Vì sao nhân viên y tế chậm nhận tiền hỗ trợ chống dịch?

Ngày 10/9, bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cho biết, cần kiểm chứng lại thông tin nhân viên y tế chống dịch thu nhập thấp, bị nợ lương.

Còn vấn đề chậm nhận tiền hỗ trợ chống dịch đúng là đang tồn tại, Công đoàn y tế Việt Nam đang nỗ lực để hỗ trợ tối đa cho cán bộ, nhân viên chống dịch. 

Ảnh nh họa: Bộ Y tế

Cụ thể, chia sẻ với báo chí, bà Phạm Thanh Bình giải thích: “Hiện nay, người đi tăng cường chống dịch rất nhiều, nên người thực hiện quy trình làm công tác này chưa kịp thời. Người chống dịch ở các địa phương thì do UBND, Sở Tài chính địa phương đó cấp. Chúng tôi sẽ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động VN, Bộ Y tế có tiếng nói để UBDN các tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Trước đó, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM khẳng định, TP luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, nhưng ông cũng thừa nhận, trong thời gian qua vẫn còn một số thiếu sót: 

“Chế độ chính sách dù đã được thông qua nhưng quá trình triển khai đi xuống cho từng người y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn còn có nơi chậm. Điều đó đúng. Và chúng tôi cũng đã khẩn trương để khắc phục”.

Theo bà Phạm Thanh Bình, các bác sĩ, nhân viên tuyến đầu chống dịch đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực công việc nặng nề trong môi trường tâm của tâm dịch.

Công đoàn y tế Việt Nam đã đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động VN hỗ trợ dinh dưỡng mỗi người đi tăng cường chống dịch 1 triệu đồng/lượt, người có quyết định của Bộ Y tế được nhận 2 triệu đồng/người.

Ngoài ra, mỗi người được nhận thẻ một bảo hiểm an toàn. Các nhà tài trợ cũng được kêu gọi để hỗ trợ thêm về khẩu trang N95, quần áo bảo hộ cấp 4, tăng cường dinh dưỡng bằng vitan, sản phẩm sữa, suất ăn hàng không.

“Chúng tôi đã làm việc với hãng bảo hiểm AIA để hỗ trợ cán bộ bị lây nhiễm khi đang làm nhiệm vụ được hưởng 10 triệu đồng, cán bộ tử vong hưởng 100 triệu. Ở Bình Dương, chế độ này đã được thực hiện, chúng tôi đang làm thủ tục cho 2 cán bộ ở Tp.HCM. Với trường hợp khó khăn trong ban chống dịch được hỗ trợ từ nguồn huy động cộng đồng, doanh nghiệp là 2 triệu đồng/người, tất cả hoàn cảnh có người thân bị mất khi đang công tác được hỗ trợ 10 triệu đồng/người”, bà Phạm Thanh Bình nói.

Bên cạnh đãi ngộ, hỗ trợ cụ thể, Công đoàn y tế Việt Nam cũng hướng tới rất nhiều đối tượng chống dịch nhưng chưa được hưởng chế độ theo Nghị quyết 16 và 37 của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất sẽ theo hướng tất cả người đi về, bị cách ly được hưởng như đi làm, ai tiếp xúc F0 thì được hưởng chế độ như F1.

Tất cả nhân viên y tế chống dịch đều đươc nhận bằng khen của Bộ Y tế, sau này hết dịch có thể có bằng khen cấp cao hơn. Bệnh Covid cũng đang được trình bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp để có chế độ bảo hiểm chính đáng.

Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cho biết, cũng đang nỗ lực để ổn định tư tưởng, tâm lý cho nhân viên y tế chống dịch bằng đường dây nóng tư vấn tâm lý của Bộ và từng Sở Y tế. Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai sẽ hỗ trợ thực hiện đường dây nóng này.

Đồng thời, chăm lo cho con cái các cán bộ đi công tác xa trong dịp Trung thu, thăm hỏi người thân của các y bác sĩ, nhân viên hoàn cảnh khó khăn./.