Xăng dầu giảm giá, vì sao hàng hóa chưa giảm?

Diễn biến giá cả hàng hóa tuần qua cho thấy một nghịch lý, giá xăng tăng thì hàng hóa thi nhau tăng theo; nhưng khi giá xăng giảm thì giá hàng hóa, dịch vụ vẫn giữ nguyên, dù đã có xu hướng tăng chậm lại. Thậm chí, một số mặt hàng vẫn tiếp tục tăng giá. Vì sao có tình trạng này?

Phóng viên VOV Giao thông trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại về vấn đề này.

PV: Theo ông, vì sao dù giá xăng dầu đã giảm nhưng "chưa đủ sức" kéo các mặt hàng, dịch vụ giảm giá?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Phản ứng dây chuyền về giá khác nhau ở hai chiều: nếu giá xăng tăng thì các mặt hàng tăng ngay được, nhưng khi giá xăng xuống thì tác động chậm hơn.

Khi lên giá thì dễ chứ xuống giá bất cứ mặt hàng nào cũng khó khăn.

Mặt hàng xăng dầu là Nhà nước quy định thì bắt buộc phải làm thôi, còn các mặt hàng tự kinh doanh để xuống giá thì ảnh hưởng tới lợi ích, người ta sẽ đắn đo, tính trước tính sau.

Chiều xuống sẽ phản ứng chậm bởi người ta chờ đợi xem việc giảm giá xuống có ổn định không rồi những mặt khác như thế nào bởi nó không chỉ phụ thuộc vào giá xăng mà ảnh hưởng bởi nhiều loại giá khác nữa.

Ảnh nh họa

Bất cứ lần nào xuống giá thì giá không giảm ngay mà cần quá trình, nếu giảm giá xăng ổn định thì mới bắt đầu giảm giá hàng hóa.

Ngoài ra, còn do tác động cung cấp, nếu cung lớn mà cầu hẹp thì giá sẽ xuống còn cung thấp mà cầu lớn thì giá sẽ lên nên chúng ta không thể sốt ruột được.

PV: Vậy, xăng dầu giảm giá có thể kìm đà tăng lạm phát hay không?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Có một tác động có thể cảm nhận được ngay là nó dừng quá trình tăng giá, không tăng nữa vì giá xăng xuống có thể khiến một số mặt hàng rục rịch xuống nên không thể tăng giá nữa.

Thị trường hoạt động khách quan nên nếu để giảm giá thì phải chờ, nhanh thì 1-2 tuần mà chậm thì 1-2 tháng, đó là quy luật hoạt động của cơ chế giá.

PV: Theo ông, chính sách điều hành giá xăng cần được xem xét, điều chỉnh ra sao để tác động tích cực đến thị trường? 

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Vấn đề chính nằm ở chính sách điều hành giá xăng của Nhà nước phải có dự báo, chứ không phải thấy thị trường thế giới thì tăng chứ không dự báo là sắp tới sẽ tăng hay xuống dẫn tới Nhà nước bị động khi tăng giá.

Ảnh nh họa: TTXVN

 Dự báo để khi quyết định tăng giá thì xác định mức tăng thế nào cho hợp lý.

Cái này đòi hỏi công tác dự báo về thị trường, về giá cả phải tốt để xác định lộ trình tăng còn nếu tăng dồn dập tạo tâm lý là đang tăng thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng theo.

Còn nếu dự báo tốt thì đưa ra mức tăng để nó tác động vừa phải vào thị trường hàng hóa. Muốn giảm tác động tới thị trường thì phải nghiên cứu xu hướng để có chiến lược điều chỉnh giá cho phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cũng liên quan đến biến động giá cả dịch vụ theo xăng, một số chuyên gia cho rằng, chúng ta đang đứng trước một cơ hội sẽ đưa mặt bằng giá cả xuống thấp, kìm đà tăng lạm phát khi giá bán lẻ xăng dầu có thể tiếp tục giảm mạnh trong kỳ điều hành ngày 21/7.

Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp can thiệp, kiểm soát về giá từ cơ quan quản lý Nhà nước thì việc giảm giá các mặt hàng, dịch vụ sẽ khó lòng trở thành hiện thực.

Theo sự tăng giảm của giá xăng dầu, cơ quan quản lý giá cần tính toán và đưa ra tỉ lệ tăng giảm giá hàng hóa tương ứng để người tiêu dùng nắm bắt được.