Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Bánh xe đồng vọng

Cúng tổ nghề Thăng Long xưa và nay

Thùy Linh: Thứ bảy 10/02/2024, 07:12 (GMT+7)

Mỗi gia đình người Việt Nam đều có bàn thờ tổ tiên. Mỗi cộng đồng làm nghề đều thờ chung một ông tổ có công truyền dạy nghề cho họ. Khi đến Thăng Long lập nghiệp, mỗi cộng đồng làm nghề đều họp bàn để cùng nhau bỏ tiền mua đất dựng những nơi thờ cúng chung cho cả nghề mình.

Cùng với thăng trầm lịch sử, có nghề còn nghề mất. Tục cúng tổ nghề mỗi dịp tết đến xuân về bởi thế cũng dần thu hẹp. Nét đẹp đó qua biến thiên thời gian đã đổi thay ra sao? 

Đình Phả Trúc Lâm ở phố Hàng Hành, nơi thờ tổ nghề da giày ở Hà Nội. (Ảnh: Dân Trí)

Đình Phả Trúc Lâm ở phố Hàng Hành, nơi thờ tổ nghề da giày ở Hà Nội. (Ảnh: Dân Trí)

Thăng Long xưa có rất nhiều làng nghề cả trong nội đô và ngoại ô. Nói về tục cũ, nếp xưa trong ngày Tết không thể không nhắc đến lễ cúng tổ nghề đầu năm của các làng nghề. Trước tết, họ biện một mâm lễ mang ra đình thờ tổ nghề cúng lễ mời Cụ Tổ nghề về ăn tết, giống như các làng mời Thành Hoàng.

Đầu xuân, các làng nghề tổ chức lễ mừng nghề. Trước là để nhớ ơn công đức tổ tiên, sau là mong một năm mới làm nghề may mắn suôn sẻ.

Mỗi làng nghề sẽ có một nghi thức thực hành khác nhau tuỳ theo từng nghề như chia sẻ của nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến: "Ví dụ làng giấy Yên Thái nay là phường Bưởi quận Tây Hồ khi mở nghề thì người cao tuổi nhất trong nghề và có uy tín nhất trong nghề cầm cây dó ném xuống sông Tô Lịch với ý nghĩa mong muốn năm tới cây dó sẽ trở từ vùng cao về làng nhiều hơn.

Ý nghĩa là sản phầm làm ra nhiều hơn, có nghĩa giấy của làng làm ra sẽ toả ra nhiều phương nhiều hướng hơn. Với tổ nghề làm rèn thì khác. Đầu năm mới phố Lò Rèn người ta đốt bễ than rồi lấy búa gõ lên mặt đe một hồi. Vừa là mở nghề vừa là mong muốn quanh năm ngày tháng tiếng búa gõ trên cái đe đều thì nghĩa là có nghề quanh năm". 

Rèn sắt là một công việc đòi hỏi sức khoẻ tốt. Thợ làm nghề rèn sắt ở Thăng Long xưa vốn xuất thân từ làng Hoè Thị (Làng Canh, huyện Từ Liêm, Hà Nội bây giờ). Cứ ngày mùng 4 hoặc mùng 6 Tết xưa, tại đình Lò Rèn lại vang lên tiếng búa với nhịp điệu rất đẹp đẽ của người trưởng phố để mở đầu một năm mới.

Ngày nay, con phố Lò Rèn chỉ còn một gia đình làm nghề nên không duy trì được mỹ tục ấy. Ông Nguyễn Phương Hùng (63 tuổi) là người thợ rèn cuối cùng trên phố kể: dù không còn lễ cúng tổ nghề đầu năm nhưng việc lau chùi hòn đe, cái búa vào dịp đầu xuân là việc ông không bao giờ quên:

"Quay ngược thời gian, bố tôi kể lại hồi xưa mỗi năm tết đến, ông nội tôi bắt bố tôi phải ra đình thắp hương xong mới về nhà cỗ bàn ở nhà rồi mới dọn cửa hàng ra. Còn bố tôi thì không cần biết tốt xấu, cứ mùng 6 mở cửa hàng thành tập tục rồi. Năm mới mở cửa hàng ra rèn mấy cái đinh gai đóng vào gốc đe này này. Đóng như này này, không phải dùng máy cắt, chặt đâu rơi đâu đóng đấy. Trước khi làm phải lau chùi hòn đe cho sạch sẽ, lau bằng bằng giẻ mới.

Còn tôi đến mùng 10 hoặc đi chơi đến 15. Nhưng mà tập tục con gà đĩa xôi không quên được, hoặc là lau đe. Thời đại của tôi là khác, thương mại hoá nên tôi mở xong tôi đóng cửa đi chơi. Đấy là một cái sai lầm. Không phải cái sai lầm mà là thương mại hoá phải chấp nhận", ông Hùng chia sẻ. 

Người “giữ hồn lửa” duy nhất cho phố Lò Rèn. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Người “giữ hồn lửa” duy nhất cho phố Lò Rèn. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Với đặc điểm là dân ngụ cư nên từ xưa, việc thờ cúng tổ nghề là thờ vọng bằng long ngai, bài vị, tức là họ phải về quê cũ, rước long ngai, thần vị của tổ nghề ra Thăng Long để thờ, còn tại quê cũ mới là thờ chính. 

Các cơ sở thờ cúng tổ nghề ở Thăng Long từ xưa đến nay đều có sự tương đồng trong cách thức thờ cúng, đó là các kỳ tế lễ tại các di tích được đều tổ chức vào mùa xuân và mùa thu gọi là lễ “xuân thu nhị kỳ”.

Ngoài việc tri ân tổ nghề và chia sẻ kinh nghiệm nghề, nhiều làng nghề xưa, nhất là những làng có nghề đặc biệt còn có lễ ăn thề trong ngày giỗ Tổ nghề, với mục đích trọn lời hứa giữ bí quyết nghề.

Qua biến thiên, tục lệ này cũng không còn vì nhiều lý do. Rõ nhất là cơ chế thị trường cạnh tranh quyết liệt nhưng con người vẫn phải liên kết với nhau, không thể độc quyền.

PGS. TS. Bùi Xuân Đính, nhà nghiên cứu dân tộc học dẫn chứng: "Tôi lấy ví dụ ở làng Bát Tràng, khâu men là khâu quyết định cho sản phẩm. Nhưng ngày nay người làng Bát Tràng không thể độc quyền cái men được nữa mà phải chia sẻ cho các làng khác. Thậm chí có những làng chuyên làm men cung cấp cho làng bát Tràng. Cho nên lệ giấu nghề, giữ bí quyết nghề không còn nữa nên vô hình chung lễ ăn thề trong đó có việc thề về việc giữ bí quyết nghề không còn nữa. Theo tôi đấy là nét khác biệt lớn nhất của cái tục lệ của các làng nghề đầu xuân ngày nay đã thể hiện điều đó".

Văn hóa kinh kỳ vốn là sự hội tụ của nhiều nền văn hóa từ các địa phương khác để rồi kết tinh, chọn lọc, kế thừa, giao lưu và tỏa sáng. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trong khu phố cổ Hà Nội từ khi ra đời, tồn tại đến nay cũng luôn phải vận động để thích nghi với cuộc sống đô thị. 

Lễ dâng hương tưởng nhớ tổ nghề làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Ảnh: Kinh tế đô thị

Lễ dâng hương tưởng nhớ tổ nghề làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Ảnh: Kinh tế đô thị

Theo thời gian rất nhiều nghề không còn tồn tại vì kỹ thuật phát triển, công nghệ phát triển. Nhiều đình, đền thờ Tổ nghề ở Thăng Long xưa – Hà Nội ngày nay cũng mất dần hoặc bị thu hẹp. 

Bởi thế, Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội) và nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Vũ Thị Tuyết Nhung đều chung quan điểm giữ được nghề và nhớ ơn tổ nghề đầu năm cũng là cách vận động của tín ngưỡng trong đời sống hiện đại:

"Tôi sinh ra ở đất Ngũ Xã này, các cụ tôi lập nghiệp ở đây năm nay đến đời tôi là 400 năm rồi. Trước kia cả làng đúc đồng, sau khi hoà bình thì cả làng quay ra làm nghề đúc nhôm để phục vụ quốc phòng và dân sinh. Vì thế cho nên đúc đồng mất đi hàng bao nhiêu chục năm, thế thì nhiều người cũng bỏ nghề. Bố tôi sợ mất nghề bảo các con cố gắng giữ lấy nghề. Một mặt tôi vừa làm nghề như ông để giữ nghề các cụ và sau này dạy cho con cho cháu. Bây giờ một số đình không còn giữ tục lệ dâng hương lễ thánh. Nhưng một số nơi vẫn giữ như đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc, đình Ngũ Xã ở Trúc Bạch vẫn đỏ khói hương, đỏ đèn, bà con nhân dân vào những đền thờ tổ nghề, những cây quất cây đào rất đẹp và rất rực rỡ, ấm cúng".

Ngoài đúc đồng ở Ngũ Xã thì nghề làm kim hoàn ở phố Hàng Bạc vẫn còn. Có thể nói, việc cúng tổ nghề đầu năm tại đình Kim Ngân ở 42 phố Hàng Bạc là một trong những lễ mở nghề lớn nhất 36 phố phường ngày nay. 

 

Phố Hàng Bạc, đất tổ nghề kim hoàn của Thăng Long - Hà Nội

Phố Hàng Bạc, đất tổ nghề kim hoàn của Thăng Long - Hà Nội

Từ xưa, người dân phố Hàng Bạc có hai kỳ lễ chính là vào mùa xuân từ ngày mùng 1 đến ngày 12 tháng 2, mùa thu từ ngày mùng 1 đến ngày 12 tháng 8. Sau này, số ngày tế lễ được rút ngắn lại. Hiện lễ tế xuân thu chỉ còn hai ngày là: ngày 12 tháng 2 và ngày 12 tháng 8.

Trong những dịp lễ, các phường nghề thường có lễ trình nghề, một hình thức giới thiệu, tiếp thị những sản phẩm mới của nghề mình. Qua đó, nhiều mối làm ăn, buôn bán được thiết lập, tạo dựng niềm tin, thương hiệu của mỗi nghề. 

Đó cũng là niềm vui của người làm nghề trên phố Hàng Bạc và nghệ nhân kim hoàn Nguyễn Chí Thành mỗi khi được tham gia lễ cúng tổ nghề đầu xuân: "Năm nào đến dịp lễ hội mình cũng cảm thấy xúc động và tự hào vì mình làm con dân của thôn Châu Khê là nơi có nghề truyền thống kim hoàn. Từ ngày đất nước mở cửa mình mới được theo bố mẹ ra Hà Nội để làm những công việc tạo ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội nhiều hơnChúng tôi rất là phấn khởi và hãnh diện vì mình là người của phố nghề.

Bởi vì ở Hà Nội này một cái phố để mang tên hàng mà còn giữ được nguyên Hàng Bạc là hàng bạc vẫn bán vàng thì không còn nhiều. Nó là một cái nghề ông cha cha truyền con nối và nó là một nét văn hoá của Hà Nội".

Thờ cúng tổ nghề trong khu phố cổ là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá dân gian, tạo nên nét văn hoá đặc sắc của những phường nghề thủ công. Cho đến nay, mặc dù phần lớn các nghề thủ công không còn duy trì hoạt động, nhưng những cơ sở thờ cúng tổ nghề vẫn được cộng đồng cư dân duy trì thờ cúng. 

Lễ cúng tổ nghề đầu năm dù có đổi thay để phù hợp với nhịp sống hiện đại, nhưng theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, nó vẫn luôn mang ý nghĩa nhớ về công ơn tổ tiên và cầu mong một năm mới công việc hanh thông: 

Băng: Rất nhiều nghề mất đi nhưng ở Hà Nội vẫn có 14 tổ nghề vẫn duy trì hương khói đèn nhàng làm nơi thờ tự. Nghề không còn cũng dễ hiểu nhưng một số nơi vẫn giữ được nếp xưa. Vì không còn nghề nữa người ta vào đình thờ tổ nghề đấy cầu mong con cháu mạnh khoẻ, rồi cầu mong tổ nghề phù hộ độ trì cho sức khoẻ,… Người ta vẫn giữ được cái nếp xưa. Cái đấy cũng là một cái duy trì truyền thống và rất là hay trong văn hoá Hà Nội.

Hiếm có ở đâu trên dải đất hình chữ S lại có nhiều đền thờ tổ nghề như ở Hà Nội. Đó là bởi Thăng Long-Hà Nội là đất Kẻ Chợ, người thợ không có “tài cao, nghề tinh” ắt khó lòng trụ lại. Cũng bởi vùng đất địa linh nhân kiệt, anh hùng chen chân đứng, thợ khéo tụ thành phường, mà nhiều nét văn hóa đẹp đã được chưng cất lên thành tập tục, thành lễ nghĩa.

Dù biến thiên theo thời gian, nhưng mỗi dịp tết đến xuân về, tại các đình thờ Tổ nghề lại tái hiện lại không khí cúng tổ nghề từ ngàn xưa, như khẳng định sự trường tồn của những giá trị văn hoá tâm linh của người Việt./.

Thùy Linh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Metro số 1: Công nghệ tiên tiến và kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao

Metro số 1: Công nghệ tiên tiến và kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao

Sáng 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau 17 năm với không ít khó khăn, thách thức.  Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh VOV Giao thông bên lề sự kiện quan trọng này.

TP.HCM chính thức vận hành thương mại Metro số 1

TP.HCM chính thức vận hành thương mại Metro số 1

Sáng 22/12, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Sau đó, từ 10h, 14 nhà ga của tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách.

Đi xe đò 18 tiếng để trải nghiệm Metro số 1

Đi xe đò 18 tiếng để trải nghiệm Metro số 1

Đó là sự háo hức, mong mỏi, là niềm tự hào, hãnh diện khi đã thực sự “chạm” vào giấc mơ metro. Từ dấu mốc mang ý nghĩa lịch sử này, người dân TP.HCM gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào những bước chuyển mình của giao thông đô thị hiện đại.

Những kinh nghiệm của Dự án metro số 1 là bài học quý giá cho tương lai

Những kinh nghiệm của Dự án metro số 1 là bài học quý giá cho tương lai

Trong quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng,...

Giáo dục tài chính cá nhân: Chìa khóa giúp người trẻ làm chủ tương lai

Giáo dục tài chính cá nhân: Chìa khóa giúp người trẻ làm chủ tương lai

Với thế hệ trẻ, khi đứng trước nhiều “cám dỗ” chi tiêu và những quyết định tài chính lớn, thì việc trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là điều cần thiết để đảm bảo một tương lai ổn định và vững vàng.

Đừng để 'chảy máu lao động' dịp cuối năm

Đừng để "chảy máu lao động" dịp cuối năm

Để giữ chân lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đưa ra mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn. Đồng thời có chuỗi chăm lo cho người làm, đảm bảo công việc ổn định, lâu dài chứ không phải ở chỗ thu nhập, tiền thưởng là có thể thu hút nhân sự, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Phố Cầu Mới, ngã tư Sở: Đường hay chợ?

Phố Cầu Mới, ngã tư Sở: Đường hay chợ?

Sáng nào, phố Cầu Mới, quận Đống Đa, Hà Nội, nằm ngay sát chợ Ngã Tư Sở cũng tấp nập hoạt động kinh doanh buôn bán, nhiều mặt hàng hoa quả, rau củ, thịt cá được bày bán tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường.