Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thời Sự

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Nhật Minh: Thứ tư 10/04/2024, 09:31 (GMT+7)

Hiện nay, Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn, đặt nhiều cánh rừng vào tình trạng cảnh báo cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), các địa phương ở ĐBSCL đã có nhiều giải pháp bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng gay gắt như hiện nay.

Trong chuyến tuần tra PCCCR tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, anh Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn cho biết, nhiều ngày qua kể cả thứ bảy và chủ nhật, các anh em trong đội tổ chức nhiều cuộc đi tuần tra PCCCR. Vừa kiểm soát dưới mặt đất vừa trên tháp canh, nhất là ở những khu vực trọng điểm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc người dân vào rừng trái phép.

Đồng thời, kiểm tra độ ẩm của nước, cũng như độ khô của thực bì và dây leo trên các khu rừng. Với các anh, em đang làm nhiệm vụ ở đây tuy có hơi vất vả nhưng tất cả đều nỗ lực cố gắng với quyết tâm giữ cho “lá phổi xanh” của đồng bằng luôn xanh tốt. Anh Lê Thanh Sơn, chia sẻ:

"Một tổ trực camera, còn lại bao nhiêu anh em là đi tuần tra, đi xuống những vùng trọng điểm. Chia tổ để đi, ở đây nước tương đối ổn định, hiện tại lớp thực bì ở Lung Ngọc Hoàng đã bị khô, nên anh em đi tuần tra chủ yêu ngăn chặn người vào rừng, sợ người đi vào rừng lén lút, hút thuốc dễ xảy ra hỏa hoạn."

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Ghi nhận tại các khu rừng trên địa bàn tỉnh đã nhiều ngày không mưa, tình trạng nắng nóng kéo dài, khô hạn xảy ra trên diện rộng. Chính vì thế, ngoài công tác tuyên truyền, trang bị đầy đủ máy móc thiết bị, bố trí tuần tra tại các vị trí xung yếu thì hệ thống camera giám sát cháy rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được lắp đặt trước đây đã phát huy hiệu quả, giúp đơn vị quản lý nắm bắt, theo dõi thông tin các khu rừng mọi lúc, mọi nơi.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, chia sẻ: "Chuẩn bị ngay từ đầu năm lận, còn bây giờ thực hiện theo kế hoạch, phương án thôi, triển khai làm. Hiện nay chuyện tuyên truyền cho người dân ý thức cũng đã xong rồi, dọn kênh để thuận tiện cho phương tiện di chuyển cũng đã xong luôn. Hiện nay tập trung tuần tra, theo dõi, giám sát trên camera để phát hiện sớm, hiện nay ứng trực từ 9h sáng đến 21h, anh em trực suốt, 5 tổ máy chữa cháy, 1 tổ hậu cần và 2 tổ tuần tra."

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang quyết định nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) lên cấp IV (cấp nguy hiểm) kể từ ngày 5/4/2024 trên tất cả các khu rừng trong tỉnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, hiện tỉnh có khoảng 4.000ha rừng, trong đó có gần 1.500ha rừng đặc dụng nằm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Chi cục đã huy động 100 người để ứng trực công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương có rừng. Ngoài ra, còn có 525 người thuộc các đơn vị dân quân tự vệ, Tổ nhân dân tự quản, được tổ chức thành từng tổ từ 10 - 15 người sẵn sàng tham gia công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Quan tâm chú trọng tối đa đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng đặc biệt là mùa khô rất là gay gắt, năm nay dự báo rất là phức tạp. Chú trọng đến khâu tuyên truyền, khâu kiểm tra, tuần tra kiểm soát và tuần tra mặt đất cũng như là quan sát lửa rừng bằng các công nghệ camera đặt ở Lung Ngọc Hoàng để từ đó dự báo, cảnh báo và giúp Ban chỉ đạo điều hành công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Ban chỉ đạo tỉnh cũng chỉ đạo diễn tập, thực tập phòng cháy chữa cháy rừng cấp tỉnh, dự kiến vào ngày 12-4 tới đây tại khu bảo tồn, qua đó vận hành cơ chế công tác chỉ huy, công tác hợp đồng chữa cháy giữa các lực lượng trên địa bàn tỉnh."

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang quyết định nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) lên cấp IV (cấp nguy hiểm)

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang quyết định nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp III (cấp cao) lên cấp IV (cấp nguy hiểm)

Còn tại Đồng Tháp, vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông có diện tích hơn 7.313 ha; trong đó diện tích đất có rừng hơn 2.557 ha, chủ yếu là rừng tràm, tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp, khu dân cư và hoạt động du lịch.

Theo ngành chức năng, vườn Quốc gia Tràm Chim có các khu A1, A3, A4 và A5 dự báo khu vực rừng có khả năng cháy lớn, cấp IV (cấp nguy hiểm) và khu A2 dự báo có khả  năng dễ cháy, cấp III (cấp cao). Trước tình hình đó, đơn vị đã có những giải pháp điều tiết nước sao cho phù hợp, hoặc bơm nước vào để giữ độ ẩm cho diện tích rừng tràm và kênh, ao cạn kiệt để trữ nước; Trang bị camera, flycam ở khu vực trọng yếu để quản lý trực tiếp, kịp thời phát hiện nhanh khi có cháy.

Ngoài ra, tại Vườn còn có 19 trạm bảo vệ và 9 đài quan sát, chòi canh, cùng máy bơm chữa cháy chuyên dụng và cải tiến, hàng chục ngàn mét dây chữa cháy, hàng trăm bình xịt, cùng với bàn cào dập lửa, lăng phun nước… sẵn sàng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Còn tại tỉnh Cà Mau, Chi cục Kiểm lâm cho biết, trong tổng số hơn 45.600 ha rừng tràm và rừng trên các cụm đảo của tỉnh hiện đã có gần 25.000 ha cảnh báo cháy từ cấp 4 (cấp nguy hiểm) trở lên. Trong đó, cảnh báo cháy cấp 5 là hơn 8.726ha. Trong đó, diện tích báo cháy cấp 5 tập trung chủ yếu trong lâm phần rừng U Minh hạ thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời…

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã thực hiện cấm tự ý vào rừng ở những khu vực báo cháy cấp IV, V; thực hiện nghiêm phương châm “bốn tại chỗ”, “5 sẵn sàng” nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống nguy hiểm.

Dự báo tình hình nắng nóng mùa khô năm nay còn kéo dài, nên ngoài sự chủ động của ngành chức năng trong việc PCCR thì ý thức của người dân, chủ rừng đóng vai trò rất quan trọng, trong việc cùng chung tay bảo vệ rừng.

Đối với các hộ gia đình, cá nhân sinh sống ven rừng tuyệt đối không đốt rác tại các vị trí tiếp giáp ven rừng, khu vực có khả năng cháy lan vào rừng. Khi phát hiện cháy rừng, bằng mọi cách nhanh chóng báo cho mọi người xung quanh và các đơn vị chức năng để xử lý kịp thời, tránh đi những hậu quả đáng tiếc.

Nhật Minh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn