Xử lý tình trạng thiếu thuốc: Cần cơ chế mới và tinh thần dám nghĩ dám

Tình trạng thiếu thuốc do tâm lý ngại mua sắm và khó khăn trong đấu thầu đã xảy ra nhiều tháng nay và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nếu không sớm được giải quyết. Vậy Trung ương và các địa phương cần vào cuộc ra sao?

Phóng viên Kênh VOV Giao thông đối thoại với một số chuyên gia về nội dung này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

PV: Thưa bác sĩ, đâu sẽ là điểm nhấn cần thiết để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị thậm chí là thiết bị y tế tại các bệnh viện?

Ông Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Y dược TP.HCM: Trước tiên, cần tinh thần dám nghĩ dám làm của các cán bộ y tế tại các bệnh viện.

Vì vậy cần làm việc này với tinh thần vì bệnh nhân, kiên quyết không nhận quà tặng thì sẽ hạn chế được nguy cơ vướng vào lao lý. Với tinh thần vì sức khỏe bệnh nhân thì cũng mạnh dạn làm nhiều điều cần thiết cho bênh nhân. 

Bộ Y tế và các Sở Y tế cần xem vấn đề thiếu thuốc điều trị và các thiết bị y tế là vấn đề cấp bách của ngành và cần có những tập trung, ưu tiên đúng mức để ban hành các hướng dẫn, phê duyệt các gói thầu, các gói mua sắm từ cấp dưới đưa lên.

Thường vụ Quốc hội cũng nên xem xét khẩn trương để nhanh chóng có những hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị để việc mua sắm được rõ ràng hơn. Từ đó tạo sự yên tâm cho các cán bộ, quản lý y tế trong việc mua sắm thuốc điều trị cũng như các trang thiết bị y tế cần thiết.         

Còn theo Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan – đoàn TP.HCM, cần đánh giá toàn diện và tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế đấu thầu thuốc cũng như thiết bị y tế vốn dĩ đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay.           

Bà Phong Lan cho biết: "Trước mắt ở giai đoạn hiện nay với nhiều yếu tố khách quan như vậy thì phải tìm cách tháo gỡ. Cần có những quyết định xuất phát từ cơ quan cấp trên để cho các bệnh viện có thể yên tâm mua thuốc về.

Đối với các loại thuốc generic không độc quyền, thuốc thông thường thì nên chi một khoản tiền theo định suất bệnh nhân để các bệnh viện tự mua như các bệnh viện tư nhân. Đối với những loại thuốc độc quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị thì Bộ Y tế, Chính phủ cần đứng ra thương lượng giá với hãng dược cung cấp như một số nước xung quanh đang làm.

Cần xác định rằng đấu thầu thuốc chẳng qua là để tìm được những nguồn thuốc bảo đảm chất lượng trong điều trị bệnh nhân với giá cả hợp lý, đừng quá trông mong vào việc tiết kiệm quá sức hay thật rẻ ở việc này. Bởi vì nếu tiết kiệm mà dẫn đến những hệ lụy trong chất lượng điều trị thì còn tốn kém hơn nhiều.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những cơ chế về đấu thầu trang thiết bị, đấu thầu thuốc sao cho phù hợp và tiệm cận với các nước. Không chỉ kêu gọi suông đối với bác sĩ mà phải đãi ngộ, phải xây dựng một môi trường thuận lợi để y đức phát triển. Đó mới là giải pháp căn cơ và lâu dài".