Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Thu phí trông xe không dùng tiền mặt và cơ hội minh bạch

Kênh VOV Giao thông: Thứ năm 11/04/2024, 08:32 (GMT+7)

Hà Nội đang thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt tại quận Tây Hồ và từ 15/4 tới sẽ mở rộng sang một số khu vực, một số tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm. Điều này được nhiều người dân mong chờ vì hứa hẹn mang lại nhiều tiện lợi và cơ hội minh bạch.

Nhưng cũng có những băn khoăn bởi trước đó Hà Nội từng thí điểm trong đề án Iparking nhưng chết yểu.

Vậy, để triển khai thành công việc thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, cần chuẩn bị những gì? Cơ hội minh bạch ra sao khi phí giữ xe được kiểm soát bằng công nghệ? 

Đón nghe Diễn đàn 91, phát sóng trực tiếp lúc 12h30-13h30, thứ Năm (11/04/2024) trên tần số FM91 của Kênh VOV Giao thông Hà Nội và TP. HCM, vovgiaothong.vn với chủ đề: “Thu phí trông xe không dùng tiền mặt và cơ hội minh bạch”. 

Diễn đàn có sự tham gia của các vị khách mời: TS Nguyễn Văn Đáng, Chuyên gia về Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam


Kỳ vọng nhiều, băn khoăn cũng lắm

Đưa người nhà lên Bệnh viện Việt Đức khám bệnh, anh Bùi Duy Tùng, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng được một thanh niên dẫn ra Tháp Hà Nội gửi và phải trả phí đỗ xe 200 nghìn đồng cho hơn 6 giờ đỗ xe. Theo anh Tùng, nếu thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, mức phí trông giữ xe sẽ minh bạch hơn:

"Hôm nay bên môi giới người ta chuyển vào đây gửi, bảo là 25 nghìn đồng/1 tiếng, từ sáng đến bây giờ là em phải trả 200 nghìn. Tính đúng ra thì không đến 200 nghìn đâu nhưng mà nó là dịch vụ thì mình chấp nhận thôi. Tuy nhiên khi Thành phố có chính sách, đó là cái mong muốn, rất mong muốn của người dân rồi, tất nhiên nó sẽ minh bạch hơn rồi"

58

 

Tài xế xe công nghệ Nguyễn Văn Mạnh, (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng tình khi việc thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt được áp dụng: "Thay đổi tình trạng thu bằng tiền mặt sang hình thức không dùng tiền mặt thì nó rất minh bạch. Em nghĩ chuyển đổi sang hình thức mới thì nó sẽ rõ ràng hơn, vì bọn em chạy sử dụng ví ETC trừ tiền tự động quen rồi, chuyển sang hình thức này em nghĩ sẽ hạn chế được tình trạng lạm thu hoặc chặt chém"

Đa số người dân cũng mong chờ dịch vụ thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt vì hứa hẹn mang lại nhiều tiện lợi:

"Nếu thu theo kiểu đó nhà nước quản lý dễ hơn. Như ở bên đường thì em đỗ có 30 phút thôi họ cũng lấy 5 chục, cũng có hóa đơn đấy, nhưng hóa đơn chỉ viết 25 nghìn"

"Tiền mặt thì có thể mình trả thừa thiếu hoặc nhiều ít, nhưng có app thì nó cứ trừ thẳng thôi, minh bạch hơn, nó cụ thể hơn"

Theo Quyết định số 44/2017 của UBND TP. Hà Nội, giá trông giữ ô tô được quy định từ 10-30 nghìn đồng/lượt, tùy vị trí đường phố, nhưng thực tế, các bãi trông giữ xe đều thu từ 50 nghìn đồng/lượt, nếu để lâu có thể bị thu từ 100-200 nghìn đồng. Với xe máy, dù quy định chỉ từ 5.000/lượt ban ngày và 8.000/lượt ban đêm, song tại nhiều điểm, chẳng hạn cổng Bệnh viện Mắt Trung ương thường xuyên thu từ 15-20 nghìn đồng/lượt. Từ đó cho thấy sự chênh lệch và thất thoát ngân sách, tài sản công lớn đến mức nào.

Người dân đi xe máy, ô tô chưa biết cách thanh toán qua QR code sẽ được nhân viên ở bãi xe hướng dẫn cài đặt và sử dụng. (Ảnh: Chu Đức)

Người dân đi xe máy, ô tô chưa biết cách thanh toán qua QR code sẽ được nhân viên ở bãi xe hướng dẫn cài đặt và sử dụng. (Ảnh: Chu Đức)

Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thông tin, từ 15/4 tới, việc thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt sẽ được triển khai tại 8 điểm trông giữ xe trên các tuyến phố: Trần Quang Khải, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt; với xe máy sẽ thực hiện trên phố Bà Triệu, tại điểm trông xe trước Bệnh viện Mắt Trung ương.

Đối với bãi đỗ xe, có khuôn viên kín, TP. Hà Nội cho phép sử dụng công nghệ như trong thu phí tự động không dừng ETC tại các trạm thu phí. Đối với điểm đỗ lòng đường, nhân viên trông giữ xe sẽ sử dụng thiết bị đọc thẻ cầm tay, công nghệ nhận diện thẻ Etag định danh gắn trên phương tiện và công nghệ nhận dạng biển số từ ảnh chụp phương tiện:

"Thứ nhất là thuận tiện cho khách hàng, khi khách hàng đi ra, đi vào các điểm trông giữ thì nó sẽ được thanh toán tự động hoặc qua tài khoản. Thứ 2 là trên hệ thống máy móc tính tiền thì khách hàng sẽ không bị những trường hợp giá bị chặt chém, máy nó tính rồi, khách hàng sẽ phải trả đúng mức giá nhà nước quy định. Cái mong đợi nhất là công ty sẽ quản lý được lưu lượng xe ra vào tại các bến điểm, tại vì hệ thống máy móc sẽ ghi nhận lưu lượng xe ra vào điểm hàng ngày"

Mặc dù việc trông giữ xe không dùng tiền mặt sẽ tạo thuận lợi trong công tác quản lý điều hành, trông giữ phương tiện, tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn khi triển khai tại các điểm mở, việc thu phí vẫn phụ thuộc nhân viên thu phí:

"Với dân số trẻ thì em thấy nó sẽ phù hợp hơn, còn nếu những người già, ngoài 60 thì có lẽ sẽ hơi khó khăn cho người ta, tại vì người ta cũng sẽ khó cập nhật xu thế hơn"

"Cái này về mô hình quản lý cũng không rõ được là sau này sẽ thu kiểu gì, tiền nó về được nhà nước? Chắc bộ phận quản lý người ta sẽ có một bộ phận làm, giám sát về vấn đề đấy"

Giám sát để “không tiền mặt” không phát sinh tiêu cực

Đánh giá về việc trông giữ xe tại các đô thị, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thu phí thời gian qua rất mập mờ, thiếu minh bạch, đặc biệt những dịp lễ tết và tại các địa điểm tư nhân; hình thức chủ yếu bằng tiền mặt dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế.

Do vậy, việc thu phí không dùng tiền mặt sẽ hạn chế tình trạng “chặt chém”, giúp hoạt động này đi vào quy củ và nâng cao trách nhiệm của đơn vị trông giữ phương tiện.

Tài xế có 2 cách trả phí trông xe thông qua thanh toán không dừng thẻ VETC hoặc chuyển khoản QR Code. (Ảnh: Chu Đức)

Tài xế có 2 cách trả phí trông xe thông qua thanh toán không dừng thẻ VETC hoặc chuyển khoản QR Code. (Ảnh: Chu Đức)

Muốn vậy, theo ông Hiếu, cần đề cao yêu cầu: tuyệt đối không dùng tiền mặt, dù có thể cần nhiều thời gian để làm quen: "Có lẽ lúc đầu chúng ta sẽ gặp phải sự phản đối của khách hàng. Xe gắn máy chẳng hạn, số tiền rất là ít, ô tô số tiền nhiều hơn nhưng nhiều người vẫn có thói quen dùng tiền mặt.

Đó là chưa kể nhiều người không có phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng ta phải có quy định chung là không được phép trả bằng tiền mặt nữa. Nên có một chương trình thử nghiệm đã, chúng ta có thể rút kinh nghiệm, đâu đó khoảng một năm cho tất cả điểm trông giữ xe"

Cũng ủng hộ chủ trương mới của Thành phố nhưng chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh vào khâu tổ chức, quản lý và con người. Nếu không có biện pháp tổ chức khoa học, không quản lý tốt và người thực hiện không làm hết trách nhiệm thì đâu lại vào đấy:

"Chúng ta phải tổ chức lại vấn đề thu phí. Không nên để tình trạng lộn xộn như hiện nay, kể cả không tiền mặt thì cũng chưa chắc đã vào túi của nhà nước. Bây giờ thu tiền điện tử, đáng lẽ 10 đồng tôi nộp 8 đồng thôi, tôi giữ lại 2 đồng thì ai kiểm tra việc này?

