Văn hóa giao thông: Xây dựng và thực thi pháp luật phải nghiêm!

VOVGT - Sau 5 năm thực hiện tiêu chí "văn hóa giao thông đường bộ", thói quen chấp hành các quy định của pháp luật trật tự ATGT về cơ bản đã được nâng lên.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau 5 năm thực hiện tiêu chí "văn hóa giao thông đường bộ", thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông về cơ bản đã được nâng lên.

Tuy nhiên ý thức chấp hành của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, đặc biệt là hạn chế về ý thức đạo đức, nghề nghiệp của một bộ phận chủ phương tiện, lái xe trong hoạt động kinh doanh vận tải nên đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Việt Cường, Phóng viên VOV phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vấn đề này:

Ông Khuất Việt Hùng Ảnh: VietQ

PV: Sau 5 năm thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên kết quả đạt được chưa được như mong muốn, vậy nguyên nhân do đâu thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Trong quá trình chúng ta xây dựng văn hóa giao thông, mặc dù chúng ta có những kết quả nhưng chúng ta cũng phải khẳng định rằng, văn hóa giao thông không đứng ngoài cái phông văn hóa chung của xã hội. Những người mà người ta có văn hóa nói chung thì khi tham gia giao thông người ta cũng có văn hóa; những người mà thiếu văn hóa không chỉ thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, mà chúng ta thấy họ cũng thiếu văn hoá ngay trong ứng xử, trong đời sống sinh hoạt gia đình, trong cộng đồng, trong cơ quan, trong nhà trường.

Vì vậy việc xây dựng văn hóa giao thông nói riêng phải nằm trong cả tổng thể chung của xây dựng văn hóa xã hội. Và rõ ràng chúng ta luôn luôn nói rằng, công tác mà tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, và chúng ta không thể buông lơi ở bất kỳ khâu nào được. Chúng ta không chỉ là xây dựng văn hóa cho người tham gia giao thông, mà chúng ta còn xây dựng văn hóa kể cả cho những người làm quản lý nhà nước, cho những người thực thi pháp luật, những người quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Thế thì văn hóa ấy chúng ta phải xây dựng ở tất cả các khâu, ở tất cả các mặt và trong những tổ chức, và đặc biệt ở đây là những tổ chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải, và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông.

PV: Vậy chúng ta cần phải có những giải pháp gì để đưa văn hóa giao thông đi vào cuộc sống thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Chúng tôi sẽ xác định những nội dung trọng tâm và có lẽ trọng tâm hơn cả đấy là xây dựng văn hóa an toàn giao thông trong các tổ chức. Chúng ta vẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa giao thông cho toàn dân, những chúng ta hãy chọn những tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, những doanh nghiệp vận tải, những doanh nghiệp quản lý khai thác hạ tầng, những đội tuần tra kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, những đội thanh tra giao thông, những trung tâm đăng kiểm, phương tiện … những nơi đấy sẽ trở thành những hạt nhân về xây dựng văn hóa giao thông. Ngay cả trong cơ quan chính quyền, Ủy ban nhân dân cấp phường, cấp xã, và cả lực lượng vũ trang …

Vì vậy, trước khi chúng ta muốn xây dựng được văn hóa an toàn trong tổ chức rồi thì đấy sẽ trở thành cả phong trào rộng lớn, để chúng ta có thể xây dựng văn hóa giao thông. Có một điểm mà chúng tôi rất tâm đắc với các chuyên gia, đặc biệt là những đơn vị tương đối thành công trong an toàn giao thông, là chúng ta phải xây dựng văn hóa chính trực, trong quá trình thực hiện văn hóa giao thông, việc làm cho mọi người thấy là tự giác, chủ động trong những việc phát hiện những cái còn hạn chế, trong an toàn giao thông để chúng ta khắc phục. Tôi cho rằng đấy là một cái điểm mới trong quá trình xây dựng văn hóa giao thông.

PV: Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức cho người dân theo ông chúng ta cần áp dụng thêm biện pháp mạnh nào không ạ?

Ông Khuất Việt Hùng: Đương nhiên, trong quá trình xây dựng văn hóa giao thông thì tuyên truyền và vận động luôn luôn là một mặt, mặt khác chúng ta vẫn phải xử lý, xử phạt khi chúng ta dùng xử phạt để mà tuyên truyền. Nhưng ở đây chúng ta phải xác định là chúng ta luôn luôn phải đảm bảo sự cân bằng, một mặt là chúng ta cố gắng làm sao giúp cho nhận thức, hiểu biết về phá luật, về giá trị của an toàn trong tất cả mọi người, tất cả mọi tổ chức được nâng lên.

Mặt khác chúng ta sử dụng chế tài sử phạt như một thông điệp để gửi đến tất cả mọi người rằng, nếu người ta đã biết luật pháp, biết quy định về an toàn giao thông rồi, nhưng người ta cố tình vi phạm thì sẽ bị xử phạt, thì đấy là quá trình chúng ta xây dựng văn hóa giao thông.

Vâng! Xin cảm ơn ông