Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

An toàn đường ngang: Vẫn loay hoay với giải pháp tình thế

Nguyễn Yên - Minh HIếu: Thứ hai 13/02/2023, 07:00 (GMT+7)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có đề nghị rà soát, cắm biển hạn chế xe tải trọng lớn qua các lối mở sau nhiều vụ va chạm giữa tàu hỏa và xe đầu kéo, mới nhất là vụ việc hôm 28/1.

Tuy nhiên, đề xuất này được cho là giải pháp tình thế, có thể làm ảnh hưởng đến giao thương, vận chuyển và hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp vận tải. 

Giờ cao điểm chiều tại lối mở km 28+805, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội, dòng xe ô tô, gồm cả xe tải và container nườm nượp chạy qua đường sắt. Tài xế Nguyễn Văn Hào, ở Phú Xuyên, cẩn thận quan sát hai bên bởi cũng ở vị trí này, cách đây chỉ gần nửa tháng đã xảy ra va chạm giữa tàu hỏa và xe đầu kéo chở sắt.

Cuối tháng 1 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị TP. Hà Nội cắm biển hạn chế phương tiện tải trọng lớn qua các lối mở theo quy chế ngày 16/8/2013 giữa Bộ GTVT và UBND Thành phố về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Khi được biết về đề nghị này, anh Hào thở dài vì phương tiện có thể phải đi đường vòng xa thêm cả chục cây số, mà kiểu gì cũng phải đi qua một điểm giao cắt với đường sắt nào đó:

"Cắm biển cấm xe tải ở đây thì xe đầu kéo đi đường vòng rất xa. Thứ hai là mất thời gian, tiền dầu và chi phí xe cộ rất cao, thành ra giá sản phẩm về đến tay người dân lại phải cao lên".

Lối mở km 28+805, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội, gần nửa tháng sau va chạm giữa tàu SE5 và xe đầu kéo chở sắt

Lối mở km 28+805, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội, gần nửa tháng sau va chạm giữa tàu SE5 và xe đầu kéo chở sắt

Các doanh nghiệp, chủ xưởng sản xuất và đơn vị vận tải sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu đề nghị hạn chế xe tải trọng lớn qua các lối mở được thực hiện. Ông Hà Xuân Quỳnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Thống Nhất bày tỏ nhiều băn khoăn trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục biến động mạnh:

"Đường sắt, đường không, đường bộ, đường thủy, cả một hệ thống giao thông vận tải, xem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước này thì bộ phận giao thông vận tải nào đem lại nhiều nhất? Cấm là không được, tự nhiên thành “ngăn sông cấm chợ”, cấm sự tự do đi lại của nhân dân".

Ông Nguyễn Ngọc Trường, chủ một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội cũng cho rằng thay vì cấm, cơ quan chức năng nên tìm những giải pháp khác để đảm bảo an toàn:

"Cấm thì người ta vẫn phải tìm đường khác để người ta đi, đương nhiên cước phí phải cao lên. Đường giao với đường sắt nên mở rộng ra để tài xế lấy lái đi vào, hoặc làm cầu vượt cho người ta đi. Những người hoạch định giao thông phải có tầm nhìn để dân đỡ khổ".

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các phương tiện vận tải đường bộ đang được quản lý theo tiêu chuẩn về tải trọng và tuyến đường được phép lưu thông.

Do đó, việc cấm xe tải trọng lớn qua các lối mở có thể làm ách tắc hoạt động vận tải đường bộ, nhất là các loại hàng hóa không thể tháo rời, chia nhỏ, từ đó không đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội:

"Đường sắt của mình mật độ chạy tàu không phải quá dày, có khi mấy tiếng đồng hồ mới có một chuyến tàu đi qua. Tôi đề nghị phải có cách thức tổ chức chức phù hợp, tăng cường sự phối hợp của ngành đường bộ và đường sắt dưới sự chủ trì của Bộ GT-VT. Có thể có những giải pháp phù hợp, ví dụ, mình mở rộng vòng cua, giảm độ dốc, tăng cường trách nhiệm hướng dẫn, kiểm soát giao thông của các lực lượng".

Thay vì cấm xe tải trọng lớn qua lối mở, nhiều ý kiến đề xuất mở rộng vòng cua, giảm độ dốc, khống chế thời gian phương tiện được chạy qua đường sắt trước khi tàu đến khoảng 5-10 phút…

Thay vì cấm xe tải trọng lớn qua lối mở, nhiều ý kiến đề xuất mở rộng vòng cua, giảm độ dốc, khống chế thời gian phương tiện được chạy qua đường sắt trước khi tàu đến khoảng 5-10 phút…

Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, việc hạn chế tải trọng phương tiện qua lối mở chỉ được thực hiện khi tuyến đường bộ giao cắt với đường sắt vốn đã có biển hạn chế tải trọng tương tự.

Điều này đã được đề cập tại Điều 25, Luật Giao thông đường bộ, quy định về việc đi trên đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.

Như tại lối mở km 28+805, xã Văn Tự, nối liền QL1 và đường liên huyện Thường Tín - Phú Xuyên, do không có biển hạn chế tải trọng nên việc đặt biển cấm tại lối mở này sẽ không phù hợp, không đồng bộ với các quy định.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái nói thêm về những giải pháp mà ngành đường sắt có thể cân nhắc thay vì đặt biển cấm:

"Thứ nhất, với đường dân sinh tự mở, nếu xét thấy các điều kiện không an toàn thì chúng ta phải đóng lại. Tuy nhiên, chúng ta phải có những tuyến đường gom để đảm bảo việc đi lại và sinh hoạt của người dân.

Nếu điểm đấy quan trọng thì đường sắt phải phối hợp các địa phương để đảm bảo an toàn. Và thứ ba là chúng ta có thể đặt camera để phạt nguội, có dữ liệu để đưa ra những biện pháp tăng cường an toàn tốt hơn nữa".

Cũng là câu chuyện tải trọng nhưng TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề cập góc nhìn khác về việc tiếp tục tăng cường xử lý xe quá tải:

"Thứ nhất là khống chế tải trọng theo quy định của xe. Sự quá tải của phương tiện dẫn đến chuyển động không an toàn, hoặc qua đường sắt thì lái xe sẽ bị loay hoay. Thứ hai là khống chế về thời gian phương tiện tải trọng lớn được chạy qua đường sắt.

Tàu sắp đến độ 5-10 phút chúng ta không cho phương tiện cỡ nặng đi qua. Nên tập trung vào ứng dụng công nghệ để xử lý, làm sao giảm áp lực cho con người cũng như đảm bảo độ chính xác".

Lời giải cho bài toán an toàn đường sắt nằm ở việc ngăn chặn tai nạn ở đường ngang khi 90% số vụ tai nạn chạy tàu xảy ra trên các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ

Lời giải cho bài toán an toàn đường sắt nằm ở việc ngăn chặn tai nạn ở đường ngang khi 90% số vụ tai nạn chạy tàu xảy ra trên các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ

Ở một số nơi, để hạn chế các loại xe có trọng tải lớn đi qua làm hỏng đường, người dân đã dựng trụ bê tông ngay trên đường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Và việc ngành đường sắt đề nghị cắm biển hạn chế xe tải trọng lớn qua các lối mở cũng chẳng khác nào đặt trụ bê tông giữa đường, thay vào đó, cần tìm “lối ra” cho đường ngang dân sinh với những giải pháp từ “gốc”, song song là các giải pháp cấp bách.

Góc nhìn của VOV Giao thông: “Lối ra” nào cho đường ngang dân sinh?”

Mạng lưới giao thông đường sắt nước ta với đặc thù thường nằm song song và sát với đường bộ; tại nhiều đoạn tuyến, khoảng cách giữa đường bộ và đường sắt chỉ có vài ba mét nên các lái xe ô tô hiện nay khi đi qua đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt thường chủ quan, không quan sát hướng tàu chạy dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Trong khi đó, cứ cách một đoạn lại có một đường ngang dân sinh tự mở bất hợp pháp mà theo quy định, để đảm bảo an toàn, giao cắt tại đường sắt và đường bộ đều phải là giao cắt khác mức.

Vì thế, lời giải cho bài toán an toàn đường sắt nằm ở việc ngăn chặn tai nạn ở đường ngang khi 90% số vụ tai nạn chạy tàu xảy ra trên các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ.

Xác định vấn đề này, hệ thống đường ngang đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được hết các tiêu chuẩn cần có trong Điều lệ đường ngang hiện hành.

Trong đó, nhiều đường ngang khi mới thành lập thì đủ tiêu chuẩn không phải tổ chức người gác, nhưng hiện nay đã quá tải do phương tiện đường bộ tăng nhanh về số lượng, tốc độ chạy tàu được nâng cao và năng lực thông qua trên các tuyến đường lớn.

Mới đây nhất là việc triển khai thực hiện Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, tính đến hết tháng 9/2022, mới xóa bỏ được 418 lối đi tự mở, còn lại hơn 3.600 lối đi. Lãnh đạo ngành đường sắt cũng thừa nhận, tiến độ thực hiện Đề án 385 còn chậm, còn tồn tại số lối đi tự mở lớn, đồng nghĩa nguy cơ cao xảy ra mất an toàn giao thông.

Thực tế đó, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ lâu dài cùng với các biện pháp trước mắt để đảm bảo nhu cầu của người dân, của phương tiện vận tải qua các điểm giao cắt.

Giải pháp để xoá bỏ từ “gốc” giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ là thực hiện quy hoạch đường sắt cần tính toán chuyển đổi từ đường sắt quốc gia thành đường sắt đô thị và phải được di chuyển trên cao hoặc dưới ngầm

Giải pháp để xoá bỏ từ “gốc” giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ là thực hiện quy hoạch đường sắt cần tính toán chuyển đổi từ đường sắt quốc gia thành đường sắt đô thị và phải được di chuyển trên cao hoặc dưới ngầm

Với nguyên nhân mất an toàn tại đường ngang có nguồn gốc trực tiếp từ hành vi vi phạm quy định pháp luật của những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì cần điều tra, làm rõ, truy cứu hết trách nhiệm để công khai và tăng tính răn đe, phòng ngừa các trường hợp vi phạm về sau.

Với vấn đề năng lực cảnh giới trong thời gian chờ xóa bỏ các lối đi tự mở, cần có sự chuẩn bị, đào tạo kỹ lưỡng cho đội ngũ nhân lực cảnh giới an toàn giao thông tại các lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT, bởi có nhiều vụ tai nạn xuất phát từ lỗi của nhân viên cảnh giới; cần kiểm tra việc tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới của các tổ chức, cá nhân được giao cảnh giới/chốt gác tại các lối đi tự mở; đồng thời tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận, làm gờ giảm tốc…

Nếu thay thế con người bằng biện pháp công nghệ thì giải pháp này phải đảm bảo tính ổn định, chính xác để tăng hiệu quả quản lý, phát hiện hư hỏng hoặc phát hiện hành vi phá hoại để xử lý kịp thời cũng như làm cơ sở để xử phạt các đối tượng vi phạm.

Với nguyên do từ phía nhiều địa phương còn thiếu sự quyết tâm trong việc đặt ra mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho vấn đề này thì đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang an toàn giao thông đường sắt và phải có biện pháp với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.

Các địa phương hiện chưa phê duyệt kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở cần khẩn trương lập, phê duyệt kế hoạch và gửi về Bộ Giao thông Vận tải để phối hợp triển khai thực hiện.

Xa hơn, giải pháp để xoá bỏ từ “gốc” giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ là thực hiện quy hoạch đường sắt cần tính toán chuyển đổi từ đường sắt quốc gia thành đường sắt đô thị và phải được di chuyển trên cao hoặc dưới ngầm.

Cụ thể, giải pháp xây dựng đường đôi, đồng thời đổi đường sắt khổ lớn hơn nằm trong chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2020 tầm nhìn 2050, vừa được Chính phủ phê duyệt cũng được người dân và giới chuyên gia tin tưởng sẽ là lời giải cho bài toán tai nạn giao thông đường sắt trong tương lai.

Nguyễn Yên - Minh HIếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (18 - 22/3), thị trường hàng hóa biến động mạnh. Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt trên diễn biến giá của các mặt hàng.

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Tính đến tuần cuối tháng 3, mức lãi tiết kiệm 5%/năm đã chính thức biến mất khỏi dải lãi suất các ngân hàng quốc doanh.