Thành phố phải có bộ phận thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, tránh tình trạng lợi ích nhóm. Mỗi năm Thành phố thu được bao nhiêu tiền gửi xe máy, ô tô? Công khai ngân sách được bao nhiêu, lâu nay chuyện đó gần như không làm"

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA cho rằng, cần chú trọng thêm vào yếu tố công nghệ, bởi Hà Nội đã từng thử nghiệm ứng dụng iParking nhưng thất bại do phần mềm không thuận tiện. Đặc biệt, công nghệ cũng cần phát huy tác dụng trong việc giám sát thực hiện: 

"Quan trọng nhất là phải thuận tiện. Trước đây chúng ta làm không thuận tiện lắm, phải trải qua hết thao tác này đến thao tác kia. Thứ hai, giữa lái xe và người trông xe chẳng hạn, có thể thông đồng với nhau, không trả tiền qua phần mềm mà chỉ trả tiền mặt thôi, nhất là trong trường hợp mặt bằng rất thiếu nên nhu cầu gửi xe rất lớn. Phải có hệ thống theo dõi, kiểm tra, trước mắt là lắp hệ thống camera, đương nhiên người trông giữ xe sẽ phải có ý thức hơn khi biết mình được giám sát"

Cũng theo TS. Nguyễn Hữu Đức, một số nước phát triển đã đưa cơ chế thị trường vào việc trông giữ phương tiện từ lâu, việc thu phí hoàn toàn do tư nhân, giá cả và chất lượng dịch vụ quyết định sự tồn tại.

Trong tương lai, Việt Nam cũng nên phát triển theo hướng này, nhà nước có cơ chế thu hút nhà đầu tư xây dựng bãi trông giữ xe, ngăn chặn các bãi xe tự phát, tiến tới giải triệt để “bài toán” thiếu điểm đỗ xe và minh bạch quá trình thu phí.

Kênh VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Đã 1 tuần kể từ khi nút giao phố Minh Khai - Ngõ 349 Minh Khai - Lối vào Bệnh viện Vinmec Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tổ chức lại giao thông. Hiện tượng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm thành phố đã có sự chuyển biến khá tích cực.

Làm luật để “hoãn”

Làm luật để “hoãn”

Khi một quy định được ban hành nhưng không thể thực thi, chúng ta đều biết hậu quả sẽ là sự khinh nhờn luật lệ. Vì thế, việc đưa ra nhiều quy định pháp luật mà không tính toán được khả năng thực thi, chính là cách để làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

TP.HCM: Mong thoát cảnh kẹt xe khi Quốc lộ 13 được đầu tư 20.000 tỷ

TP.HCM: Mong thoát cảnh kẹt xe khi Quốc lộ 13 được đầu tư 20.000 tỷ

Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.HCM chỉ dài gần 6km nhưng suốt hai thập kỷ qua chưa thể mở rộng, trong khi đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai thi công mở rộng lên 6 - 8 làn xe.

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, nhưng số lượng người khuyết tật trực tiếp tham gia giao thông nói chung và xe buýt nói riêng rất thấp, đặc biệt là những người khuyết tật vận động. Vậy đâu là lí do khiến người khuyết tật ngại hòa nhập cộng đồng?

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

Lửa kèm khói bốc lên từ 1 quán bar trên đường Lý Tự Trọng cách chợ Bến Thành không xa…

Mong chờ một diện mạo mới của du lịch đường sông

Mong chờ một diện mạo mới của du lịch đường sông

Du lịch đường sông đang nổi lên như một loại hình dịch vụ quan trọng của ngành du lịch ĐBSCL khi vùng sở hữu thế mạnh sông nước với 28.000 km đường thủy. Mới đây nhất, cú bắt tay giữa TP.HCM và ĐBSCL đã “phác họa” được 22 tuyến và 4 trung tâm trung chuyển hành khách để phát triển ngành du lịch.

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Khi nắng phương Nam rọi ấm các cánh đồng Đông Xuân sớm cũng là lúc mùa gặt chớm đến trên đồng. Hình ảnh mái nhà tranh nép mình bên ụ rơm vàng hực, tụi trẻ chơi trò ú tim dưới gốc rơm mềm đã trở thành biểu tượng của một đồng quê yên ả, thanh bình.