Xe hợp đồng trá hình limousine gây nhiều khó khăn cho đơn vị vận tải, bến xe

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, ảnh hưởng dịch bệnh cùng với việc giá nhiên liệu tăng cao và loại hình xe limousine hoạt động ngoài bến xe đang gây nhiều khó khăn cho các đơn vị vận tải và bến xe...

Ảnh nh hoạ

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) ngày 14/7 thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Theo Transerco, 6 tháng đầu năm 2022, xe buýt tiếp tục cắt giảm chuyến lượt so với hợp đồng đấu thầu – đặt hàng. Trong đó từ ngày 1/1 đến ngày 7/2 giảm 50% công suất, từ ngày 8/2 đến ngày 15/3 khôi phục hoạt động 100% và từ ngày 16.3 đến nay duy trì giảm 15%.

Môi trường hoạt động xe buýt có nhiều thay đổi so với trước khi đấu thầu như phát sinh dịch bệnh, thói quen, nhu cầu đi lại thay đổi, cắt giảm tần suất, san sẻ hành khách với các tuyến mở mới, ùn tắc giao thông giờ cao điểm diễn biến phức tạp làm xe buýt bị chậm giờ, ảnh hưởng đến chất lượng chuyến đi… dẫn đến sản lượng, doanh thu bán vé sụt giảm trên 40% so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Bên cạnh đó, các đơn vị xe buýt gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động trực tiếp.

"Ảnh hưởng dịch bệnh cùng với việc giá nhiên liệu tăng cao và loại hình xe limousine hoạt động ngoài bến xe đang gây nhiều khó khăn cho các đơn vị vận tải và bến xe, sản lượng dịch vụ các bến xe khôi phục chưa được trên 50% so với thời điểm trước dịch. Hoạt động vận tải kinh doanh khó khăn do lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, nhiều khoản chi phí khác do ảnh hưởng của giá xăng dầu cũng biến động tăng theo...", Transerco cho biết.

Theo Transerco, các hoạt động vận tải kinh doanh đang phục hồi dần, nhưng mức độ còn chậm. Đối với mảng hoạt động buýt, các đơn vị cổ phần cũng đang gặp khó khăn tương tự như hoạt động buýt của Tổng công ty, doanh thu toàn lĩnh vực ước đạt bằng 81% kế hoạch, bằng với cùng kỳ năm 2021.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Transerco cho biết sẽ chuẩn bị để sẵn sàng phát triển xe buýt khi được thành phố giao. Nhất là có giải pháp hiệu quả về tuyển dụng, đào tạo để đảm bảo nguồn lao động đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh và phát triển các tuyến buýt mới.

Đồng thời, quan tâm, nắm bắt tâm tư và có giải pháp động viên người lao động. Triển khai dự án đầu tư đổi mới phương tiện sử dụng trên 10 năm và nghiên cứu loại hình phương tiện phục vụ các tuyến mở mới phù hợp với đặc thù của tuyến và đảm bảo hiệu quả khai thác.