Xe khách bỏ bến: Bộ “gõ” địa phương, địa phương kêu tại quy định

Nếu như TP.HCM đang nóng chuyện Bến xe Miền Đông vắng khách kể từ khi chuyển sang bến mới, thì tại Hà Nội, các bến xe lớn trên địa bàn đều đã sụt giảm từ 30 - 50% lượng xe khách liên tỉnh; nhiều xe trong số đó ra ngoài chạy dù hoặc chuyển sang hoạt động dưới hình thức khác.

Mặc dù vậy, các biện pháp chính hiện nay của cả Bộ GTVT lẫn địa phương đều đang chủ yếu nhằm vào ngăn chặn bến cóc xe dù. Liệu đó có phải giải pháp để “cứu” xe khách liên tỉnh khỏi nguy cơ đứt gãy hay không?

PV: Theo ông, mấu chốt cho việc giải quyết tình trạng xe khách truyền thống hoạt động trong bến vắng khách rồi bỏ bến nằm ở đâu?

Ông Đỗ Văn Bằng: Cái chính nằm ở việc các xe hợp đồng, xe limousine hiện đang hoạt động theo quy định của pháp luật, vẫn có giấy phép kinh doanh, có tem, có phù hiệu, có danh sách hành khách.

Việc xe khách bỏ bến nằm ở việc cơ chế được đỗ dừng của xe limousine, xe ghép, rất tiện cho khách, đón tận nơi trả tận nơi, không mất thời gian và chi phí di chuyển ra bến. Nên trong bến bây giờ không có khách, những chiếc xe chạy tuyến cố định cực kỳ vất vả và khó khăn để hoạt động tại bến.

Trong khi xe ghép, xe limousine đang làm được việc tạo thuận lợi cho người dân đi lại, được hành khách đón nhận là vấn đề chính và việc quản lý nó thế nào.

Mặt khác, có cơ chế mở để xe khách tuyến cố định và các bến xe thu hút được, tăng được khả năng khai thác thì họ vẫn duy trì hoạt động vào bến.

Hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Kinh tế đô thị

PV: Vậy, theo ông, để đưa ra các giải pháp cho vấn đề vừa nêu, thì địa phương hay Bộ Giao thông vận tải phải nắm vai trò chính?

Ông Đỗ Văn Bằng: Hiện tại, Sở GTVT các tỉnh, trong đó có Hà Nội và TP.HCM đã làm hết khả năng của mình nhưng chức năng, quyền hạn của các sở không thể bao trùm hết được.

Cái chính cần can thiệp bây giờ là Bộ GTVT cần phối hợp với các địa phương để có các phương án tối ưu nhằm quản lý, điều tiết hoạt động của các xe hoạt động, xe ghép, xe limousine để vừa đảm bảo quản lý tốt nhưng vẫn tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Hiện nay, mình chưa có cơ chế nào để quản lý các hoạt động của xe hợp đồng. Các Sở cũng chỉ thực hiện theo Thông tư và Nghị định thôi nên Bộ Giao thông cần có văn bản hướng dẫn các địa phương để có cơ chế cởi mở hơn cho các xe tuyến cố định hoạt động, chẳng hạn như được đỗ dừng ở các điểm đã được quy định với thời gian không quá 3 phút.        

PV: Xin được cảm ơn ông!

Trao đổi với Phóng viên VOV Giao thông về vấn đề này, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, xe khách bỏ bến là hệ quả tất yếu của quá trình tổ chức và quản lý vận tải chưa hiệu quả. Nếu chỉ dùng lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông để xử phạt vi phạm các xe hợp đồng ở trên đường sẽ không mang lại hiệu quả triệt để, mà cần giải quyết các vấn đề từ gốc rễ:

"Bộ Giao thông có vai trò định hướng, đôn đốc, tham gia phối hợp hỗ trợ các địa phương để đưa ra cách thức giải quyết vấn đề bất cập, đang còn vướng mắc nhưng để xử lý trực tiếp tại từng tỉnh thì vai trò của Sở giao thông đóng vai trò quyết định, họ có đủ thẩm quyền, cần ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề này chứ đừng tư duy theo kiểu cổ điển là ai cần đi xe khách thì ra bến về quê", ông Khương Kim Tạo cho biết thêm.