Vi phạm dọc đường Lê Văn Lương - Tố Hữu: Xử lý sao cho nghiêm mà không thiệt người mua nhà?

Hàng loạt dự án trên tuyến đường Lê Văn Lương- Tố Hữu đã vi phạm về mật độ sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao tối đa, theo kết quả Thanh tra của Bộ Xây Dựng.

Đáng chú ý, dự án Diamond Flower Tower đã được điều chỉnh tầng cao tối đa từ 6 tầng lên 39 tầng, dân số tăng thêm hơn 900 người. Vậy, nên xử lý như thế nào đối với những công trình này?

Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Những dự án vi phạm nghiêm trọng về tầng cao, chức năng, mật độ xây dựng, thành phố sẽ phải xử lý như thế nào để vừa đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật vừa đảm bảo quyền lợi của người mua nhà?

GS. Đặng Hùng Võ: Chúng ta vẫn trên tinh thần phải sửa chữa, phải khắc phục triệt để các sai phạm đã xảy ra. Nhưng nếu các sai phạm xảy ra đó ở những nơi đã được bán cho cư dân, việc bán đó hoàn toàn phù hợp pháp luật thì chúng ta phải thừa nhận.

Bởi vì điều này không chỉ động đến lợi ích của nhà đầu tư mà còn động đến lợi ích của người mua, người có căn hộ tại đấy thì việc chúng ta yêu cầu thực hiện triệt để cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã mua, nếu họ đã mua đúng pháp luật.

Những trường hợp ý thì chúng ta có thể đồng ý để lại. Nhưng đối với không gian sai phạm chưa được bán cho ai thì chắc chắn các chủ đầu tư phải thực hiện. Chúng ta phải xử lý một cách triệt để.

PV: Để đảm bảo sự công bằng trong việc xử lý các dự án vi phạm và ngăn chặn sự tái diễn, theo ông cần phải làm gì trong thời gian tới?

GS. Đặng Hùng Võ: Cái đó hoàn toàn do quyết định của cơ quan Nhà nước. Chúng ta phải tổng kiểm tra tất cả các dự án trên địa bàn Hà Nội, có bao nhiêu dự án sai phạm để chúng ta giải quyết một lần, tất cả các công trình đó chứ không chỉ có nút Tố Hữu- Lê Văn Lương.

Sau đó cơ quan Nhà nước dựa vào tình trạng bán rồi hay chưa bán sai phạm ở mức nào, cái gì bán rồi nhưng vẫn phải sửa chữa.

Sau khi chúng ta tổng kiểm tra đó, thì cơ quan Nhà nước, mà cụ thể là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải đưa ra quyết định, xử lý đối với từng dự án .

Tất nhiên trên mặt bằng xử lý tất cả các dự án đối với từng cái một thì chắc chắn chúng ta phải tính tới chuyện lợi ích của ai, như thế nào và phương án xử lý. Theo tôi phải đưa ra trưng cầu lấy ý kiến người dân tại Hà Nội

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải sửa đổi lại pháp luật, để sao cho không xảy ra các trạng thái vi phạm. Và khi xảy ra vi phạm rồi chúng ta lại được quyền bán cái đó ra thị trường. Tôi cho rằng chúng ta cần phải hoàn chỉnh pháp luật ngay lập tức.

PV: Xin cảm ơn ông!