Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Buôn bán ế ẩm, tiểu thương than trời

Trọng Nghĩa: Thứ tư 24/05/2023, 05:29 (GMT+7)

Trước đây VOV Giao thông từng ghi nhận cảnh buôn bán ế ẩm của các tiểu thương tại chợ truyền thống TP.HCM. Hiện, nhiều người đã ‘gồng gánh hết nỗi’ buộc phải bán kiot, trả mặt bằng vì cả tuần không bán được một mặt hàng.

Ghi nhận tại một trong những khu chợ lâu đời nhất TpHCM - chợ Bến Thành, những ngày tháng 5 vô cùng ảm đạm. Khánh du lịch đa phần đến chợ chỉ để tham quan, chụp ảnh… rất ít khi móc hầu bao để mua sắm, ăn uống tại đây.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, tiểu thương tại chợ chia sẻ: "Khách du lịch lúc này cũng qua ít, họ qua bên này họ ăn chơi gì thôi chứ chuyện ăn uống thì họ cũng keo kiệt lại chút."

Tiền thuê mặt bằng tại chợ khá cao, lên đến vài chục triệu đồng, trong khi đó tình hình buôn bán ế ẩm đã khiến bà Nguyệt cũng như nhiều tiểu thương khác phải đi vay mượn nhằm duy trì kinh doanh, mong vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tiểu thương ngồi chờ khách tại chợ Bến Thành. (Ảnh: Hoàng Minh)

Tiểu thương ngồi chờ khách tại chợ Bến Thành. (Ảnh: Hoàng Minh)

Không khá khẩm hơn, chợ Tân Định (Quận 1) mỗi ngày cũng chỉ có lác đác vài người đến mua hàng. Không riêng gì các mặt hàng như quần áo, trang sức, kể cả các sạp rau củ, thực phẩm cũng rơi vào cảnh bán chậm.

Ông Nguyễn Văn Sang, kinh doanh tại chợ cho biết: "Cũng bình thường như mọi năm thôi nhưng mà sức mua ít lại thôi. Hồi đó thì 10 người mua thì bây giờ chỉ được 2 người mua thôi. Nói chung các chợ bây giờ thì 10 phần chỉ được có 7 phần họp chợ bình thường thôi."

Trong khi đó tại chợ An Đông, nhiều tiểu thương giờ chỉ biết ngồi "buôn dưa lê", hoặc dùng điện thoại lướt mạng xã hội để giết thời gian, vì số lượng người bán còn nhiều hơn người đến mua.

Chị Hằng, chủ kiot quần áo tại chợ nói: "Khách vắng đi hơn 70% khách. Hầu như chúng tôi đã ngồi chơi suốt từ đầu năm tới bây giờ. Mỗi người một cái điện thoại ngồi chơi, lướt web thôi."

Trước thực trạng trên, Ông Lê Đình Hiếu - Trưởng phòng kế hoạch tài chính - Sở công thương TPHCM đã đưa ra lý giải cho rằng, sức mua hiện tại giảm sút do việc giao thương giữa các nước đang gặp khó khăn do tình hình chính sự Nga - Ukraine cùng với khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đã khiến cho đơn hàng của các doanh nghiệp suy giảm. Điều này dẫn đến thu nhập của công nhân sẽ giảm theo.

Riêng tại Việt Nam những biến động của thị trường chứng khoái, tài chính đã dẫn đến sự thay đổi trong các chính sách điều hành tài chính, khiến lãi suất vay ngân hàng khá cao đặt biệt là các khoản vay tiêu dùng, tín chấp.

"Với 2 yếu tố trên thì người dân cũng sẽ thắt chặt chi tiêu, ưu tiên cho các tiêu dùng cơ bản, thiết yếu. Vì vậy nó cũng có phần tác động, làm cho sức mua giảm đi", ông Hiếu nói.

Ngoài ra ông Hiếu cũng cho biết chính việc mua bán online đã khiến người tiêu dùng dần lãng quên việc mua sắm tại các khu chợ truyền thống.

Rất nhiều quầy sạp ở chợ An Đông phải đóng cửa hoặc sang nhượng vì ế ẩm, thua lỗ. Ảnh: NLĐ

Rất nhiều quầy sạp ở chợ An Đông phải đóng cửa hoặc sang nhượng vì ế ẩm, thua lỗ. Ảnh: NLĐ

Bên cạnh đó các nền tảng mạng xã hội cũng phát triển phong phú đa dạng vì vậy người dân sẽ chuyển dần sang hình thức mua bán online. Thành ra việc người tiêu dùng sẽ ít đến chợ hơn và ít đến các trung tâm hơn. thì nó cũng không hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực và ảm đạm. Nó cũng là một trong những xu hướng phát triển hiện nay.

Để ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay, Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Bền vững TP.HCM kiến nghị, nhà nước cần một số biện pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng như đào tạo, hướng dẫn để tiểu thương chợ truyền thống có thể thích ứng.

“Phải có sự hỗ trợ cho tiểu thương các chợ truyền thống, những người bán hàng. Thứ nhất là phải có chính sách trợ giá khi có lạm phát, biến động xảy ra, hỗ trợ vốn liếng, lãi suất cho họ. Thứ hai nhà nước cùng với các tiểu thương tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm cách thức sản xuất kinh doanh mới, mô hình mới, hướng dẫn chỉ bảo cho các tiểu thương về cách làm ăn mới, nâng cao nhận thức lên”, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng nói.

Hiện nay, đời sống kinh tế khó khăn cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều hình thức mua sắm, nếu các tiểu thương không linh hoạt thay đổi phương thức bán hàng, tìm "đầu ra" cho sản phẩm thì có lẽ không chỉ là tình trạng ế ẩm mà thậm chí những khu chợ truyền thống sẽ có nguy cơ dần rơi vào ‘lãng quên’./.

Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn