Xử phạt nồng độ cồn: Quán nhậu phải kết nối, giúp khách hàng về nhà

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, chế tài nặng không phải mục đích xử phạt người dân mà để ngăn chặn những hành vi vi phạm, để không xảy ra tai nạn giao thông.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn

Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực từ 01/01/2020 đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân cũng như dư luận.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít người cho rằng mức xử phạt là quá nặng so với thu nhập trung bình của người dân.

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xung quanh vấn đề này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Chế tài mạnh, không phải để xử phạt

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 vừa được Chính phủ ban hành?

Ông Khuất Việt Hùng: Thực tế khi xây dựng nghị định 100 là chúng ta xây dựng trong tâm thế, đòi hỏi của thực tiễn, đòi hỏi của người dân về việc phải xiết chặt, tăng nặng chế tài xử phạt đối với một loạt những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.

Chúng ta cần phải thực thi quy định pháp luật nghiêm hơn và đặc biệt là những chế tài phải mạnh tay hơn, để đủ sức răn đe. Những chế tài này phải gửi một thông điệp đủ mạnh đến bất kỳ ai để làm sao những người đó thay đổi hành vi. 

Bản thân chúng tôi cho rằng, trước tiên khi chúng ta quy định về chế tài xử phạt nặng, thậm chí rất nặng không có ý nghĩa rằng quy định chế tài đấy để xử phạt nhân dân, mà những chế tài đó đơn thuần là thông điệp để cảnh báo cho tất cả mọi người, ngăn chặn những hành vi vi phạm, để không xảy ra tai nạn giao thông.

PV: Hiệu quả thực tế của nghị định này như thế nào thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Có thể nói đây là quy định xử phạt được nhân dân đồng thuận rất cao. Trong hai ngày Tết dương lịch, mùng 1 và mùng 2, đúng ra sẽ là những ngày cao điểm về tai nạn và thương vong do tai nạn giao thông nhưng 2 ngày Tết thì thương vong do tai nạn giao thông lại giảm. Giảm hơn cả ngày bình thường của năm 2019.

Tất nhiên là nỗ lực và thay đổi chung của người dân nhưng không thể không khẳng định tác động trực tiếp, hiệu quả của Nghị định 100 và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

PV: Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít người cho rằng, mức xử phạt hiện nay là quá nặng so với thu nhập trung bình của người dân dẫn đến việc một số người bỏ phương tiện để không chấp hành xử phạt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Khuất Việt Hùng: Chế tài nặng không phải là để xử phạt. Chúng ta có những chế tài răn đe để gửi thông điệp đủ mạnh ngăn chặn không có hành vi vi phạm. Tất nhiên sẽ có những trường hợp như anh nói. Nhưng ở đây chúng tôi muốn khẳng định.

Bỏ xe lại thì cứ bỏ thôi, nhưng vẫn phải chấp hành xử phạt theo quy định của pháp luật. Còn tất cả những người không hợp tác hoặc thậm chí chống người thi hành công vụ trong quá trình các lực lượng chức năng thực thi pháp luật thì đều có quy định rất nghiêm khắc, có chế tài rất mạnh của pháp luật để trừng trị những người đó.

PV: Gần đây xuất hiện một số thông tin cho rằng người dân không cần sử dụng rượu bia mà chỉ ăn hoa quả cũng có thể phát hiện nồng độ cồn trong khí thở. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Khuất Việt Hùng: Tất cả mọi người hết sức yên tâm là cán bộ chiến sĩ CSGT của Việt Nam đủ năng lực đủ năng lực đủ trình độ và đủ kinh nghiệm để phân biệt ai là người vừa uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông và những người vừa ăn một số loại trái cây mà có dư luận cho rằng có thể phát sinh nồng độ cồn để kiểm tra.

Chúng tôi tin tưởng, quy định này thứ nhất sẽ được đông đảo người dân đón nhận. Những thông tin mà chưa chính xác chúng tôi sẽ giải thích để người dân yên tâm.

Hài hòa lợi ích kinh doanh rượu bia với chấp hành quy định pháp luật

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

PV: Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc thực thi lại gặp rất nhiều khó khăn. Xin ông chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Ông Khuất Việt Hùng: Chúng tôi rất mong muốn các bộ ngành chức năng được giao xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi này cũng phải sớm trình Chính phủ ban hành nghị định.

Chúng tôi rất mong những chế tài này thật nặng để những người kinh doanh rượu bia cũng phải nhìn vào những chế tài đấy đủ sức răn đe, để họ nghĩ đến trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ lợi ích cho khách hàng.

Đặc biệt là bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của trẻ em, tương lai của đất nước.

PV: Theo ông, làm thế nào để các hàng quán bán rượu bia có thể dung hòa giữa lợi ích kinh doanh với việc chấp hành quy định pháp luật?

Ông Khuất Việt Hùng: Những nơi phục vụ trực tiếp rượu bia cho khách hàng thì phải thông tin cho khách hàng, đã uống rượu bia thì không lái xe.

Thứ 2 là phải giúp khách hàng kết nối phương tiện giao thông công cộng để người ta về nhà sau khi họ sử dụng rượu bia. Đây là quy định ở trong luật.

Chúng tôi rất mong sớm có nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này nữa để nếu không thực hiện thì sẽ xử phạt. 

Vâng xin cảm ơn ông!

Có thể nói, Nghị định 100/2019 và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đang nhận được sự đồng lòng rất lớn từ phía người dân. Tuy nhiên, để Nghị định, Luật đi vào thực tiễn, cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, đơn vị.

Bên cạnh đó, mỗi người tham gia gia thông cần tự mình nâng cao ý thức chấp hành đúng các quy định về luật giao thông, nhất là không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện.

>>> Ngày mai, quy định cấm lái xe sau khi uống rượu bia có hiệu lực 

>>> Xử lý nghiêm, đồng thời nâng cao nhận thức về sử dụng rượu bia khi lái xe

>>> 10 ngày phát hiện gần 100 vụ vi phạm nồng độ cồn

>>> Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Năm ATGT 2020, đã uống rượu bia - không lái xe

>>> Kiểm tra nồng độ cồn tại bến chỉ hơn 1 phút, hoạt động nhà xe không gián đoạn