Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Cần quy hoạch dân cư để phòng ngừa sự cố vỡ hồ chứa tuyển quặng

Minh Khang: Thứ tư 23/08/2023, 06:28 (GMT+7)

Sự cố vỡ hồ chứa tuyển quặng Tả Phời tại tỉnh Lào Cai ngày 8/8 vừa qua đã khiến một lượng lớn bùn thải chứa hóa chất tràn vào khu dân cư, cuốn nhiều tài sản của nhiều hộ dân và tràn ngập, ruộng đồng sông, suối.

Nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề lựa chọn ví trị, cũng như các kỹ thuật đảm bảo an toàn của các bể chứa tuyển quặng của các mỏ khai thác khoáng sản. Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, từ sự cố vỡ hồ chứa nước thải Tả Phời, ông nghĩ sao về vấn đề vị trí của hồ chứa nước thải tuyển quặng?

Ông Phạm Văn Sơn: Chúng ta có thể thấy rằng, cái bể chứa chất thải của nhà máy tuyển quặng đồng là một cái hồ tự nhiên khá lớn. Tôi nghĩ rằng nó cũng là một cái rất là là phổ biến trong hoạt động khai thác mỏ, chúng ta sẽ phải sử dụng những khu đất tự nhiên để chúng ta làm chỗ chứa bể thải.

Các chất thải ở trong bể chứa này không hề xử lý mà chúng ta chỉ lưu chứa và cô lập nó ở đó. Giống như một số các chất độc hại khác, như là đất nhiễm dioxin trong thời gian chiến tranh, việc xử lý vô cùng tốn kém nên người ta thường cô lập và chôn lấp một cách an toàn.

Nếu như chúng ta không xử lý được để đảm bảo an toàn cho các thế hệ sau này thì chúng ta cũng phải làm sao đảm bảo được lưu trữ một cách an toàn nhất không xảy ra bất cứ một sự cố nào.

Nước, bùn thải tuyển quặng tràn xuống khu dân cư ở xã Tả Phời, Lào Cai. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Nước, bùn thải tuyển quặng tràn xuống khu dân cư ở xã Tả Phời, Lào Cai. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Tôi thấy có một cái bất hợp lý là nó là một cái hồ mà bao quanh 3 phía là núi, cho nên nước mưa dồn vào hồ rất nhiều, cho nên khi mưa, nước trong hồ phải thoát đi. Nếu không phải do vỡ đập, do thủng đập, nước mưa tự nhiên nó vẫn phải thoát đi và khi thoát nó sẽ mang theo cái chất thải xuống dưới khu vực dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Chúng ta cần phải quan tâm một cách sâu sắc hơn về nguy cơ ô nhiễm từ hồ chứa chất thải. Sự cố ngày 8/8 là cái khiến chúng ta suy nghĩ nhưng trong suốt những năm hoạt động của bế chứa thải, rất có thể đã có sự rò rỉ, nước thải ngấm từ trên núi, có thể xâm nhập vào các mạch nước ngầm ở bên dưới.

Khai thác mỏ để đem lại nguồn lợi kinh tế là việc không có gì phải bàn cãi cả, chỉ có điều là chúng ta cần có những biện pháp để hoạt động khai thác và những chất thải phát sinh ra từ hoạt động khai thác được bảo quản, được kiểm soát một cách tốt nhất để không xảy ra bất cứ sự cố nào. Chúng ta cũng cần phải rà soát vị trí bố trí các khu chứa chất thải của các nhà máy tuyển quặng. Trong trường hợp nếu mà việc khai thác quặng và cái bể chất thải quá xa, hoạt động khai thác không khả thi, thì chúng ta cũng cần phải có quy hoạch về khu dân cư, không thể để khu dân cư sống rất gần ngay phía dưới một cái bể thải rất lớn như vậy.

PV: Thưa ông, để hạn chế, tránh những sự cố đáng tiếc như vừa xảy ra ở Lào Cai, chúng ta cần lưu ý gì trong vấn đề đảm bảo an toàn của các hồ chứa tuyển quặng?

Ông Phạm Văn Sơn: Các chất thải độc hại phát sinh không quá nhiều trong một số  nhà máy công nghiệp. Đa phần, họ đã quản lý tốt trong cái bể được làm bằng bê tông cốt thép gia cố và quá trình vận chuyển các chất thải nguy hại này cũng làm  dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ,

Những ngành công nghiệp như tuyển quặng, nhiệt điện thải ra nhiều chất thải. Khối lượng chất thải phát sinh rất nhiều, chúng ta không thể làm các bể bê tông lớn khổng lộ. Kể cả trong trường hợp chúng ta có rải các vật liệu chống thấm rộng hàng chục nghìn mét vuông chẳng hạn, thì cũng chỉ được một thời gian nhất định nào, vật liệu đó sẽ bị hỏng. Chưa kể những biến động sụt lún của nền cũng dẫn đến những nguy cơ rò rỉ.

Một lượng lớn nước xả của hồ chứa chảy ra dòng suối ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Một lượng lớn nước xả của hồ chứa chảy ra dòng suối ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Do vậy, khi xây dựng các công trình, chúng ta cần hết sức quan tâm đối với việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải. Ở đó, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải không chỉ thuần túy hướng vào các sự cố mà phải là kiểm soát được toàn bộ quá trình lưu trữ chất thải  để loại bỏ các nguy cơ bị rò rỉ, ô nhiễm nước thải nhiễm hóa chất vào trong đất, nước.

Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm thực tế ứng phó 200 sự cố  môi trường khác nhau liên quan đến dầu hóa chất, chất thải…. Chúng tôi hiểu rằng, cái khâu phòng ngừa là cực kỳ quan trọng. Trong gần 600 khóa đào tạo tập huấn diễn tập, chúng tôi luôn nhấn mạnh và nhắc lại công tác phòng ngừa ứng phó sự cố là vấn đề quan trọng nhất. 

Tôi rất mong chúng ta phải có cái nhìn nhận khắt khe hơn, nghiêm túc hơn đối với công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố đối với các dự án liên quan đến hóa chất.

PV: Xin cảm ơn ông

Minh Khang/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn