Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Đề xuất mỗi chuyến bay chỉ còn một phi công, liệu có ổn?

Huy Văn: Thứ sáu 09/12/2022, 15:25 (GMT+7)

Khi đại dịch COVID-19 qua đi, hàng không thế giới đang xuất hiện những tín hiệu lạc quan trở lại, tuy nhiên, sự phục hồi du lịch, đi lại thời gian gần đây đã khiến ngành hàng không không chỉ thiếu nhân lực toàn ngành, mà còn thiếu cả máy bay.

Mới đây, theo tờ New York Times, để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng mạnh sau đại dịch, các hãng hàng không đang đẩy mạnh việc mua thêm máy bay.

Vào năm ngoái, hãng Southwest công bố kế hoạch mua thêm 100 máy bay Boeing Max; United Airlines thì có cho mình một thỏa thuận bom tấn khi đặt mua 200 máy bay Boeing Max cùng 70 chiếc A321neo; hay hãng JetBlue cũng “nhanh tay” đặt mua hơn 100 chiếc A220.

Tuy nhiên, 2 nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới hiện tại là Airbus và Boeing đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các đơn hàng.

Nhiều vấn đề tồn tại trong chuỗi cung ứng đang ngăn cản các nhà sản xuất hoàn thành đơn hàng kịp thời và buộc phải trì hoãn.

Các NSX máy bay đang không thể hoàn thành tất cả đơn hàng do gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Getty Images

Các NSX máy bay đang không thể hoàn thành tất cả đơn hàng do gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Getty Images

Ông Guilaume Faury, Giám đốc điều hành của Airbus chia sẻ: “Hiện tại nhu cầu cho máy bay mới là rất lớn. Chúng tôi đã dự đoán được việc này từ khi lượng hành khách đặt vé máy bay tăng vọt. Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn khiến chúng tôi không đủ khả năng để đáp ứng toàn bộ”.

Hãng American Airlines cho biết hiện họ đã phải cắt giảm dự báo về số máy bay Boeing 737 Max sẽ nhận được trong năm 2023. Trong khi đó, hãng JetBlue cũng làm điều tương tự với dự báo về số lượng máy bay nhận được từ Airbus. Hãng United Airlines, vốn có đơn hàng với cả 2 nhà sản xuất, cũng không mấy lạc quan về việc có thể nhận đủ máy bay trong năm tới.

“Gần như mọi ngành công nghiệp đều đang đối mặt với những thách thức từ chuỗi cung ứng, và chúng tôi không phải là ngoại lệ” – Ông Dave Calhoun, giám đốc điều hành của Boeing chia sẻ. Ông cho biết thêm, dù hiện công ty đã triển khai một số giải pháp như mở rộng các công cụ kỹ thuật số, tập hợp thêm các chuyên gia để giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng… nhưng tình trạng chậm giao hàng vẫn sẽ kéo dài hết năm tới.

Đại diện của Airbus cho biết hãng cũng đang gặp nhiều rắc rối tương tự. Mùa hè năm nay, Airbus đã thông báo về việc trì hoãn sản xuất máy bay A320 của hãng vì vấn đề chuỗi cung ứng, nhưng vẫn đặt mục tiêu giao được khoảng 700 máy bay trong năm nay.

Không chỉ máy bay thương mại, nhu cầu dành cho máy bay riêng cũng đang nở rộ. So với thời điểm trước đại dịch, số lượng máy bay riêng được giao tới tay khách hàng đã tăng 20%. Nhu cầu lớn khiến các nhà sản xuất máy bay riêng cũng đang phải chạy đua với thời gian để kịp giao hàng.

Ông Ian Moore, giám đốc thương mại của công ty cho thuê máy bay riêng VistaJet chia sẻ: “Nhu cầu đối với máy bay riêng đang vượt ra ngoài quy mô vốn có của nó. Tôi đã làm trong lĩnh vực này gần 20 năm và chưa bao giờ tôi thấy nhu cầu lớn như vậy. Hàng loạt khách hàng, doanh nghiệp đang tìm đến lĩnh vực này và gắn bó với nó”.

Không chỉ thiếu máy bay, nhân viên hàng không, thiếu phi công cũng là một vấn đề lớn của ngành hàng không mà VOV Giao thông đã từng đề cập trước đây. Do đó, ngành hàng không đang đưa ra một quyết định gây tranh cãi, đó là thúc đẩy việc mỗi chuyến bay sẽ chỉ có 1 phi công, thay vì 2.

Ngành hàng không đang tìm cách vận hành các chuyến bay thương mại chỉ với 1 phi công. Ảnh minh họa: AFP

Ngành hàng không đang tìm cách vận hành các chuyến bay thương mại chỉ với 1 phi công. Ảnh minh họa: AFP

Mới đây, hơn 40 quốc gia, trong đó bao gồm cả Đức, Mỹ, Anh v.v… đã yêu cầu Liên hợp quốc đặt ra các tiêu chuẩn hàng không mới giúp việc chuyến bay 1 phi công trở nên khả thi. Cơ quan An toàn hàng không Liên minh Châu Âu cũng đang làm việc với các nhà sản xuất máy bay để tìm ra giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay này. Dự kiến, các chuyến bay 1 phi công có thể sẽ thành hiện thực từ năm 2027.

Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ông Geoffrey Thomas, Tổng biên tập của trang web AirlineRating.com cho biết: “Tôi còn không dám mơ đến việc có mặt trên một chuyến bay chỉ có 1 phi công. Với những máy bay riêng, máy bay cỡ nhỏ thì điều đó ổn. Nhưng nếu là máy bay thương mại thì không đời nào. Chưa kể đã có rất nhiều nghiên cứu, thống kê chỉ ra rằng đây là một kế hoạch điên rồ.”.

Tony Lucas, cơ trưởng máy bay A320 của hãng Qantas Airways thì cho rằng, những người đề xuất ra ý tưởng chỉ có 1 phi công trên máy bay là những người không đi máy bay bao giờ. Bởi bất kỳ sự cố nào xảy ra với người phi công duy nhất này, nó đều có thể trở thành thảm họa với toàn bộ hành khách và phi hành đoàn. Chưa kể, việc chỉ có 1 phi công cũng sẽ khiến các phi công mới, phi công tập sự mất đi cơ hội để học hỏi, thực hành với những phi công lão luyện để nâng cao trình độ.

Chưa kể, có những tình huống chỉ có thể được xử lý bởi ít nhất 2 người. Một trong những ví dụ điển hình đó là vụ việc “Phép màu trên sông Hudson” xảy ra vào năm 2009 khi Cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger cùng cơ phó của mình đã thành công xử lý sự cố chim đâm vào máy bay và hạ cánh thành công trên sông Hudson, New York, cứu sống toàn bộ 155 người trên chuyến bay.

“Cho đến nay, không có gì được chứng minh là an toàn hơn một phi công thứ hai được nghỉ ngơi đầy đủ, đủ điều kiện và được đào tạo bài bản” – Đó là lời mà đại diện Liên đoàn hiệp hội phi công hàng không quốc tế chia sẻ.

Phản hồi trước những thông tin trên, đại diện cơ quan An toàn hàng không Châu Âu cho biết, họ nhận thức được những mối nguy tiềm tàng xung quanh việc chỉ có 1 phi công, và chắc chắn việc này sẽ không được triển khai cho đến khi có giải pháp cho vấn đề an toàn, cũng như được cộng đồng ngành hàng không và các hành khách chấp nhận.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn