Vì sao người dân khó thay đổi thói quen dùng đồ nhựa dùng một lần?

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi ngày tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM phát sinh tới 80 tấn rác thải nhựa.

Ảnh nh họa

Từ cháo, xôi đến nước ép trái cây, trà sữa đều được nhiều người bán hàng đóng vào hộp nhựa, xếp thành hàng để bán cho công nhân, cán bộ công chức đi làm buổi sáng là hình ảnh thường thấy ở các đô thị hiện nay.

Theo lý giải của một người bán hàng, cách thức này được nhiều quán ăn, nhà hàng áp dụng, vì đáp ứng nhu cầu của “thượng đế” muốn rẻ, nhanh chóng, tiện lợi, không phải chờ đợi lâu:"Bán hàng ăn, từ quán bán hàng ăn to nhất, bún phở cho đến các đồ ăn nhỏ nhẹ người ta đều dùng những hôp do Nhà nước sản xuất ra như xôi hộp giấy, cháo thì hộp giấy nhựa cao cấp, hàng bún người ta còn cho túi ni lông người ta mang về người ta trút ra bát".   

Ở nhiều góc hồ Văn Quán, khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội luôn trong tình trạng các chai lọ nhựa, túi ni lông, xen lẫn với nhiều cá chết, phơi trắng bụng. Anh Nguyễn Hưng- nhân viên của công ty thoát nước thường xuyên làm việc ở khu vực này cho biết: "Ngày nào cũng như ngày nào, những người đến uống nước và đến đây câu nếu biết ý người ta vứt vào thùng rác còn đâu họ vứt xuống hồ. Nhắc nhở cũng nhiều, nhưng vứt ra cũng nhiều, vứt cả những chai nước ngọt, các túi ni long".

Trong khi túi ni lông vẫn được sử dụng nhiều ở các khu vực chợ, những cửa hàng nhỏ, một số hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ lớn đã chuyển sang sử dụng những loại túi thân thiện với môi trường. Trong đó phải kể đến tập đoàn bán lẻ BRG, Vinmart, Big C, Co.Mart, Mega, Lotte…

Tuy nhiên, theo đại diện của một chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, hiện nay nguồn cung các sản phẩm thay thế cho túi ni lông đang thiếu và yếu, giá thành cao nên không phải đơn vị nào cũng có thể nhanh chóng chuyển đổi sang dùng các sản phẩm thay thế túi ni long.   

Đại diện một đơn vị sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường chia sẻ, giá thành túi nilong sinh học phân hủy hoàn toàn có giá thành cao gấp 2,5 lần so với ni lông thông thường. Đây cũng là rào cản khiến nhiều hệ thống siêu thị phải cân nhắc khi lựa chọn sử dụng.

Ở góc độ người tiêu dùng lại khác, mặc dù biết là các sản phẩm nhựa dùng một lần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khi đựng đồ ăn và gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, nhưng họ không có nhiều lựa chọn.

Một số ý kiến cho biết:   

"Các bạn học sinh thường có sử dụng vì mua đồ ăn sáng để đem đến trường thì tiện lợi nhất. Khi mình mua đồ ăn thức uống để đem đi luôn cái thứ nhất là nó tiện và nếu không dùng nó thì không biết lấy cái gì để đựng".

"Giả sử bạn mua một kg thịt hay một mớ rau không nhẽ lại cầm tay không về ? Tất nhiên vẫn phải dùng túi ni lông để dùng, để bọc rồi. Nhà cung cấp họ không đưa ra những giải pháp thì đương nhiên họ vẫn phải sử dụng".

"Em biết nhựa gây tác hại ảnh hưởng đến môi trường, nếu mình đến thì có thể mang hộp thủy tinh nhưng do họ ship qua nên họ chỉ có hình thức đựng bằng túi bóng hoặc đồ nhựa".

----

Để tìm hiểu thêm, quý thính giả có thể lắng nghe trao đổi giữa phóng viên VOVGT với các vị khách mời là  PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng Live & Learn  trong chương trình Diễn đàn 91, với chủ đề: Thay đổi thói quen sử dụng nhựa một lần: Người dân muốn nhưng không thể.