Vì sao coi giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Luật Nhà giáo. Đáng chú ý, tại dự thảo Luật này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xếp giáo viên mầm non là công việc nặng nhọc và có thể nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi.

 

TIỀN LƯƠNG CẦN ĐƯỢC XẾP CAO NHẤT

Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, có 9 chương, 71 Điều, gồm: những quy định chung; Hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; Chức danh, chuẩn nhà giáo và chứng chỉ hành nghề và Điều khoản thi hành.   

Cụ thể, về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo quy định: đây văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định. Chứng chỉ hành nghề có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục và và dự kiến sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Về thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, tại dự thảo Luật này, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành.

Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Đặc biệt, trên cơ sở đối chiếu, phân tích đặc điểm công việc của giáo viên mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng quyền lợi, như phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn...

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo quy định, giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến. Dự kiến dự luật sẽ tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 năm nay.

Giáo viên mầm non là công việc nặng nhọc và có thể nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi (ảnh nh họa: Q.H)

ÁP LỰC LỚN, VẬN ĐỘNG NHIỀU

Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất quy định coi giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc? PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị chủ trì soạn thảo Luật:

PV: Tại dự thảo luật có quy định là giáo viên mầm non là một công việc nặng nhọc. Xin ông cho biết vì sao Ban soạn thảo lại đưa ra đề xuất này?

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục ( Bộ Giáo dục và Đào tạo)

TS Vũ Minh Đức: Giáo viên mầm non là một nhóm giáo viên rất đặc thù. Thứ nhất là họ phải làm việc thời gian rất dài.

Thông thường thì các bậc phụ huynh thường gửi con từ khoảng 7h sáng và đón con rất muộn và luôn luôn các cô giáo phải có mặt trong lớp học của mình để quản lý. Theo định mức hiện nay thì một lớp có khoảng 25 cháu thì có khoảng 2 giáo viên phụ trách, thì đây là một khối lượng làm việc rất lớn.

Thứ hai là đối với giáo viên mầm non thì có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Như vậy thì công việc của các cô rất là phức tạp, vừa chăm sóc, vừa đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nuôi dưỡng các cháu, rồi dạy các cháu làm quen cũng như các nề nếp để chuẩn bị vào lớp một.

Công việc như vậy cũng rất là phức tạp, mà ở nhà nếu chỉ chăm sóc 2 cháu, chúng ta cũng thấy rất là vất vả rồi, mà đây ở trường, ở lớp với số lượng đông như vậy, áp lực về mặt tâm lý để đảm bảo an toàn cho trẻ cũng là một áp lực rất lớn đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

Bên cạnh đấy là những áp lực khác, ví dụ như tiếng ồn, các hoạt động khác, về thời giờ nghỉ ngơi cho các cô giáo mầm non cũng hạn chế. 

Thứ ba là đối với giáo viên mầm non thì vận động rất lớn, vừa quản lý, chăm sóc, phục vụ cho các cháu, đồng thời là các cô phải dạy múa dạy hát để cho các cháu để làm quen với môi trường học tập.

Cho nên, chúng tôi cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nghiên cứu kỹ đặc điểm làm việc của đội ngũ nhà giáo mầm non, có thể xếp vào nhóm 4, là nhóm nặng nhọc trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

PV: Cùng với việc đề xuất đưa giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc thì Ban soạn thảo có đề xuất những chính sách, chế độ đãi ngộ nào cho tương xứng với mức độ lao động đó?

TS Vũ Minh Đức: Đối với giáo viên mầm non thì chúng tôi có dự kiến có một số chính sách, thứ nhất về tuổi nghỉ hưu.

Chúng tôi mong muốn là đối với giáo viên mầm non thì được phép nghỉ hưu sớm 5 năm so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật lao động, để cho nhà giáo mầm non có thể đáp ứng được, phù hợp với đặc điểm làm việc cũng như sức khỏe giáo viên mầm non. Thứ hai là cùng với việc ban hành luật như vậy thì những văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó có chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non thì nghiên cứu để cho giáo viên mầm non được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nó phù hợp và cao hơn so với các bậc học khác, giúp cho giáo viên mầm non đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cũng như động viên họ, giữ chân họ gắn bó với nghề.

PV: Việc quy định giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi sẽ giúp ích gì cho những giáo viên mầm non?

TS Vũ Minh Đức: Việc quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non được sớm 5 năm, thứ nhất đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của đội ngũ giáo viên mầm non. Chúng tôi cũng có khảo sát cho thấy khoảng 96% giáo viên mầm non mong muốn được nghỉ hưu ở độ tuổi 55.

Thứ hai là việc nghiên cứu như vậy cùng với các cơ sở khoa học khác thì khẳng định việc giáo viên nghỉ hưu ở tuổi 55 là đáp ứng được, phù hợp với sức khỏe và điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên mầm non, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động thì cũng đảm bảo chất lượng giáo dục, vì các cô ở độ tuổi 55 trở lên thì kỹ năng, rồi múa hát, dạy dỗ các cháu phần nào bị hạn chế. Cái cuối cùng, rất quan trọng là đảm bảo an toàn cho trẻ, vì khi các cô ở độ tuổi cao như vậy thì việc vận động theo các cháu cũng khó khăn, thậm chí nhìn thấy cháu ngã, nhưng không thể kịp phản ứng để đỡ các cháu.

Như vậy có thể gây mất an toàn đối với trẻ, thì chúng tôi mong muốn ngoài chuyện đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo thì chính là đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ.

PV: Xin cảm ơn ông!

NÊN CÓ CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN HƠN

Việc coi giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc, nếu trở thành hiện thực sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOVGT đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Trần Văn Thức, Ủy viên Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Nhà giáo là việc coi giáo dục mầm non là lao động nặng nhọc. Ông có ý kiến gì về quy định này?

Ông Trần Văn Thức: Tôi rất tán thành với nội dung này. Trong nghề dạy học thì bậc nào cũng quan trọng, cũng khó khăn, vất vả nhưng bậc mầm non là vất vả hơn cả.

Bởi vì đối với bậc học này, ngoài việc dạy học, thì còn phải chăm sóc, nuôi dưỡng, vừa làm công việc của thầy cô giáo, lại vừa làm công việc của phụ huynh, và rất vất vả, đi sớm về muộn, chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu, dạy dỗ các cháu.

Đó quả là một công việc vất vả, nặng nhọc và nội dung đưa giáo viên mầm non trở thành nghề lao động nặng nhọc là rất cần thiết, rất phù hợp.

PV: Theo ông, cần bổ sung những quy định gì để có thể bảo vệ quyền lợi của đội ngũ giáo viên mầm non trên cả nước? 

Ông Trần Văn Thức: Theo tôi, đối với giáo viên mầm non thì Nhà nước nên có chính sách quan tâm ưu tiên hơn so với đội ngũ giáo viên, về lương bổng này, rồi các chế độ phúc lợi, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.

Tôi cho rằng đối với giáo viên mầm non, thời gian lao động dài hơn, đi sớm về muộn. Thứ hai nữa là quản lý, dạy dỗ là khó khăn vất vả hơn và phải tập trung thời gian đến trường; thời gian giải lao nghỉ ngơi là hầu như không có.

PV: Ban soạn thảo cũng đề xuất là giáo viên mầm non khi tới 55 tuổi thì có thể nghỉ hưu. Theo ông, quy định này có phù hợp hay không?

Ông Trần Văn Thức: Theo tôi đối với giáo viên mầm non đến 55 tuổi về hưu là xác đáng, bởi mấy lẽ: Đối với giáo viên mầm non, ngoài việc truyền đạt kiến thức, thì nó còn có những năng khiếu về âm nhạc, về mỹ thuật, hội họa, tổ chức sự kiện… Đến tuổi từ 55 tuổi trở lên, các kỹ năng đó sẽ không còn linh hoạt nữa.

Thứ hai nữa là các cháu mầm non thì lứa tuổi còn đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi chơi, tuổi nghịch, đòi hỏi phải kết hợp với độ tuổi trẻ trung, sung mãn thì nó phù hợp. Do đó chúng tôi thấy là dự kiến nội dung của Luật Nhà giáo trình đối với giáo viên mầm non nghỉ hưu năm 55 tuổi là hoàn toàn xác đáng.

PV: Nếu Dự thảo Luật của Nhà giáo được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Ông Trần Văn Thức: Tác động rất lớn. Bởi vì đội ngũ nhà giáo cả nước là đến hàng triệu con người.

Nếu luật làm rõ được trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của nhà giáo và có cơ sở pháp lý để thực thi thì rõ ràng là rất thuận lợi cho ngành giáo dục, cho đội ngũ các nhà giáo trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.

PV: Xin cảm ơn ông. 

Giáo viên mầm non vừa nuôi dạy vừa đảm bảo tất cả các trẻ đều phải phát triển, tập trung chú ý, chăm sóc từng cháu nên rất áp lực (thanhnien)

Theo kết quả nghiên cứu về hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên mầm non do Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động VN) thực hiện mới đây, giáo viên mầm non phải làm việc trung bình 10h/ngày; Điều kiện làm việc tương đương với nghề nặng nhọc, độc hại, do phải chịu tiếng ồn, căng thẳng, mệt mỏi, yêu cầu trách nhiệm cao...

Bởi vậy, Luật Nhà giáo sửa đổi đã đề xuất coi giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc, độc hại, để từ đó đề xuất các chính sách đãi ngộ phù hợp.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 024.37.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

--

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.