Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Bão nào đến trước?

Kiều Tuyết: Chủ nhật 08/09/2024, 20:16 (GMT+7)

Nỗi lo âu cơ bản không giúp ích được gì, mà chỉ khiến bạn thêm rối trí. Vả chăng, cơn bão dù hung hăng, cũng có vẻ đẹp riêng của nó.

Siêu bão rồi cũng qua. Mưa lớn rồi sẽ tạnh. Cây đổ đang được khẩn trương thu dọn, hi vọng kịp gọn gàng cho một bình minh đầu tuần mới.

Siêu bão Yagi được dự báo mạnh nhất trong vòng 30 năm qua. Vì thế trước những cảnh báo từ cơ quan chức năng, nhiều người không tránh khỏi lo âu, hồi hộp nín thở, khi nghe, xem các tin tức cây đổ, tôn bay, đắm tàu, vỡ kính…

Một cụ ông đứng tần ngần trước hàng cây cổ thụ đổ ngang đường trên phố Lý Thái Tổ

Một cụ ông đứng tần ngần trước hàng cây cổ thụ đổ ngang đường trên phố Lý Thái Tổ

Vì lo lắng, ngay từ khi bão sắp đổ bộ, dù gạo còn đủ cả tuần, thức ăn đầy tủ, mà nhiều người vẫn cấp tập mua thêm, khiến cho chợ, siêu thị sạch banh như khi chuẩn bị giãn cách vì Covid. Thậm chí, ngồi nhà đóng kín cửa, mặc kệ gió lồng và mưa quất ngoài kia, mà xem tin tức vẫn thấy hồi hộp, căng thẳng.

Sự căng thẳng lo âu cho mình, cho người đang ngoài đường, cho người dân vùng tâm bão, là một tình cảm đáng quý, một phản xạ tự nhiên. Song, bạn có trở nên an toàn hơn trong nỗi sợ? Bạn có sáng suốt hơn trong trạng thái căng thẳng lo âu?

b2

Đất nước bên bờ sóng, cư dân ven biển và đồng bằng châu thổ trên mảnh đất này, có ai không lớn lên cùng giông bão. Tôi nhớ những mùa bão cách đây gần bốn mươi năm, nhà cửa còn tạm bợ, dù mái tranh hay mái ngói đều bị bão bóc như vỏ khoai. Những rặng tre gãy đổ sạt cả góc nhà. Những vườn bưởi, vườn cam rụng la liệt tả tơi sau cơn vần vũ.

Những ruộng lúa lóp ngóp. Những con đê mỏng manh như sợi chỉ. Đàn ông thức trắng đêm để canh giữ đê, hò nhau đem bao tải đắp đất, đem tre nứa ra đóng cọc, cố chống chọi với cơn lũ hùng hổ dâng lên.
Trẻ con ở nhà cùng mẹ, cùng bà khẩn trương xúc lúa vào vựa, đóng thật cao để phòng nước ngập. Bố tôi dặn, hễ nghe tiếng trống đánh dồn dập liên hồi là biết vỡ đê, phải lập tức chạy ngay lên núi.

Hàng loạt cây cổ thụ đổ rạp trên phố Hàng Dầu

Hàng loạt cây cổ thụ đổ rạp trên phố Hàng Dầu

Nỗi hồi hộp âu lo vẫn phập phồng mỗi khi bão lũ. Nhưng hồi hộp để tập trung nghe hiệu lệnh và làm theo chỉ dẫn, chứ không phải trạng thái lo sợ vu vơ. Rồi khi trời yên biển lặng, người làng giúp nhau lợp lại mái nhà, chặt dọn cái cây, dặm lại khu vườn, mảnh ruộng. Lũ trẻ chúng tôi lại đi nhặt bưởi rụng, quả nào già thì ăn, quả nhỏ quả non cay xè thì đem ra đá bóng. Cuộc sống lại bình thường như chưa từng có bão đi qua.

Sau gần bốn mươi năm, từ làng đến phố, nhà cửa đã xây bê tông cốt thép chắc chắn. Thông tin liên lạc ít khi bị gián đoạn. Cảnh báo được gửi đến tận tay. Chính quyền đã sơ tán người dân khỏi các nơi nguy hiểm để tránh bão, và đã làm các việc cần làm. Vậy mà nhiều người vẫn thấy hồi hộp đến… ngẹt thở.

