Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Chờ chốt lịch nghỉ Tết: Doanh nghiệp, người dân đều bị động

Nguyễn Yên - Kiều Tuyết: Thứ ba 01/11/2022, 10:32 (GMT+7)

Ở thời điểm này, chưa có thông tin chính thức về phương án nghỉ Tết khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động như ngồi trên đống lửa. Việc này ảnh hưởng ra sao đến các đơn vị, doanh nghiệp và người dân?

 Và xây dựng Lịch nghỉ Tết sao khó đến vậy khi đây là vấn đề “đến hẹn lại lên” năm nào cũng diễn ra?

Chị Phạm Thúy Hằng, một nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ vì quê nội và quê ngoại cách nhau hàng trăm kilômet nên cuối năm, lúc nào chị mong chờ lịch nghỉ Tết của Nhà nước để bố trí lịch về quê, thăm nom gia đình. Nhưng năm nay chưa rõ được nghỉ Tết bao nhiêu ngày và nghỉ từ ngày nào nên chị chưa có kế hoạch cụ thể được:

"Tôi chưa thấy có thông tin gì nên thực sự khó khăn bởi đặt sát ngày thì giá cả tăng cao mà còn không có xe để đặt. Việc lên kế hoạch thăm hỏi, mua sắm thậm chí kế hoạch chi tiêu Tết và cân đối thời gian vì hai bên nội ngoại xa nhau thì chúng tôi cần biết sớm kế hoạch nghỉ Tết được bao lâu", chị Hằng cho biết", chị Hằng nói.

Trong khi lịch nghỉ tết chưa được công bố song các doanh nghiệp vận tải đã chính thức bán vé tàu, xe dịp Tết phục vụ người lao động. Điều này khiến nhiều công nhân ở miền bắc, miền nam lo lắng bởi không chủ động được việc mua vé về quê:

"Quê ở Nghệ An nên việc đặt xe cũng khó, có khi chen chúc rồi đặt xe chưa chắc có chỗ ngồi. Biết được ngày nghỉ thì giờ mình đặt xe sẽ dễ hơn, giờ đang mơ hồ chưa biết nghỉ ngày nào".

"Mua vé mình không chủ động được, mình muốn về ngày đó nhưng đến lúc đó doanh nghiệp không cho thì tìm mua vé về rất cực, còn nếu mua trước thì tới lúc đó có khi phải bỏ vé xe; không có lịch nghỉ trước là khó đủ chuyện".

Biết trước lịch nghỉ Tết không chỉ là quyền lợi của người lao động mà theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, lịch nghỉ Tết được thông báo sớm sẽ giúp doanh nghiệp chủ động bố trí nhân lực, việc làm, lịch trực. Đặc biệt là chủ động trong việc bố trí nguồn nguyên liệu sản xuất và các sản phẩm cần tiêu thụ trên thị trường.

"Thông thường thời điểm trước Tết cũng là thời điểm rất căng về tiến độ đơn hàng, tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh như các đơn hãng xuất khẩu, mùa bán hàng cho các đơn hàng nội địa nên chúng tôi cần bố trí lịch nghỉ cho phù hợp. Thời gian nghỉ bao lâu còn giúp chúng tôi hoạch định xem lượng hàng sản xuất vào dịp trong và sau Tết", ông Thân Đức Việt cho biết.

Công ty TNHH Nidec thường lên lịch nghỉ Tết trước một năm, thời gian nghỉ từ 10-11 ngày. Ảnh: Nhân dân

Công ty TNHH Nidec thường lên lịch nghỉ Tết trước một năm, thời gian nghỉ từ 10-11 ngày. Ảnh: Nhân dân

Do thời gian nghỉ Tết năm nay rơi vào tháng 1 và hiện nay lịch nghỉ vẫn đang phân vân trong 2 phương án nên nhiều doanh nghiệp đang sốt ruột chờ đợi có phương án nghỉ Tết Nguyên đán được chốt.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội nhận định, điều này ảnh hưởng đến đa số các doanh nghiệp trong việc chủ động sắp xếp, bố trí công việc phù hợp, đảm bảo kế hoạch sản xuất:

"Ảnh hưởng đến các doanh nghiệp về kế hoạch sản xuất, kinh doanh để đáp ứng đơn hàng, ảnh hưởng đến khâu sắp xếp cho cán bộ công nhân viên nghỉ, ảnh hưởng tới mặt dự báo tình hình kinh tế bởi sau mỗi dịp nghỉ Tết thì các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động như dệt may, da giày thì ra Tết nhiều nhân công nghỉ họ cần sớm tính phương án chuẩn bị; các doanh nghiệp nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng kế hoạch thu mua, họ đang rất chờ đợi phương án nghỉ Tết để triển khai".

Mặc dù các doanh nghiệp và người dân đều đang mong chờ có lịch nghỉ Tết nhưng theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mỗi năm thời điểm nghỉ Tết sẽ khác nhau nên phải điều chỉnh theo từng năm, không thể cố định. Năm nào tới nửa cuối năm, Bộ LĐ-TB&XH cũng xây dựng phương án nghỉ Tết Âm lịch gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ ngành nên “cải tiến” quy trình này bằng việc thống nhất một lịch nghỉ Tết cố định hàng năm. Theo ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ nên đưa ra nguyên tắc chung về nghỉ Tết; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ vào đó để xây dựng và công bố sớm lịch nghỉ hàng năm cho lao động, doanh nghiệp chủ động sản xuất:

"Bộ Luật Lao động đã quy định số ngày nghỉ Tết, nghỉ 5 ngày trước Tết nghỉ 2 ngày còn sau Tết nghỉ 3 ngày còn nếu trùng ngày nghỉ thì sẽ nghỉ tiếp theo, còn nếu giữa đó có khoảng trống thì mình áp dụng nguyên tắc cho nghỉ trước và làm bù sau, để vừa linh hoạt, tiết kiệm và hiệu quả, tạo thuận lợi cho người lao động nhất là người ở xa quê hương đảm bảo được nhu cầu và vẫn giữ đúng quy định của Luật", ông Huân nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc xin ý kiến các bộ, ngành chỉ mang tính hình thức và không cần thiết, quan trọng nhất là cơ quan tham mưu trước khi trình Thủ tướng phải xây dựng được phương án hợp lý, hợp tình sẽ nhận được sự đồng thuận cao.

Tổng số ngày nghỉ theo luật là không đổi, việc cho người lao động nghỉ tết sớm, đi làm sớm là hoàn toàn phù hợp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể tự quyết và điều chỉnh, không nên quá máy móc đưa ra nhiều phương án. Việc này vừa đỡ mất thời gian lấy ý kiến của các bộ, ngành, vừa tạo điều kiện cho người lao động chủ động được mọi công việc.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc xin ý kiến các bộ, ngành chỉ mang tính hình thức và không cần thiết.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc xin ý kiến các bộ, ngành chỉ mang tính hình thức và không cần thiết.

Không ít ý kiến đã bày tỏ lo ngại việc năm nào cũng xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết để sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vừa mất thời gian, công sức vừa gây khó khăn cho nhiều hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Trong khi việc tính toán chốt phương án kỳ nghỉ này có thể đơn giản hơn, nếu chúng ta không chọn cách làm phức tạp, như hiện nay.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, việc lấy ý kiến về ngày nghỉ Tết Âm lịch không cần phải tốn công đến vậy bởi không phải “Cái gì cũng hỏi”.

Lịch nghỉ và số ngày nghỉ lễ có tác động rất lớn đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội, từ mỗi người dân cho đến các cân đối vĩ mô. Cho nên việc tính toán, cân đối để xác định một phương án phù hợp nhất là yêu cầu không thể thiếu. Đặc biệt với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, kỳ nghỉ dài nhất trong năm.

Tuy vậy, cũng bởi mức độ tác động này, nên đòi hỏi nó phải được lên phương án sớm, chốt sớm để đảm bảo sự chủ động cần có cho tất cả các bên.

Đối với giao thông, người dân cần thông tin sớm để chủ động đặt vé tàu xe, lên kế hoạch cho chuyến đi, tránh chen chúc khi cao điểm, và có cơ hội mua vé giá rẻ. Các hãng vận tải cần biết để xác định mình phải tăng cường tàu xe những ngày nào, mới có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương cần biết lịch sớm để xây dựng phương án mở cao điểm đảm bảo TTATGT phòng chống tội phạm.

Một lịch nghỉ lễ, Tết được thiết kế phù hợp cũng sẽ cho phép kéo giãn các chuyến đi, tránh tập trung vào một vài thời điểm, từ đó giảm sự quá tải cục bộ dẫn đến ùn tắc.

Đó là điều mà cả chục năm nay chưa thể có được, với các lịch nghỉ Tết chỉ được chốt khoảng hơn 1 tháng trước khi kỳ nghỉ diễn ra. Cả chục triệu dân từ mỗi đô thị đầu tàu tỏa đi cả nước trong một cuộc di cư ồ ạt và cấp tập vài ngày đầu cuối kỳ nghỉ, dẫn đến kịch bản giao thông không thể nào chống đỡ.

Chưa kể, mọi kế hoạch dạy và học, làm và nghỉ, sắm sửa và thăm nom, du lịch và trải nghiệm, giao dịch đóng và mở…đều phụ thuộc vào kế hoạch các kỳ nghỉ này.

Đã có những ý kiến chỉ ra rằng, không cần phải phức tạp hóa cách xác định lịch nghỉ Tết nói riêng và lịch nghỉ lễ nói chung như hiện nay. Việc xây dựng 2-3 phương án, xin ý kiến đủ các bộ ngành và bên liên quan, rồi sau đó mới chọn phương án và trình lên Chính phủ là quá nhiêu khê và mất thời gian. Chỉ cần bàn một lần, thống nhất với nhau các tiêu chí đầu vào làm căn cứ để xác định số ngày và điểm đầu cuối kỳ nghỉ, sau đó đơn vị chủ quản cứ thế tiến hành.

