Ứng dụng khoa học công nghệ trong PCCC&CHCN: Xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh tình hình cháy nổ ngày một phức tạp, thiệt hại về con người lẫn tài sản trong các vụ hoả hoạn ngày một nhiều hơn thì đòi hỏi về chất lượng công tác PCCC&CNCH vì thế cũng cao hơn.

Trao đổi với PV VOV Giao thông, Thượng tá Phạm Thành Trung – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng khoa học PCCC&CHCN Trường Đại học PCCC cho biết, việc tận dụng tối đa các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xem là cách làm vừa nhanh vừa hiệu quả. 

Thượng tá Phạm Thành Trung

PV: Thời gian qua tình hình cháy nổ diễn ra rất phức tạp và các thách thức trong công tác PCCC đòi hỏi các bên liên quan phải quan tâm nhiều hơn. Theo ông thì vai trò của khoa học công nghệ tác động ra sao đối với lĩnh vực này?

Thượng tá Phạm Thành Trung: Khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề hiên nay. Trong công tác pccc thì lại đặc biệt quan trọng từ phòng ngừa cho đến công tác cứu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vừa giúp cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp vừa giúp cho người dân hạn chế được các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tôi ví dụ tại Đại học PCCC đã có 1 số sản phẩm vừa được nghiên cứu, nghiệm thu xuất sắc như robot chữa cháy, mô tô chữa cháy đã có những ứng dụng hết sức thực tế và hiệu quả. Với robot chữa cháy thì với những đám cháy tại các công trình công nghiệp với nhiều hoá chất, bụi khoí thì các chiến sĩ khi lao vào rất nguy hiểm độc hại, khi đó robot này sẽ thay thế vai trò người chỉ huy cũng như thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

Còn với xe mô tô chữa cháy thì đặc biệt phù hợp với địa hình nhiều ngõ ngách, hẻm nhỏ mà ô tô không vào được, loại phương tiện này sẽ tiếp cận tận nơi trong hiện trường để kịp thời triển khai các phương án chữa cháy nhanh chóng.

Ngoài ra cũng có rất nhiều sản phẩm ứng dụng từ khoa học công nghệ và rất thiết yếu như mặt nạ chữa cháy, trang phục bảo hộ cho người chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật và ứng dụng vào thực tế. Có thể nói việc ứng dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng trong phòng cháy và chữa cháy.

Ảnh nh họa: Kinh tế đô thị

PV: Thực tế quan sát tại thị trường pccc Việt Nam thì ngày càng có ngiều sản phẩm công nghệ pccc được nhiều nhà cung cấp nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy nhiều người lo ngại rằng các sản phẩm này có đáp ứng được các quy định kỹ thuật của nước ta?

Thượng tá Phạm Thành Trung: Chúng ta đã có những quy định rất cụ thể trong Luật PCCC cũng như NĐ136, NĐ50 và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công An và các Bộ liên ngành, theo đó thì các phương tiện thiết bị này phải đảm bảo tuân thủ đúng tiêu chuẩn và phải qua kiểm định.

Tuy nhiên theo tôi thì nó có phù hợp với địa hình, khí hậu của Việt Nam cũng như sự chọn lựa của người dân. Hiện nay ngành pccc lẫn cơ quan quản lý nhà nước không có hạn chế việc phát huy các ứng dụng khoa học công nghệ của các nước trên thế giới ễn làm sao đảm bảo quy định trong Luật và phải được kiểm định.

PV: Cảnh sát PCCC nói riêng và ngành Công an nói chung đánh giá ra sao về năng lực công tác nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ, sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực pccc của doanh nghiệp nước nhà?

Thượng tá Phạm Thành Trung: Trước đây thì hầu hết các phương tiện, thiết bị PCCC chúng ta đều nhập từ nước ngoài thì hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã có thể sản xuất được xe ô tô chữa cháy, xe thang chữa cháy, bình chữa cháy, cầu chữa cháy…doanh nghiệp nội đã sản xuất và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với lực lượng pccc vì khi áp dụng các sản phẩm trong nước thì sẽ phù hợp hơn, còn đối với các sản phẩm nước ngoài dù phổ biến toàn thế giới nhưng chưa chắc đã phù hợp với Việt Nam. Tôi nghĩ việc tự phát triển, sản xuất, tự cung tự cấp các thiết bị PCCC là nhu cầu thiết yếu và sẽ phát triển tốt thời gian tới.

PV: Cảm ơn Thượng tá về cuộc trò chuyện này!