Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Bạo lực giao thông, vì sao vẫn phức tạp?

Kênh VOV Giao thông: Thứ năm 14/03/2024, 10:33 (GMT+7)

Đưa bạn gái đi chơi ngày lễ tình nhân vừa qua, thanh niên ở quận Bình Tân, TPHCM dùng hung khí đâm chết một người đàn ông sau va quẹt giao thông.

Cách đây một tuần, tài xế taxi G7 tử vong do chấn thương sọ não bởi ẩu đả sau va chạm trên phố Tô Ngọc Vân, Hà Nội.

Cũng từ mâu thuẫn trong tình huống giao thông,  tuần trước, 18 thanh thiếu niên cầm hung khí tấn công nhau ở ngã tư Lò Đúc - Phạm Đình Hổ tới khi gục ngã.

Bạo lực giao thông, vì sao vẫn có diễn biến phức tạp, cướp đi mạng sống con người? Làm gì để ngăn chặn tình trạng đáng báo động này? 

Cùng VOV Giao thông bàn luận trong chương trình Diễn đàn 91, phát sóng lúc 12h30, thứ năm, ngày 14/03/2024, trực tiếp trên FM91 và vovgiaothong.vn. “Bạo lực giao thông, vì sao vẫn phức tạp?" 

Cùng sự tham gia của các vị khách mời Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia và PGS. TS. Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đừng quên chia sẻ ý kiến của bạn với chủ đề này qua hotline: 02437.919191 hoặc qua Fanpage Facebook VOV giao thông.


Cái đầu “nóng” và hậu quả “lạnh” người

“Một điều nhịn, chín điều lành” - là phương châm làm việc của anh Nguyễn Văn Thức, tài xế taxi ở Hoài Đức, Hà Nội. Gần hai mươi năm trong nghề, chạm mặt vô số vụ xô xát sau va chạm giao thông, anh Thức hiểu rõ sự cần thiết của việc nhường nhịn:

"Lái xe áp lực lắm, toàn dân xã hội, chẳng có gì có khi đã nhảy xuống đánh nhau ngay. Bây giờ đỡ hơn nhiều, văn hóa cao lên thì những trường hợp như vậy cũng ít đi, nhưng mà vẫn còn. Bọn anh đi làm, có va chạm thì xuống giải quyết, nói chuyện đơn giản".

Hai thanh niên tạt đầu ô tô và hành hung người khác trên đường Vành đai 2 vào ngày 25/2. (Ảnh cắt từ clip)

Hai thanh niên tạt đầu ô tô và hành hung người khác trên đường Vành đai 2 vào ngày 25/2. (Ảnh cắt từ clip)

Tuy nhiên, việc tưởng chừng đơn giản ấy lại không dễ với nhiều người, nhất là nhóm đối tượng có bản tính hung hăng, côn đồ, thiếu hiểu biết pháp luật. Ngày 4/3/2024, tại Tây Hồ, Hà Nội, một tài xế taxi tử vong sau xô xát với người đi xe máy chỉ vì mâu thuẫn khi tham gia giao thông.

Cũng với lý do tương tự, tháng 2 vừa qua, một người đàn ông ở Bình Tân, TP.HCM và một nam thanh niên ở Huế bị đâm chết trong ẩu đả. Hay vụ việc khiến cộng đồng mạng dậy sóng ngày 25/2, hai người đàn ông đi xe máy lên đường Vành đai 2 trên cao, Hà Nội, tạt đầu xe rồi đánh nhau với người trên một chiếc ô tô.

Các đối tượng phạm tội đang được xử lý, nhưng sự xuất hiện liên tiếp những vụ việc bạo lực giao thông khiến người dân lo ngại:

"Tần suất xảy ra quá dày đặc, chủ yếu là do ý thức, hai là khả năng sử dụng chất kích thích".

"Anh muốn vượt xe, nhiều khi nháy đèn một cái là đi qua người ta chửi, như người khác đỗ lại vùng vằng là đánh nhau ngay".

"Đường sá đông, đi lại ức chế, dễ va chạm. Tăng cường camera phạt nguội để xử lý cho bớt các tình huống như thế".

"Giới tính nam thường nóng nảy hơn, có khi ở nhà vừa cãi nhau với vợ hoặc bị sếp mắng, đối xử bất công thì ra ngoài đường người ta cảm thấy phẫn nộ, hùng hổ đánh nhau, mình tức thì mất mạng, vợ con mình khổ. Về lâu dài, phải đào tạo ý thức con người ngay từ khi còn nhỏ ở trong trường học".

TS. Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm đánh giá, áp lực với người tham gia giao thông tại Việt Nam khá lớn khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thường xuyên ùn tắc, ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn kém, dễ xảy ra tai nạn, thiếu kỹ năng xử lý dẫn đến ẩu đả: "Và mặt khác cũng có những hành vi gọi là “ám thị xã hội”. Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều đoạn video về cách hành xử của những người vi phạm giao thông và có rất nhiều người kích động hành vi bạo lực. Khi xảy ra va chạm giao thông, lập tức trong đầu họ sẽ hiện lên những hình ảnh họ đã từng xem trước đây, từ đó dẫn đến những hành vi quá khích".

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số vụ xô xát sau va chạm giao thông và hậu quả, song sau những vụ việc nghiêm trọng liên tiếp gần đây, các cơ quan quản lý cần có cách nhìn khác vấn đề bạo lực giao thông. 

Tăng cường giáo dục và xử phạt để ngăn thói côn đồ

Theo PGS. TS. Nguyễn Hồi Loan, nguyên Trưởng Khoa Tâm lý, xã hội học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Việt Nam là một trong số ít quốc gia xuất hiện nhiều bạo lực sau va chạm giao thông. Người tham gia giao thông gồm rất nhiều thành phần trong xã hội, không ít người giữ thói quen đi lại tùy tiện cùng tâm lý “tiểu nông”, được mất, hơn thua:

"Không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, phải trải qua quá trình tuyên truyền quyết liệt, liên tục và lâu dài, đặc biệt là trẻ nhỏ từ các trường phổ thông. Việc truyền thông phải đảm bảo ở các khu dân cư, để người ta thấy được hậu quả, nó cảnh tỉnh cho người tham gia giao thông rất tốt. Chúng ta cũng phải nghiêm minh trong vấn đề thực thi công vụ, đánh thẳng vào lợi ích của người tham gia giao thông để họ phải tuân thủ".

Thanh niên sau khi va chạm giao thông đã dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe hôm 13/3 tại TP Vinh, Nghệ An - Ảnh chụp lại từ video

Thanh niên sau khi va chạm giao thông đã dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính xe hôm 13/3 tại TP Vinh, Nghệ An - Ảnh chụp lại từ video

Đồng tình với việc đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tăng cường công tác đào tạo, sát hạch lái xe, học thực chất, thi thực chất, trong đó chú trọng văn hóa giao thông cũng là một giải pháp giáo dục quan trọng:

"Chúng ta phải hoàn thiện chương trình đào tạo, đơn giản mà hiệu quả. Giảng bài cho học viên những cái họ cần để có một lái xe trình độ chuyên môn giỏi và có ứng xử tốt, chứ không phải dạy cho họ có bao nhiêu loại ô tô, cấu tạo ô tô như thế nào,… nó mất thời gian. Tăng cường công tác đào tạo là phải đào tạo thực tế, đầu tư nhiều vào lĩnh vực tuyên truyền, về trí tuệ và kinh phí".

Kỹ năng xử lý tình huống và quản lý cảm xúc cũng cần được đẩy mạnh trong các nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội có nhiều nội dung xấu độc chưa được kiểm soát như hiện nay, theo quan điểm của TS. Bùi Hồng Quân, Trường đại học Sư phạm TP.HCM:

"Mạng xã hội có tác động đến xu hướng hành vi của con người, tất nhiên tác động thế nào phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Vai trò của cơ quan chức năng trong việc quản lý mạng xã hội là điều mà chúng ta đã, đang và sẽ phải tiếp tục đề cập. Bởi vì khi chúng ta có mạng xã hội thực sự văn minh, lành mạnh thì cũng góp phần tác động một cách tích cực đến hành vi ứng xử của con người nói chung và hành vi tham gia giao thông nói riêng".

Bên cạnh giải pháp từ cơ quan quản lý, TS. Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người tham gia giao thông: "Khi xảy ra va chạm giao thông, nói chuyện phải văn minh, không được nói tục, chửi thề; bình tĩnh, trấn tĩnh họ lại. Đó là trường hợp người ta tiếp thu, còn với trường hợp côn đồ, hung hãn thì cũng phải có những kỹ năng đảm bảo an toàn cho mình.

Chẳng hạn chúng ta biết giữ khoảng cách, thậm chí, khi họ có hành vi quá khích thì chúng ta phải chạy thoát thân, ví dụ chạy vòng quanh xe ô tô, chạy vào chỗ đông người. Bên cạnh đó, những người tham gia giao thông chứng kiến vụ việc cũng có vai trò rất quan trọng, không nên đổ thêm dầu vào lừa, có cách giảng hòa giữa hai bên chờ lực lượng chức năng đến xử lý, hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết" 

Kênh VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

Cách để vẫn đạp xe đi làm mùa bụi mịn, mưa phùn

“Những người mộng mơ”, hay “những người dùng thời gian một cách xa xỉ”, đó là lời tự bạch của những người có thói quen đạp xe đi làm, đạp xe đến trường – Một cộng đồng có khoảng 13 nghìn thành viên trên Facebook.

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Đề xuất bỏ ngạch công chức, đánh giá bằng vị trí việc làm: Cần nghiên cứu thận trọng

Theo dự thảo sửa đổi Luật cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế quản lý cán bộ, công chức sẽ được đổi mới theo vị trí việc làm, lấy đó là cơ sở để tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Cần sớm có mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp

Phương tiện đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Số lượng các xe đưa đón học sinh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng công tác quản lý còn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

VOV Giao thông giành giải nhất 'Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024'

VOV Giao thông giành giải nhất "Báo chí tuyên truyền về ATGT năm 2024"

 Loạt phóng sự "Để quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em đi vào cuộc sống" của nhóm phóng viên VOV Giao thông đoạt giải nhất ở thể loại báo nói.

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ, nơi lưu giữ nét Tràng An

Ngõ Cầu Gỗ - là một con ngõ ngắn nằm giữa phố Cầu Gỗ, nối với phố Gia Ngư. Vốn trước kia nằm trong cùng một phố chợ Hàng Bè quen thuộc của người Hà Nội - phố cổ. Trước đây chợ Hàng Bè nằm "chiếm" hoàn toàn hoặc một phần lòng đường của các con phố Hàng Bè, Gia Ngư, Ngõ Cầu Gỗ...

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

TP.HCM: Bức xúc với nạn đổ trộm rác trên đường Chu Văn An

Thời gian qua, đường dây nóng Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tuyến đường Chu Văn An, đoạn từ Học viện Cán bộ TP.HCM đến ngã 5 Bình Hòa, liên tục bị đổ trộm rác thải, xà bần dù chính quyền đã căng dây cảnh báo xử phạt.

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Sức ép chưa tới, doanh nghiệp Việt chưa thực sự sẵn sàng chuyển đổi xanh

Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, số doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát thải trong năm 2024 lên hơn 2.100 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.