Xăng tăng, dịch hoành hành, doanh nghiệp vận tải lo 'tụt huyết áp'

Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, hầu hết doanh nghiệp vận tải rơi vào tình trạng điêu đứng vì vắng khách, tăng chi phí phát sinh. Việc tăng giá xăng liên tiếp thời gian qua càng khiến doanh nghiệp và tài xế như “tụt huyết áp”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Gần 2 năm nay, anh Đỗ Ngọc Kim, tài xế taxi, chỉ chạy xe khoảng 50 cây số mỗi ngày. Trong đó, chỉ 30km có khách, còn lại chạy rỗng. Tiền xăng gần 100.000 đồng, bằng 1/3 doanh thu cả ngày. Nếu tính thêm chi phí gọi đàm, phí cầu đường, khấu hao xe… thì coi như lỗ.

“Trời nắng như này mà xăng tăng nữa, khách không có, đi làm tiền khách bù vào tiền xăng, lắm lúc chạy xe cứ bật điều hòa thế này ăn thua gì đâu", anh Ngọc cho biết.

Tình hình còn ảm đạm hơn với các hãng taxi tại TP. HCM. Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Vinasun taxi cho biết, từ thời điểm TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, các hãng taxi phải dừng hoạt động hoàn toàn. Hàng nghìn chiếc taxi nằm chờ trong bãi: “Hiện nay chỉ còn 200 xe là diện Thành phố chỉ định để phục vụ nhu cầu người đi bệnh viện hoặc từ bệnh viện về nhà, phục vụ nhu cầu thiết yếu, còn đâu nghỉ hết, mấy nghìn xe về bãi hết rồi."

Đứng trước đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, hàng loạt các doanh nghiệp taxi gần như tê liệt hoạt động khi lượng khách sụt giảm 80-90%. Ảnh: Gia Khiêm - Báo Thanh niên

Vận tải hành khách vốn đã lao đao, nay càng thêm điêu đứng khi giá xăng tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây, bồi thêm vào “cơn bão” COVID-19.

Ông Lê Hùng Dũng, giám đốc doanh nghiệp vận tải Hà Sơn – Hải Vân cho hay, trước thời điểm HN dừng vận tải khách liên tỉnh, mỗi ngày nhà xe này chỉ còn khoảng 10 lốt tuyến Hà Nội - Lào Cai so 49 lốt trước kia. Thậm chí, có xe xuất bến chỉ với 1-2 khách, doanh thu sụt giảm gần 80%, nhân công cắt giảm 60%.

“Việc xăng dầu thời gian gần đây, đặc biệt trong 2-3 kỳ gần đây tăng giá thì doanh nghiệp vận tải nói chung đã khó khăn rồi lại càng khó khăn hơn. Số chuyến lượt giảm, lượng khách/lượt giảm, nhiên liệu lại tăng dẫn đến việc doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", ông Dũng nói.

Hiện các doanh nghiệp taxi chỉ duy trì hoạt động 50% số xe, doanh thu cũng giảm quá nửa. Ảnh nh họa: Báo Công thương

Sản lượng khách 6 tháng đầu năm nay của Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cũng chỉ đạt 30% so với năm ngoái, trên đà giảm liên tiếp từ 2019 đến nay.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc công ty lo lắng khi không đủ chi phí vận hành tối thiểu: “Gánh nặng về vay ngân hàng, về nợ thuế, gánh nặng về chế độ chính sách cho người lao động cũng như tiền lương từ tháng 7 năm ngoái đến hiện tại chưa có gì cả. Bởi vì không có điều kiện nào để có lương, vay mượn được nên cực kỳ khó khăn luôn, chỉ có tính câu chuyện ra đi vào ngày nào thôi."

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, cùng với dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải đang tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng khi phải chịu áp lực tăng chi phí đầu vào từ giá xăng.

"Đáng ra trong thời điểm này nên phát huy vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giúp cho các doanh nghiệp đỡ, bớt khó khăn", ông Quyền nói.

Nhiều ý kiến nhận định, với đà này, khoảng 50% doanh nghiệp vận tải sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng hoặc phá sản nếu không được “hà hơi”, tiếp sức kịp thời./.