Xăng dầu “hạ nhiệt”, giá hàng hóa tiêu dùng vẫn tiếp tục leo thang

Xăng dầu giảm giá hứa hẹn sẽ “hạ nhiệt” áp lực giá cả sản xuất và tiêu dùng, và được người dân hết sức mong chờ, kỳ vọng. Tuy vậy, một tuần sau khi xăng dầu dảm xuống gần 3000 đồng/lít, mặt bằng giá cả gần như đứng yên, chỉ hãm tốc độ tăng. Thậm chí nhiều mặt hàng vẫn tiếp tục “leo thang”.

Khảo sát của phóng viên VOV Giao thông, đúng 1 tuần sau khi giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm khoảng 3.000 đồng/lít, đa số các loại hàng hóa tiêu dùng hầu như không, thậm chí một số mặt hàng như trứng cút, thịt lợn, thịt bò có xu hướng tăng:

"Mình thấy giá không có dấu hiệu giảm tí nào luôn. Em ăn trưa, ngày trước 25.000/suất thì bây giờ vẫn 25.000, nó cũng không giảm đi đâu. Giá xăng giảm thì mình cũng nên giảm những cái kia".

"Một số dầu ăn thực phẩm có giảm nhưng không đáng kể. Ví dụ như 1 lít dầu Simply đợt trước mua 60.000, bây giờ mua 55.000".

Chị Lan, chủ một cửa hàng tạp hóa lý giải về việc giá trứng chim cút được điều chỉnh tăng từ 8.000 đồng/chục lên 9.000 đồng/ chục: "Gần đến trung thu nên giá mới lên với lại mùa này mùa cưới nên người ta hay dùng cái này để nấu thập cẩm".

Ảnh nh họa

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hà Nội, mấy ngày gần đây, giá thịt lợn có xu hướng tăng khoảng 20.000-30.000/kg tùy từng loại.

Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các bà nội trợ, mà còn làm tăng chi phí đầu vào thêm vài triệu đồng của những tiểu thương kinh doanh ăn uống như chị Thu Thủy ở Khu đô thị Xa La, huyện Thanh Trì, Hà Nội:

"Ngày xưa lấy xương 25.000 bây giờ lên 30.000, mất thêm 15.000, 1 tháng mất 450.000. Thịt 90.000 bây giờ giao 120.000/kg, mất 3 triệu tiền thịt và xương cũng lên. Mỗi thứ lên một tý, cộng vào cũng chết dở. Thực ra đợt này là làm cầm cự thôi", chị Thủy cho biết.

Chị Sỉu, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khá bất ngờ khi giá hàng lại tăng lên nhưng vẫn cố gắng giữ nguyên mức giá bán ra để giữ chân khách: "Không, lại tăng lên. Trước mua chả 110.000/kg, giờ tăng lên 120.000, tăng từ giữa tuần trước quay lại đây. Cũng ảnh hưởng chứ, mỗi thứ tăng lên một tý mà giá bán vẫn thế, 20.000-25.000/suất".

Sở dĩ, giá thịt lợn tăng trong vòng 1 tuần trở lại đây, bất chấp giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm.

Theo chị Bình, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở quận Hà Đông, Hà Nội là do liên quan đến các nguyên liệu đầu vào: "Họ chỉ bảo bây giờ hàng khan, cám lên giá. Tăng giá lên vì mức mua cám cao quá, vì cám trong nước tăng lên rất nhiều. Người thương lái họ cũng phải mua giá cao ở các trang trại rồi".

Ảnh nh họa: Thanh Niên

Theo đại diện của một số siêu thị ni, hiện nay giá các loại hàng hóa nhập vào vẫn đang giữ nguyên, các nhà cung cấp chưa có sự điều chỉnh giảm, ngoại trừ một số mặt hàng dầu ăn. Điều này đối lập trước đây, khi giá xăng tăng, giá các mặt hàng được điều chỉnh theo từng tuần:

"Chưa đâu. Họ chưa giảm đâu. Xăng lên họ dựa vào đó để tăng mọi thứ lên theo. Tăng theo từng đợt giao hàng. Mỗi đợt giao giá khác nhau".

"Mỗi dầu ăn hạ, các mặt hàng khác vẫn thế. Như dầu Olive, Dầu Cái Lân giảm 20.000-30.000/thùng, Olive giảm 40.000. Nhưng cái này không phải do xăng dầu đâu mà do giá nhập vào".

Giá các mặt hàng tiêu dùng bị chậm hoặc không được điều chỉnh giảm theo giá xăng đã khiến nhiều hộ tiểu thương rơi vào cảnh khó khăn. Giá cao, khó lấy hàng và cũng khó bán, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đang hoạt động cầm chừng, cố bán chủ yếu để giữ khách, phải bù lỗ tiền thuê cửa hàng và điện nước.

Trong khi, người tiêu dùng – nhất là người dân lao động, vẫn ngóng chờ “hạ nhiệt” mặt bằng giá cả để đời sống bớt vất vả.