Vì sao Pháp cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn?

Nhằm giảm thiểu tác hại ô nhiễm, Hạ viện Pháp mới đây đề xuất dự luật, cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn trên những hành trình có thể di chuyển bằng tàu hỏa.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Bản đồ các chuyến bay theo thời gian thực thiết lập bởi Flightradar24 năm 2019

Theo Tổ chức hàng không dân dụng (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngoài 2 năm trở lại đây chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, một thập kỷ qua, tốc độ phát triển của hàng không toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng.
Tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng này, các chuyến bay thương mại cũng phát ra lượng khí thải CO2 gấp 4 lần so với thập kỷ trước, trong đó nhiên liệu tiêu thụ tăng thêm 44 triệu lít mỗi ngày, tức hơn 16 tỷ lít mỗi năm.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, với tốc độ này, ngành hàng không sẽ sớm đạt mốc ‘bơm’1 tỷ tấn CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm, góp phần làm trái đất nóng lên. Nhà báo Nessa Anwar của đài CNBC (Mỹ) cho biết: “Lượng khí carbon phát ra từ hàng không chiếm khoảng 2,5% khí thải toàn cầu. Từ năm 2013 đến năm 2018, khí thải CO2 từ các chuyến bay thương mại đã tăng 32%. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp 3 nếu ngành du lịch toàn cầu tiếp tục phát triển”.

Nghiên cứu tại Pháp cho thấy, trên quãng đường 1 km, máy bay phát ra lượng khí thải lên tới 144 gram carbon dioxide, cao gần gấp đôi xe con và gấp 3 lần xe buýt. Trong khi đó, tàu hỏa phát thải chỉ bằng 1/14 máy bay.

Tuy nhiên nghịch lý ở chỗ, dù là phương tiện giao thông gây ô nhiễm, nhưng hàng không lại được hưởng không ít ưu đãi về thuế. Do đó, tại nhiều nước châu Âu, đi bằng tàu hỏa thậm chí còn đắt hơn đi máy bay giá rẻ. Hệ quả là, những loại hình vận tải ít ô nhiễm hơn khó lòng cạnh tranh với hàng không.

Nhằm hỗ trợ đường sắt cũng như giảm thiểu lượng khí thải, Hạ viện Pháp mới đây thông qua dự luật cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn.

Theo đó, việc di chuyển bằng đường hàng không nếu có thời gian dưới 2,5 tiếng, sẽ phải chuyển sang phương tiện khác như tàu hỏa hay xe buýt. Lệnh cấm được xem là nỗ lực của Chính phủ Pháp, nhằm cắt giảm 40% lượng khí thải carbon vào năm 2030, so với mức của năm 1990.

Bà Danielle Obono, một nghị sĩ Pháp khẳng định: “Theo Tổ chức hòa bình xanh, sự thay đổi này sẽ giúp giảm thiểu không khí gây ô nhiễm. Thống kê cho thấy, trong năm 2019, các chuyến bay kết nối giữa Paris và Nice đã thải tới 225.000 tấn khí cacbonic vào môi trường”.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư Venkat Viswanathan tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho rằng, cấm các chuyến bay chặng ngắn là chính sách thiết thực, không chỉ giúp hàng không tăng trưởng bền vững, mà còn thúc đẩy máy bay năng lượng sạch phát triển.

Được biết, dự luật sẽ được trình Thượng viện Pháp, trước khi quay lại Hạ viện để bỏ phiếu thông qua lần cuối. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến ủng hộ, dự luật vẫn nhận không ít ý kiến trái chiều.

Hạ viện Pháp mới đây đề xuất dự luật, việc di chuyển bằng đường hàng không nếu có thời gian dưới 2,5 tiếng, sẽ phải chuyển sang phương tiện khác như tàu hỏa hay xe buýt

Ông Francois Pupponi, một nghị sĩ Pháp bày tỏ: “Tôi không nghĩ đây là giải pháp đúng. Môi trường cần được ưu tiên, nhưng cũng không thể bỏ qua các lựa chọn kinh tế, xã hội xung quanh ngành hàng không. Những yếu tố này cần hài hòa và bổ sung cho nhau”.

Bên cạnh đó, có ý kiến còn cho rằng, dự luật được đưa ra ở thời điểm không thích hợp bởi ngành hàng không đang trải qua ‘giai đoạn đặc biệt khó khăn’ vì các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại. Trong khi mới hôm 6/4 vừa qua, Chính phủ Pháp tuyên bố sắp ‘bơm’ thêm 4 tỷ Euro cho hãng hàng không Air France, nhằm giúp ổn định tài chính để hồi phục.

Bất chấp những chỉ trích, bà Agnes Pannier-Runacher, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp cho biết, việc cứu trợ hàng không và triển khai dự luật khí hậu vẫn có thể triển khai song song, đồng thời khẳng định không hề có mâu thuẫn giữa hai hoạt động này.

Trong một diễn biến khác, Bộ Môi trường Pháp cho biết, sẽ cấm xây dựng sân bay mới hoặc mở rộng các sân bay hiện có, trừ dự án phục vụ an ninh quốc gia, nếu những công trình này dẫn tới tăng lượng khí thải. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu thực hiện những chương trình bù đắp lượng khí carbon thải ra, như trồng rừng hoặc tham gia dự án bảo vệ thiên nhiên.

Tại Việt Nam, bảo vệ môi trường luôn được coi là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành hàng không nhằm hướng tới một ngành hàng không năng động và phát triển bền vững.

Các ưu tiên bảo vệ môi trường trong ngành hàng không là hạn chế tác động xấu của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cảng hàng không đến môi trường; Đảm bảo chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mỹ quan khu vực với mục tiêu ngăn chặn về tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường; Đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức khỏe người lao động và chất lượng cuộc sống của dân cư xung quanh khu vực các cảng hàng không sân bay.

Tuy nhiên thời gian qua, có hiện tượng nhiều địa phương đồng loạt đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay, hoặc đề nghị nâng cấp sân bay hiện có trên địa bàn. Các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư sân bay cần có trọng điểm, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, không hiệu quả kinh tế cũng như ảnh hưởng tới môi trường.