Có cái gì đó hơi ngược ở đây. Chúng ta không tự tin hơn dù cuộc sống hiện đại hơn, hay vì nỗi lo cứ chế ngự như một trạng thái không thể nào kiểm soát?

Phải chăng, những thông tin khuyến cáo vẫn chỉ mang tính cẩm nang, khi cần thì mở ra xem, gập lại thì quên mất, mà chưa trở thành kỹ năng của mỗi người?

Người dân dùng điện thoại ghi lại hình ảnh đường phố sau cơn bão

Người dân dùng điện thoại ghi lại hình ảnh đường phố sau cơn bão

Những đứa trẻ ngày xưa được cha mẹ dạy rằng, khi bắt đầu có gió nổi lên tức là sắp giông to hoặc bão sắp đổ bộ, phải ôm đầu chạy nhanh tìm nơi an toàn tránh trú. Chúng được lưu ý, quãng ngừng tạm thời của gió bão là lúc phải đề phòng cao nhất, rằng đi trong gió lớn thì không dùng áo cánh dơi vì sẽ bạt. Còn khi gió yếu dần, mưa to lên là lúc có thể tạm yên tâm vì bão sắp tan…

Internet cho chúng ta tìm kiếm dễ dàng hơn, cái “biết” nhiều hơn, nhưng dường như kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn lại mong manh hơn trước. Nhìn cái cách một số người mặc áo mưa lùng thùng, cố gắng đi xe máy trong cơn cuồng phong để rồi bị gió xô sấp cả người lẫn xe, hay ai đó thản nhiên cầm ô ra đường khi hàng cây cổ thụ đang vặn vẹo ngả nghiêng, có thể thấy sự ngây thơ hoặc chủ quan quá đỗi của con người trước sức mạnh thiên nhiên.

Chúng ta chỉ như hạt bụi, như cái kiến, mà cơn bão là cái hắt hơi của người khổng lồ.

Người dân dọn dẹp lá, cành cây trước sân nhà trên phố Lò Đúc

Người dân dọn dẹp lá, cành cây trước sân nhà trên phố Lò Đúc

Ngoài một sự mơ hồ của kỹ năng sinh tồn, dường như còn một sự mong manh trong tâm trạng. Thay vì tập trung chuẩn bị các thứ cần thiết phòng chống bão như hướng dẫn, ta cứ mải xem, mải nghe quá nhiều thứ không chính thống được thổi phồng lên, rồi hình dung, rồi tưởng tượng, rồi bị kích động hoặc lây lan tâm lý lo âu.

Nỗi lo âu của bạn cơ bản không giúp ích được gì, cho chính bạn và cho bà con vùng bão. Chỉ cần sự chuẩn bị dọn dẹp sau bão, và sẵn sàng cưu mang nhau khi bão đi qua.

Hơi hồi hộp một chút để tăng thêm thận trọng là cần thiết. Nhưng hồi hộp quá, căng thẳng quá, khiến cho sự tỉnh táo và sáng suốt dễ bị lu mờ.

b6

Trong nỗi lo âu căng thẳng, bạn dễ quên mất rằng, cơn bão dù hung dữ, nhưng cũng có những vẻ đẹp riêng. Nó làm cho những hàng cây già nua trầm buồn rũ tóc mãnh liệt hơn. Nó kiểm tra hộ con người những cây bất ổn. Nó mang đến luồng không khí mát lạnh bù đắp cho cái nắng rám trái bòng. Nó rung lắc thử độ vững chãi của những thứ mà con người treo mắc trên cao, như một kẻ bông đùa thừa năng lượng…

Cơn bão phô trương sức mạnh, để con người thôi lầm tưởng rằng mình đã chinh phục được thiên nhiên, để nhận ra sự cần thiết của việc nương theo và thích ứng.

Bão về cuối tuần, khiến mọi người phải ở nhà cùng nhau. Người bé không phải đi học, người lớn không phải đi làm, trừ những ai trực bão. Các ông bố bà mẹ tìm cách sáng tạo món ngon từ nguyên liệu ít ỏi. Sảnh chung cư, trẻ con vui như mở hội. Mâm cơm dù thiếu món nhưng đủ người, đủ tiếng cười. Một cuối tuần tròn đầy - điều đang ngày càng hiếm hoi, những khi không bão./.

Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn