Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Cước vận tải biển quốc tế giảm sâu, doanh nghiệp làm gì để tồn tại?

Hoàng Hà: Thứ sáu 20/10/2023, 06:08 (GMT+7)

Giá cước vận tải biển quốc tế giảm sâu trong 1 năm qua khiến doanh nghiệp vận tải biển trong nước gặp nhiều khó khăn, chật vật tìm kiếm đơn hàng. Để giảm thiểu rủi ro khi thị trường vận tải biển rơi vào suy thoái, doanh nghiệp cần làm gì?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hồng Giang – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, sau khi lập đỉnh hồi tháng 9/2021 giá cước vận tải biển lao dốc 6 tháng cuối năm 2022 và tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm nay, theo ông giải pháp nào gỡ khó cho vận tải biển?

Ông Hoàng Hồng Giang: Đúng là giá cước container vận tải biển quốc tế giảm mạnh trong thời gian qua, chỉ số container thế giới hiện nay đạt 1.479 USD/container 40ft, giảm 86% so với  thời kỳ lập đỉnh là 10.377 USD/container 40ft vào tháng 9/2021, thấp hơn khoảng 45% so với trung bình của 10 năm qua, nhưng vẫn duy trì cao hơn mức 4% so với mức trung bình của năm 2019 (thời điểm trước dịch covid 19).

Giá cước vận tải container giảm kéo theo giá cước vận tải hàng tổng hợp cũng giảm, giá cước vận tải gas và xăng dầu cũng vẫn tăng trưởng và duy trì ở mức rất tốt trong thời gian vừa qua do xung đột xảy ra thiếu năng lượng.

Trong khi đó vận tải biển có tính hội nhập quốc tế rất cao, cần phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở cung cầu, khi có nhiều tàu mà hàng ít thì đương nhiên giá cước sẽ giảm, ngược lại tàu ít hàng nhiều thì giá cước sẽ tăng.

Vì thế các nhà vận tải biển phải nắm bắt được thị trường rất chính xác và phải dự đoán được thị trường; đồng thời phải có được những hợp đồng vận tải dài hạn với nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau và có các dịch vụ khác nhau thì sẽ giảm thiểu được rủi ro của thị trường, khi thị trường rơi vào suy thoái.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Theo ông, VN nên cơ cấu lại ngành vận tải biển theo hướng nào, để giảm thiểu các tác động từ thị trường thế giới như thời gian vừa qua?

Ông Hoàng Hồng Giang: Vận tải biển là một mắt xích tất yếu và rất quan trọng trong chuỗi logistics, nó tồn tại và gắn liền với quá trình sản xuất và phát triển kinh tế, tuy nhiên gần đây chúng ta thấy có nhiều bất ổn do xung đột, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Có thể nói tương lai của vận tải biển ngày càng khó dự báo và có nhiều bất thường cao hơn, tôi dự đoán giá vận tải biển trong tương lai có thể cao hơn, nhưng cáo yếu tố bất định, bất thường cũng sẽ cao hơn. Bên cạnh vận tải biển, trên biển còn có rất nhiều dịch vụ liên quan đến vận tải biển như: dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần, dịch vụ cảng biển, dịch vụ phân phối hàng hóa…

Để tránh rủi ro và giảm thiểu các tác động của thị trường thế giới chúng ta cần phải nâng cao năng lực khai thác, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như bổ sung thêm các chuỗi dịch vụ liên quan đến hàng hải. Bên cạnh đó các chủ tàu phải nắm bắt thị trường, chuyển đổi số, giảm thiểu phát thải, tăng cường đội tàu mới, năng lực mới để phát triển doanh nghiệp của mình cho phù hợp.

Có thể nói mỗi doanh nghiệp vận tải biển lớn đều có bí quyết riêng, có thị trường riêng. Với doanh nghiệp Việt thì năng lực hiện nay như phóng viên đã đề cập thì cũng chỉ phát triển được ở những cung đường ngắn như các tuyến nội Á, đi Úc và các thị trường gần, từ đó kết hợp với những hãng tàu lớn để đi các tuyến xa hơn.

PV: Bộ GTVT đang xây dựng “Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam” nhằm phát triển đội tàu, đảm bảo thị phần vận tải nội địa, từng bước nâng nâng cao thị phần vận tải quốc tế. Tuy nhiên với tình hình hiện tại đề án này có phải điều chỉnh? Nếu có sẽ điều chỉnh theo hướng nào để phù hợp với điều kiện và thế mạnh của VN?

Ông Hoàng Hồng Giang: Đề án phát triển đội tàu vận tải biển VN mà Bộ GTVT đã phê duyệt bao gồm những giải pháp và cơ chế chính sách mang tính dài hạn, tổng thể.

Với những biến động của thị trường trong thời gian vừa qua là những biến động ngắn và không cần phải điều chỉnh nội dung đề án, sự thăng trầm, phát triển hay đi xuống của vận tải biển trong một thời gian ngắn đấy là điều không tránh khỏi và từ trước đến giờ chúng ta cũng chưa đoán định được quy luật này.

Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, phối hợp với các DN, các hiệp hội và tư vấn của các tổ chức quốc tế để kiến nghị và đề xuất với Bộ GTVT những chính sách mới, phù hợp hơn.

Bởi vì vận tải biển ngày càng ngẫu nhiên và ngày càng bất định, DN nên trang bị khả năng chống chọi với các cơn biến động là điều cần thiết, nâng cao năng lực, sự hiểu biết và có dự báo trước, kịp thời phù hợp với tình hình thế giới và khu vực.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn