Xúc phạm cảm xúc

Trái tim của cả nước, nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”… chính vì thế, Hà Nội có rất nhiều công trình nghệ thuật độc đáo, là niềm tự hào. Nhưng vẫn còn đó sự xô bồ, hỗn loạn, thiếu văn hóa, ý thức trong tham gia giao thông;

là sự ngổn ngang các công trình công cộng; thiếu thẩm mỹ, phong cách trong việc xây dựng các công trình mới, cộng thêm sự nhếch nhác, chắp vá của kiến trúc cũ...

Cuối cùng là chuyện trang trí đường phố, luôn khiến những người yêu Thủ đô luôn cảm thấy chạnh lòng…

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, mà thực ra, mỗi khi Thủ đô có ngày lễ hội, người ta lại cho chăng đèn kết hoa đủ màu xanh đỏ tím vàng, rợp đường phố.

Nhìn thì cũng vui mắt đấy...

Nhưng sao đi trên phố, ngắm mấy cây cột điện rũ rượi hoa nhựa; những cổng chào vắt vẻo đủ hình dạng họa tiết hoa văn với những chất liệu khó mà gọi là bắt mắt. Rồi những hàng cây xanh bỗng dưng được treo đèn xanh đỏ lập lòe,… cứ cảm giác nhộn nhạo, như thể vừa nhận... một cú thôi sơn giữa bụng.

Một "công trình" án ngữ trước cửa Nhà hát Lớn - biểu tượng văn hóa của Hà Nội

Vài năm trở lại đây, ở các ngã tư, ngã năm, ngã sáu trung tâm Thủ đô, thường thấy xuất hiện những “công trình nghệ thuật” trang trí với đủ hình dáng và ý tưởng kỳ lạ. Hỏi ra mới biết, đó là những công trình xã hội hóa, do các doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ cho thành phố, để… làm đẹp.

Bù lại, họ sẽ được gắn tên, logo lên đó, cho dân tình đi qua nhìn thấy.

Đẹp ở đâu thì không biết, nhưng chắc chắn một điều, nếu có cái giải nào đó tương tự như Mâm xôi vàng trong điện ảnh ở đất nước bên kia bán cầu, có lẽ những người chịu trách nhiệm dựng lên những sản phẩm ấy sẽ đoạt giải đặc biệt..

Thiếu thẩm mỹ, thô kệch, chất liệu rẻ tiền, tạo hình khó có thể khiến ai “dám” đứng thật lâu để ngắm những “tác phẩm” ấy. Chưa kể đến việc logo, biểu tượng của nhà tài trợ cũng gần như che lấp đến nửa phần công trình.

Cứ có cảm giác, người ta trang trí nhằm cố tình xúc phạm cảm xúc của người dân vậy.

Quanh Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô, nơi hằng ngày thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tham quan cũng thỉnh thoảng lại xuất hiện một tác phẩm nghệ thuật “nhôm nhựa” nào đó, như thể người ta cố tình bôi bẩn cái di tích này?

Thế rồi, có lẽ cũng tự thấy xấu quá nên vài hôm lại cất biến đi mất. Không biết đổ bao nhiêu tiền vào những công trình như thế? Dù cho có là sản phẩm xã hội hóa thì cũng là sự lãng phí về tiền bạc, và lãng phí cả không gian vốn là niềm tự hào của người Hà Nội...

Chúng ta có Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố đáng sống”, nhưng chưa bao giờ Hà Nội tiếp cận được danh hiệu tương tự như thế, dù là trung tâm của cả nước, và là nơi có hàng triệu người từ khắp các tỉnh thành đổ về đây sinh sống, làm ăn, lập nghiệp.


Trong cuốn sách Đô Thị Vị Nhân Sinh của tác giả Jan Gehl – người Đan Mạch, ông có đề cập đến những yếu tố để giúp một thành phố trở nên đáng sống với cư dân của nó, đó là: Thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh. Tôi đánh giá cao yếu tố sau cùng, đó là sự “lành mạnh”.

Lành mạnh, theo tôi, ở đây không phải chỉ là một thành phố sạch sẽ, an toàn… cho cư dân. Mà là sự “lành mạnh” trong quy hoạch kiến trúc, lành mạnh trong xây dựng cơ sở hạ tầng, và thậm chí là lành mạnh trong cả việc trang trí đường phố, dù ngắn hạn hay kéo dài theo năm tháng.

Bởi, nó tác động trực tiếp vào thị giác, cảm xúc và tình yêu của cư dân đô thị ấy, mỗi khi họ ra đường.

Mà thực tế, ở thành phố, thời gian người ta hoạt động ngoài đường, thậm chí còn nhiều hơn ở nhà. Chúng ta không muốn mỗi khi ra đường, đã phải lo về an toàn giao thông để tránh sự tổn hại về thể xác, tinh thần còn bị đe dọa nghiêm trọng như thế…

Đến đây, có người khéo lại nói, đã mất công trang trí cho mà ngắm, lại còn ý kiến?! Nhưng phải nhớ rằng, thành phố không của riêng ai. Muốn làm một điều gì đó cho Thủ đô, cũng phải nghiên cứu, tính toán để có sự hài hòa tổng thể. Muốn làm đẹp, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia!

Tóm lại, Hà Nội cần phải có một tiêu chuẩn chung trong việc xây dựng, trang trí không gian công cộng, tất nhiên theo hướng tích cực hơn. Để người dân không phải chịu cảnh tra tấn cảm xúc...

Bởi, “chúng ta định hình thành phố, thành phố định dạng chúng ta”, tác giả cuốn sách Đô Thị Vị Nhân Sinh - Jan Gehl nói.