Ủng hộ bỏ ghi hình CSGT, nhưng mong có kiểm soát chéo

Từ 15/11 tới, người dân sẽ không được phép ghi âm, ghi hình CSGT khi đang làm việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đây là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 46/2024 vừa được Bộ Công an ban hành.

Cơ sở của quy định là có nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Từ 15/11, không còn hình thức giám sát công tác đảm bảo trật tự ATGT bằng ghi âm, ghi hình.

Anh Trịnh Văn Ngọc, tài xế chuyên nghiệp ở nội thành Hà Nội cho biết, đã đọc rất kỹ quy định mới. Theo anh, việc bãi bỏ quyền giám sát ghi âm, ghi hình CSGT không ảnh hưởng quá nhiều tới việc lưu thông và giao tiếp với lực lượng chức năng trên đường.

Bởi ngoài hình thức đó, các hình thức giám sát hiện hành vẫn được áp dụng: Thông qua quan sát trực tiếp; tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Anh Trịnh Văn Ngọc cho biết: “Quá bức xúc về vấn đề gì đó thì mình mới quay thôi. Còn lỗi nhỏ mà mình sai thì mình vẫn cầm camera các thứ cứ quay thì ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người tham gia giao thông, và cũng ảnh hưởng tới công an, bên cảnh sát giao thông”.

Anh Trịnh Văn Ngọc, tài xế ở Hà Nội, cho rằng việc có hay không ghi hình không quá ảnh hưởng. Quan trọng là mọi người chấp hành đúng quy định về giao thông đường bộ

Anh Ngọc cũng bày tỏ, tình huống phân vân, băn khoăn chỉ xảy ra với những lỗi vi phạm mập mờ, chưa rõ ràng. Khi đó, anh mong lực lượng chức năng đưa ra dẫn chứng vi phạm thuyết phục, để người được cho là vi phạm “tâm phục khẩu phục”.

Anh nêu một ví dụ phổ biến trên đường mà tài xế dễ bị dừng xe: “Có biển phân làn rõ ràng, mình sai thì chấp nhận. Nhưng nếu không có biển, mình đi vào vạch chỉ rẽ, nhưng mình đi thẳng ấy. Nếu các anh bắt, mình sai nhưng phải báo đúng lỗi. Ví dụ không tuân thủ vạch chỉ dẫn dưới đường là lỗi khác, không tuân thủ làn đường thì khác. Nếu không phải sai lỗi đi sai làn thì sẽ bảo CSGT là lỗi em không phải thế, cần xử lý cho đúng”.

Đồng quan điểm, anh Phan Văn Quyết, tài xế xe ôm công nghệ ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng cho rằng, việc bỏ hình thức giám sát bằng ghi âm, ghi hình sẽ không gây xáo trộn quá lớn. Bởi mấu chốt của người tham gia lưu thông là chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ: “Em nghĩ lợi dụng quá việc quay hình thì không nên. Vì CSGT cũng làm nhiệm vụ của họ thôi. Mình sai thì chấp nhận. Trừ trường hợp không phải, lạm dụng quyền thì mình mới quay”.

Tài xế Phùng Gia Hải nêu quan điểm, các bác tài nên trang bị thiết bị giám sát hành trình để khi có vấn đề phát sinh cần chứng nh không vi phạm có thể trích xuất camera trên xe. Ví dụ việc đi đèn xanh, nhưng ra ngã tư bị tắc, lại bị hiểu nhầm là vượt đèn đỏ.

Tài xế Phùng Gia Hải đồng tình bỏ ghi hình CSGT bởi nhiều người cố tình quấy rối lực lượng chức năng. Nhưng anh mong có kiểm soát chéo hiệu quả, nh bạch với CSGT khi làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, anh Hải ủng hộ Bộ Công an sẽ đưa nội dung kiểm tra chéo vào quy định nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSGT đường bộ để đảm bảo công khai, nh bạch. Đó là Công an các đơn vị, địa phương sẽ bố trí khu vực làm việc, tổ chức ghi âm, ghi hình quá trình làm việc của lực lượng CSGT: “Đó là kiểm tra chéo đấy, sẽ có lực lượng khác kiểm tra lực lượng đang làm nhiệm vụ. Cái đấy cũng là cách giám sát các đồng chí trong nội bộ với nhau, xử lý sai phạm nếu có. Ngoài ra, tôi cũng mong khi giữ người sai phạm để lập biên bản, các đồng chí cũng phải có hình ảnh, video chứng cứ đưa ra, đây anh vượt đèn đỏ, đi sai làn đây, hình ảnh đây. Như vậy, chúng tôi sẽ chấp hành, đi sai phải phạt. Quan trọng là phải tâm phục”.

Được biết, thông tư mới của Bộ Công an cũng quy định rõ kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng, để hạn chế tình trạng người vi phạm chất vấn “kế hoạch đâu?”, cũng như chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, cố tình gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, ATGT và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông./.