửa biển vịnh Rạch Giá, vùng đất cù lao Tắc Cậu có 2 nguồn nước mặn ngọt khiến đất nhiễm phèn chỉ thích hợp để trồng khóm. Tuy nhiên, nơi này lại được trời phú cho sản vật quanh năm nhiều vô kể, giúp đời sống của người dân đỡ phần lo toan:

“Ở đây có hải sản và khóm, cau, dừa là nhiều nhất.”

“Khóm ở Tắc Cậu là có tiếng ngọt mà, cả một khu cồn nay người ta trồng khóm với dừa.”

“Chợ này cái gì cũng có bán hết em ơi, đầy đủ. Đặc biệt là hải sản tươi sống, thuyền ghe cập bến là đổ ra bán luôn, còn khóm thì khỏi nói rồi nức tiếng xưa nay.”

Vùng đất cù lao Tắc Cậu được bao bọc bởi bốn xung quanh là nước của sông Cái Lớn, Cái Bé và gần cửa biển vịnh Rạch Giá

Vùng đất cù lao Tắc Cậu được bao bọc bởi bốn xung quanh là nước của sông Cái Lớn, Cái Bé và gần cửa biển vịnh Rạch Giá

Để đến chợ Tắc Cậu chỉ cần đi trên tuyến quốc lộ 63 hướng vào cảng cá đoạn gần UBND xã Bình An là sẽ tới. Chợ Tắc Cậu hiện mới được thành lập và di dời từ bên cù lao qua phần đất liền khoảng gần 10 năm nay. Thế nên người dân bản địa thường phân biệt để dễ nhận biết là chợ Tắc Cậu cũ và chợ Tắc Cậu mới.

Ông Trần Vĩnh Hiệp, một người dân sống gần chợ Tắc Cậu cũ cho biết, Chợ Tắc Cậu vốn dĩ khi xưa nằm bên bờ sông gần Chùa bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, tách biệt hoàn toàn với đất liền. Người dân muốn đến chợ không có cách nào khác là phải đi đò.

Chợ Tắc Cậu cũ hoạt động tấp nập cho đến khi 2 cây cầu Cái Lớn, Cái Bé hình thành, giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại và cũng từ đó chợ được di dời đến địa điểm mới nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc giao thương:

“Chợ Tắc Cậu gốc là bên đây, còn bên đất liền là từ khi thành lập di dời chợ qua rồi đặt tên lại thế thôi. Chứ Tắc Cậu là gần chùa bà nè, từ xưa tới giờ. Mấy chục năm rồi, thời ba tôi tới giờ, từ thời còn chiến tranh chắc cũng 70-80 năm, lâu đời rồi”, ông Hiệp nói.

Ghé thăm chợ Tắc Cậu cũ vào buổi sáng những ngày đầu tuần. Hiện chợ vẫn còn hoạt động với thưa thớt tiểu thương buôn bán dọc theo bờ sông Cái Bé, mặc dù ế ẩm vì thế thời đã đổi thay, nhưng họ vẫn từng ngày bám trụ như một thói quen và vì muốn níu giữ những ký ức xưa cũ.

Chợ Tắc Cậu nay đã được chuyển sang địa điểm mới

Chợ Tắc Cậu nay đã được chuyển sang địa điểm mới

Nhìn về chuyến đò Tắc Cậu đưa đón người dân nối 3 bờ, đôi mắt của ông Hiệp đượm buồn khi nhớ về khu chợ một thời sầm uất, tấp nập thuyền ghe giao thương nhộn nhịp, nhưng giờ đây những hình ảnh ấy chỉ còn trong kỷ niệm để nhường chỗ cho sự phát triển tốt hơn:

“Ngày xưa hạ tầng giao thông chưa thuận tiện như bây giờ thì người dân đi bằng thuyền là nhiều. Nên là mọi người tập trung về chợ này không à. Trong ruộng ra mua, buôn bán cũng có. Bây giờ thì quá nhiều đường đi cho nên chợ cũng vắng lại. Ngày xưa cách vài km là người ta chạy ra mua đồ về nên chợ đông vui, rồi sau này thành lập chợ bên kia nên cũng chia bớt ra, với lại bên đó hải sản nhiều, công nhân làm việc nhiều thì buôn bán cũng dễ hơn. Mình ở đây thì buôn bán cũng giảm hơn trước, từ từ ế quá thì có một số tiểu thương ráng trụ lại, một số thì chịu không nổi nên phải đi”.

Dù buôn bán có phần khó khăn hơn nhưng những tiểu thương tại chợ cù lao Tắc Cậu vẫn vui vẻ mỉm cười vì sự thay đổi để phát triển chung.

Ông Nguyễn Hữu Minh một tiểu thương tại chợ cho biết, từ khi chợ Tắc Cậu được di dời sang phần đất liền đã phát huy được những lợi thế về địa lý, giúp giao thương ngày một sầm uất, đưa kinh tế đi lên và từ đó giúp thay đổi diện mạo từ một vùng đất hoang hoá, sình lầy trở nên hiện đại, khang trang: “Thay đổi nhiều lắm, khi xưa ở đây không có nhà, nếu có nhà thì thưa thớt đơn sơ lắm giờ thì hiện đại xây dựng nhà mặt phố nhìn rất khang trang, phát triển dữ lắm.”

Từ khi chợ Tắc Cậu được di dời sang phần đất liền thì đã phát huy được những lợi thế về địa lý, giúp giao thương ngày một sầm uất, đưa kinh tế đi lên

Từ khi chợ Tắc Cậu được di dời sang phần đất liền thì đã phát huy được những lợi thế về địa lý, giúp giao thương ngày một sầm uất, đưa kinh tế đi lên

Chợ Tắc Cậu ngày nay đã thay màu áo mới để hoà vào sự phát triển chung của đất nước. Trong đó có đóng góp không nhỏ của người dân và tiểu thương gắn bó với ngôi chợ vùng đất cù lao Tắc Cậu xưa nay.

Sau này cũng thế, sẽ còn và có những đổi thay để kịp thích ứng vì phát triển chung của vùng đất, tuy nhiên khung cảnh tấp nập giao thương thì vẫn vậy, sẽ chẳng thay đổi với thời gian.

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn