Xem xét chủ trương đầu tư hơn 60 km cao tốc Dầu Giây-Tân Phú

Dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP với tổng chiều dài khoảng 60,1km và vốn đầu tư là hơn 8.365 tỷ đồng.

Đầu tư đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1). (Ảnh nh họa Baochinhphu.vn)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư.

Xét kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được Bộ Giao thông vận tải trình, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định các nội dung Dự án về phù hợp với quy định của pháp luật và đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư, kiến nghị rõ phê duyệt hay không phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải có Tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 60,1 km, trong đó: điểm đầu tại Km0+000, giao với QL.1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh Diendandoanhnghiep.vn

Theo kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 60,1km, trong đó điểm đầu tại km0+000, giao với Quốc lộ 1 tại khoảng km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai,

Điểm cuối tại km60+100 (qua vị trí giao cắt với quốc lộ 20 tại khoảng km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc).

Tuyến đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô của tuyến cao tốc Dầu Giây-Tân Phú 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Dự án dự kiến sẽ thực hiện chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2022; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022 đến 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2022 đến 2023; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 đến 2025.

Việc đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 20.