Vi phạm nồng độ cồn giảm sâu, không vì thế mà chủ quan

Thời gian gần đây, nhiều chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn ghi nhận số trường hợp vi phạm đã giảm hẳn, thậm chí có chốt không phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự giảm này mới chỉ là tạm thời do lực lượng chức năng kiểm tra xử lý thường xuyên.

Trưa ngày 25/4, có mặt chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn tại bùng binh Trần Thái Tông - Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy có thể thấy, dưới thời tiết nắng nóng nhưng các phương tiện đều chấp hành dừng xe, thực hiện theo hướng dẫn của Tổ công tác Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an Hà Nội.

Xung quanh khu vực này là các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán ăn nhưng sau hơn một giờ đồng hồ làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng mới phát hiện trường hợp một người đàn ông điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn 

Người vi phạm cho biết, do chủ quan nên vẫn lái xe sau khi sử dụng rượu bia vào buổi sáng: "Tôi nghĩ là uống có ít, uống khi ngồi ăn sáng với anh em từ buổi sáng đến giờ là hơn 1h chiều thì chắc là nồng độ cồn không còn nên tôi chủ quan vì nhà gần đây"

Trong 2 giờ đồng hồ, ca trực của Đội CSGT số 6 đã dừng hơn 300 lượt phương tiện nhưng chỉ phát hiện và tạm giữ phương tiện 2 trường hợp xe máy vi phạm nồng độ cồn.

Đại úy Hà Anh Tuấn, cán bộ cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết, đơn vị thường xuyên tăng cường lực lượng, thay đổi địa điểm, khung giờ linh hoạt, nhằm kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý những trường hợp đã uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Quá trình kiểm tra nồng độ cồn diễn ra nhanh chóng, đảm bảo quy trình, không ảnh hưởng đến lộ trình của lái xe. Qua thực tế kiểm tra xử lý cho thấy, các trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đã giảm đáng kể.

"Trong quá trình tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn trên địa bàn trong một ca tại một địa điểm thì chúng tôi dừng kiểm tra khoảng 200-300 phương tiện mới phát hiện khoảng 3-4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tôi nhận thấy, các trường hợp vi phạm đã tương đối giảm, xe ô tô đã có ý thức uống rượu bia thì không lái xe, còn một số xe mô tô vẫn sử dụng rượu bia thì chúng tôi kiên quyết xử lý", Đại úy Hà Anh Tuấn cho biết.

Không chỉ trên địa bàn Đội CSGT số 6, tại nhiều chốt kiểm tra nồng độ cồn của Công an TP Hà Nội, lực lượng tuần tra đã dừng hàng trăm lượt xe ô tô nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm. Điều này cho thấy ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông đã được nâng cao.

Từ đầu năm 2024 đến nay, vi phạm nồng độ cồn đã giảm hẳn. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn được làm rất mạnh tay

Trao đổi với phóng viên tại chốt kiểm soát, Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, vi phạm nồng độ cồn đã giảm hẳn. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn được Đội CSGT số 6 làm rất mạnh tay, việc xử lý “ma men” sẽ diễn ra xuyên suốt, không có ngày nghỉ: "Đội CSGT số 6 thường xuyên bố trí các tổ tuần tra, kiểm soát với phương thức thay đổi linh hoạt về thời gian và địa điểm để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm nồng độ cồn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết thêm, từ nay đến hết dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Công an Thành phố sẽ chủ động bố trí lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, nhằm hình thành thói quen văn hoá "đã uống rượu bia không lái xe".

Từ nay đến hết dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Công an Thành phố Hà Nội sẽ chủ động bố trí lực lượng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia đánh giá, sau quá trình thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý vi phạm nồng độ cồn đã góp phần làm giảm các trường hợp vi phạm, ý thức của người dân dần được nâng cao. Đây là tín hiệu tích cực góp phần nâng cao an toàn giao thông. Tuy nhiên, nếu xét trên tính nguy hại của việc điều khiển phương tiện khi có sử dụng rượu bia thì đây vẫn là hành vi cần siết chặt để kiểm tra, kiểm soát:

"Chúng ta không chủ quan vì việc này diễn biến hàng ngày, hàng giờ, nếu chúng ta không tập trung xử lý thì vi phạm này có thể diễn biến trở lại. Do đó, Bộ Công an đã xác định đây là hành vi vi phạm cần phải kiểm soát thường xuyên liên tục, kiên trì. Điều này sẽ giúp tình hình TTATGT sẽ tốt hơn và sau khi chúng ta thực hiện liên tục, làm dài hơn thì sẽ tạo ý thức tự giác của người dân cao hơn. Theo tôi, các đơn vị cần tiếp tục làm việc kiểm soát nồng độ cồn trong thời gian tới".