Xác định sức khỏe tâm thần không thuộc chức năng của CSGT

Phòng CSGT CATP Hà Nội mới đây phối hợp với Công an quận, huyện, thị xã và các đơn vị chức năng xác định có khoảng hơn 4.000 người bị bệnh tâm thần. Từ đó CSGT kiến nghị Sở GTVT không cấp GPLX cho các trường hợp này, nếu trường hợp nào đã được cấp, sẽ phải tiến hành thu hồi.

Tuy vậy, dư luận băn khoăn trước việc, CSGT có thể xác định một người bị bệnh tâm thần, không đủ điều kiện cấp GPLX được hay không? điều này liệu có phù hợp chức năng nhiệm vụ?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với Thượng tá, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu - Phó Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học An ninh nhân dân.

 Ảnh nh họa

PV: Theo ông, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông trong quá trình làm nhiệm vụ có khả năng phát hiện người bệnh tâm thần điều khiển phương tiện không?

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu: Lực lượng CSGT hay Thanh tra giao thông rất khó để phát hiện một người có sức khỏe tâm thần như thế nào, để kiến nghị cơ quan chức năng thu giấy phép lái xe.

Việc đấy gần như là không thể. Mà họ chỉ dựa vào các vụ việc mà tính chất, hậu quả, có giám định tâm thần để có thể đưa ra một kiến nghị nhất định và đó đã là khâu hậu quả đã xảy ra rồi thì mới xác định được.

Còn qua việc kiểm tra giấy phép lái xe, qua hành vi của mỗi người để xác định người đó có đảm bảo sức khỏe tâm thần không thì không thuộc chức năng của CSGT, rất khó để họ có thể xác định được điều đó,

PV: Vậy, theo ông đâu là những "kẽ hở" khi người bệnh tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe?

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu: Tôi trực tiếp đi làm phiếu khám sức khỏe lái xe thấy bất cập là có những trường hợp không cần đi khám thì Trung tâm đào tạo lái xe vẫn có dịch vụ để chỉ cần đưa tên và ảnh rồi họ tự điền các thông tin về sức khỏe.

Có những trường hợp đến phòng khám nhưng việc khám qua loa, vì vậy việc khám sức khỏe để đảm bảo một người có thể tham gia giao thông an toàn thì còn nhiều hạn chế.

Đây là hạn chế rất lớn có thể dẫn tới hậu quả về an toàn giao thông.

PV: Những giải pháp nào theo ông cần triển khai để không "bỏ lọt" việc cấp GPLX cho người bệnh tâm thần?

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu: Nó mang tính hệ thống chứ không riêng gì trách nhiệm của cơ quan y tế.

Tất cả chúng ta, những người bình thường cũng có khi xuất hiện triệu chứng tâm thần nhưng ở đây là những người có triệu chứng tâm thần nặng và không có khả năng điều khiển phương tiện giao thông.

Việc này để xác định qua phiếu khám sức khỏe cho giấy phép lái xe hiện nay thì không thể xác định được.

Do đó, đòi hỏi những quy định chặt chẽ như liên thông về thông tin, như một người có dấu hiệu tâm thần đi khám tại một bệnh viện thì thông tin đó phải được cập nhật tới những đơn vị cấp giấy phép lái xe để họ xem xét những trường hợp này.

Tâm thần có nhiều mức độ, nặng nhẹ khác nhau nên Bộ Y tế cần quy định cụ thể và đưa vào Luật để xác định những người đủ điều kiện được cấp GPLX.

Có như vậy mới đảm bảo an toàn từ khâu khám sức khỏe để cấp GPLX đến việc kiểm soát thái độ, hành vi của họ khi điều khiển phương tiện.

PV: Xin cảm ơn ông!