Tiêu chí đầu vào là điều kiện hết sức quan trọng. Nó là thứ giúp cho nhiều quốc gia khác quyết được kỳ nghỉ lễ từ cách đó cả nửa năm, dù họ cũng có các kỳ nghỉ nghỉ dài ngày.

Nhưng ở ta, có vẻ như một bộ tiêu chí rõ ràng với các nguyên tắc và kịch bản để quyết định kỳ nghỉ, vẫn chưa được xác định. Bằng chứng là cứ mỗi khi kỳ nghỉ rơi vào ngày cuối tuần, hoặc có “xen kẹt” với ngày làm việc, thì quá trình chốt phương án lại bắt đầu…loay hoay. 7 hay 9 ngày, nghỉ liền mạch hay ngắt quãng, nhẽ ra không cần trao đi đổi lại nhiều thế, nếu đã sẵn kịch bản lựa chọn.

Đồng ý rằng, sau đại dịch hoặc các biến cố lớn, nhịp điệu kinh tế, tình hình của đời sống xã hội có sự thay đổi, và việc cân nhắc các điều kiện cụ thể này để chốt lịch nghỉ lễ, Tết, là điều cần thiết. Nhưng cũng không nhất thiết phải cân nhắc đến vài tháng trước Tết mới trình phương án. Cái lợi nhờ sự cân nhắc - cứ cho là cẩn trọng này – chưa chắc đã bù đắp được thiệt hại do sự bị động của tất cả các bên gây ra, khi lịch nghỉ chốt quá muộn.

Cơ chế hỏi ý kiến là một cách huy động trí tuệ tập thể vào giải quyết những vấn đề lớn, nhằm tìm ra một phương án tốt nhất, hài hòa nhất. Nhưng nó không nhất thiết phải áp dụng trong mọi việc, nhất là với các việc lặp đi lặp lại hàng năm, như xác định ngày nghỉ Lễ, Tết. Cơ chế này chỉ nên dừng lại ở khâu lập tiêu chí đầu vào.

 Hỏi ý kiến nhiều và việc gì cũng hỏi, không những gây lãng phí thời gian cho cả người đi hỏi và người được hỏi, mà còn đẩy cả xã hội vào một sự chờ đợi và bị động hết sức vô lý. Chưa kể, nó cho thấy vai trò mờ nhạt của bên chủ trì, gần như chỉ tổng hợp ý kiến.

Vì vậy, đã đến lúc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên tham mưu với Chính phủ để quyết định một cách làm khác. Để bắt đầu một năm, người dân và doanh nghiệp đã có thể nắm được danh mục ngày nghỉ của cả năm đó. Làm được điều này, giá trị của các kỳ nghỉ sẽ khác rất nhiều, đối với mỗi người cũng như toàn xã hội./.

Nguyễn Yên - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Đã 1 tuần kể từ khi nút giao phố Minh Khai - Ngõ 349 Minh Khai - Lối vào Bệnh viện Vinmec Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tổ chức lại giao thông. Hiện tượng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm thành phố đã có sự chuyển biến khá tích cực.

Chạy nước rút hoàn thành Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Chạy nước rút hoàn thành Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thuộc địa bàn quận 7 (TP.HCM) là một trong những dự án được lãnh đạo Thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao để hoàn thành, đưa vào thông xe nhánh hầm còn lại trong năm nay.

Cho thuê vỉa hè và mở rộng trông xe dưới lòng đường: Hà Nội đang hướng tới điều gì?

Cho thuê vỉa hè và mở rộng trông xe dưới lòng đường: Hà Nội đang hướng tới điều gì?

Hà Nội đang thực sự hướng tới điều gì; có mâu thuẫn gì giữa cách làm hiện tại với mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc đặt ra lâu nay?

Metro số 1 chạy thêm tàu đêm đến 23h, ga Bến Thành vẫn đông vào buổi sáng

Metro số 1 chạy thêm tàu đêm đến 23h, ga Bến Thành vẫn đông vào buổi sáng

Trước nhu cầu tăng cao của hành khách dịp Giáng sinh, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) cho biết, công ty đã kéo dài thời gian chạy tàu hoạt động đến 23h (thêm 1 tiếng so với trước đó). Hơn 90 nghìn lượt khách sử dụng tàu Metro số 1 trong ngày 24/12 với bình quân 411 hành khách/đoàn tàu.

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

Lửa kèm khói bốc lên từ 1 quán bar trên đường Lý Tự Trọng cách chợ Bến Thành không xa…

Làm luật để “hoãn”

Làm luật để “hoãn”

Khi một quy định được ban hành nhưng không thể thực thi, chúng ta đều biết hậu quả sẽ là sự khinh nhờn luật lệ. Vì thế, việc đưa ra nhiều quy định pháp luật mà không tính toán được khả năng thực thi, chính là cách để làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Khi nắng phương Nam rọi ấm các cánh đồng Đông Xuân sớm cũng là lúc mùa gặt chớm đến trên đồng. Hình ảnh mái nhà tranh nép mình bên ụ rơm vàng hực, tụi trẻ chơi trò ú tim dưới gốc rơm mềm đã trở thành biểu tượng của một đồng quê yên ả, thanh bình.