WHO tập huấn cho phóng viên kỹ năng đưa tin an toàn đường bộ

Từ ngày 06 - 08/12/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện phát thanh- truyền hình châu Á Thái Bình Dương (AIBD) đồng phối hợp tổ chức khóa học về an toàn giao thông đường bộ cho 16 phóng viên, biên tập viên khu vực châu Á, Thái Bình Dương tại Kuala Lumpur, Malaysia.

16 phóng viên, biên tập viên tham gia khóa tập huấn về An toàn đường bộ do WHO/AIDB tổ chức

Đây là một Sáng kiến nằm trong chuỗi hoạt động Kế hoạch toàn cầu cho Thập kỷ Hành động vì An toàn giao thông đường bộ 2021-2030 do Tổ chức y tế Thế giới và các Ủy ban Khu vực của Liên hợp Quốc phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng.

 Trong ngày đầu khóa học, Nhà báo Deborah Potter, Giảng viên truyền thông người Mỹ đã chia sẻ về chủ đề Giải pháp báo chí về an toàn giao thông. Theo nhà báo Deborah chia sẻ về cách lựa chọn đề tài, đưa tin và viết bài trong lĩnh vực đường bộ. Phóng viên khi tác nghiệp, cần nắm bắt và đưa  thông tin về các sự cố, va chạm giao thông đảm bảo đầy đủ chi tiết, chính xác và khách quan, bao gồm những bằng chứng cụ thể, hạn chế giật tít, câu view và đưa ra những bình luận mang tính chủ quan của người viết.

Nhà báo Mercedes Sayagues, Giảng viên truyền thông đến từ Uruguay, Nam Phi nhấn mạnh về tầm quan trọng của dữ liệu trong các bài báo. Chỉ khi có nguồn đầu vào với dữ liệu chính xác, mới có thể đưa ra các giải pháp chính xác và chiến lược phù hợp. Nhà báo Mercedes chia sẻ kinh nghiệm tìm kiến các nguồn dữ liệu về an toàn đường bộ và khuyên các nhà báo, phóng viên khi viết bài nên tiếp cận tất cả các nguồn dữ liệu về an toàn giao thông đường bộ đến từ nhiều nguồn khác nhau như: WHO, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan liên quan để có một cái nhìn khách quan, đầy đủ và đa chiều.

Cũng theo nhà báo Mercedes, Malaysia và Thái Lan đã có nhiều nỗ lực ấn tượng cải thiện việc thu thập dữ liệu về an toàn giao thông phù hợp với hướng dẫn của WHO trong những năm gần đây .

Liên quan đến vấn đề dữ liệu, nhà nghiên cứu cấp cao của MIROS, bà Sharifah Allyanna, chia sẻ về kinh nghiệm thu thập dữ liệu của  Malaysia trong hơn 10 năm qua. Theo đó, hơn 60% số ca tử vong trên đường là người đi xe máy, tiếp theo là ô tô chở khách và người đi bộ. Chính phủ Malaysia đang thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau bằng cách khởi động Kế hoạch An toàn Đường bộ Malaysia 2022-2030 với mục tiêu giảm 50% số ca tử vong trên đường vào năm 2030.

Bên cạnh 2 nhà báo kỳ cựu còn có nhiều chuyên gia đến từ WHO, các cơ quan quản lý về giao thông của Thái Lan, Malasia chia về những nghiên cứu, giải pháp xây dựng những làn đường an toàn cho người đi bộ, người tham gia giao thông, quy định lắp đặt phanh ABS trên các phương tiện nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông…

Nhà báo Mercedes Sayagues, Giảng viên truyền thông đến từ Uruguay nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu trong các bài báo

Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ 8 gây tử vong ở mọi lứa tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người trẻ. Số lượng người tử vong chết vì tai nạn giao thông ở các nước có thu nhập thấp cao gấp 3 lần ở các nước có thu nhập cao.

Việt Nam nằm trong top 2 quốc gia ở khu vực châu Á thái Bình Dương có tỷ lệ tử vong/ 100.000 dân cao với  tỷ lệ 30,6, sau Thái Lan 32,2.

Theo nghiên cứu của ESRA về ý thức của người tham gia giao thông tại Việt Nam năm 2019, có tới 64% người đi bộ không đi vào vạch kẻ sang đường dù sang đường đi bộ gần đó, 34,2% sang đường khi đèn dành cho người đi bộ màu đỏ; sử dụng điện thoại khi điều khiển xe máy 28,2%; người điều khiển ô tô không thắt dây an toàn lên tới 44%; 74,4% người ngồi đằng sau không thắt dây an toàn…

Nghiên cứu của ESRA được khảo sát online 48 quốc gia, 45 người tham gia giao thông được thực hiện bởi học viện VIAS, Bỉ.

Kế hoạch Toàn cầu cho Thập kỷ Hành động vì An toàn giao thông đường bộ 2021- 2030 không chấp nhận hành động như thường lệ mà kêu gọi Chính phủ các nước và các bên liên quan triển khai theo lộ trình mới- một lộ trình đặt ưu tiên và triển khai cách tiếp cận Hệ thống An toàn tích hợp , coi An toàn giao thông đường bộ là động lực của phát triển bền vững. Kế hoạch cũng kêu gọi hành động giúp thế giới đạt được mục tiêu giảm ít nhất 50% số ca tử vong và số ca chấn thương do tai nạn giao thông đường bộ trong giai đoạn này.