Ùn tắc ở đâu, đầu tư ở đó sẽ luôn bị động

Câu chuyện ùn tắc cục bộ trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình mỗi dịp cuối tuần hay lễ tết không phải là mới. Tuy nhiên, dự báo trong tương lai gần nhu cầu vận tải trên tuyến đường này sẽ tiếp tục gia tăng, khiến cho áp lực về ùn tắc sẽ trầm trọng hơn.

Để giảm áp lực về ùn tắc giao thông, tỉnh Hà Nam đang kiến nghị mở rộng làn đường cao tốc đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình. Vậy giải pháp mở rộng làn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình liệu có giải quyết được bài toán ùn tắc hay cần một giải pháp đồng bộ hơn? 

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, Đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.

 

Trước hết là cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

PV: Quan điểm của ông thế nào về kiến nghị mở rộng làn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để tránh ùn tắc?

PGS.TS Trần Chủng: Theo thiết kế cao tốc Bắc Nam có 6 làn xe, 3 đi 3 về và 1 làn dừng khẩn cấp chạy từ Pháp Vân đi các tỉnh phía Nam, hiện nhu cầu lưu thông rất lớn và trong tương lai thậm chí 6 làn xe vẫn có thể sẽ ùn tắc.

Đây là một thách thức đối với hệ đường cao tốc VN vì lưu lượng xe tăng rất nhanh, nên dự kiến thực hiện phân kỳ đầu tư không còn phù hợp, cho nên nhu cầu phát triển mở rộng tuyến đường ấy là tất yếu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang tập trung nguồn vốn lớn đầu tư cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 nên việc mở rộng sẽ phải tính toán thời gian cần thiết để chuẩn bị về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về tài chính.

Bởi nguồn lực tài chính của đất nước  chưa đủ, trong khi chúng ta huy động nguồn lực theo phương thức đối tác công tư lại chưa hấp dẫn, nên rất ít nhà đầu tư tham gia vào xây dựng hệ thống đường cao tốc.

Những sự cố trên cao tốc thường gây ra cảnh ùn tắc kéo dài ảnh hưởng đến người tham gia giao thông

PV: Theo ông giải pháp mở rộng làn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình liệu có giải quyết được bài toán ùn tắc hay cần một giải pháp đồng bộ hơn?

PGS.TS Trần Chủng: Lưu thông trên cao tốc có một yêu cầu rất quan trọng đó là làm cho dòng chảy liên tục với tốc độ cao, vì vậy ý thức của người tham gia giao thông trên cao tốc rất quan trọng để hạn chế rủi ro, tai nạn nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo chạy với vận tốc yêu cầu.

Bên cạnh đó cần có công tác quản lý khai thác vận hành, đó là bảo hành bảo trì thường xuyên, rồi điều tiết dòng xe. Nếu điều tiết tốt giao thông dọc tuyến cũng có thể giảm bớt được những khó khăn, ách tắc trong mỗi dịp lễ tết lớn.

PV: Ngoài dự án vừa đề cập, đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dù mới đi vào vận hành nhưng cũng đã bộc lộ bất cập. Để tránh tình trạng công trình chưa làm xong đã lỗi thời hay không còn phù hợp, tại các dự án thành phần cao tốc khác cần tính toán và tầm nhìn thế nào?

PGS.TS Trần Chủng: Thời gian vừa qua do khó khăn về kinh phí nên chúng ta thực hiện việc phân kỳ đầu tư, thậm chí chỉ có 2 làn xe và không có làn dừng khẩn cấp. Đây là bài toán Bộ GTVT đang rất đau đầu về tài chính và lưu lượng xe.

Vừa rồi dự báo là chính xác, nhưng do chúng ta xây dựng quá chậm, chậm tiến độ cho nên lưu lượng xe tăng lên quá lớn, vừa làm xong đã có nguy cơ bão hòa rồi. Về bài toán quy hoạch chúng ta đã tính đến hệ số tăng trưởng nhưng lưu lượng xe tăng rất nhanh, vượt quá cả dự báo nên việc phân kỳ đầu tư không thể thỏa mãn nhu cầu.

Cho nên cần phải giải quyết được 2 bài toán về kinh phí và lưu lượng xe. Chúng tôi đề xuất Bộ GTVT tính toán kỹ, đặt lên bàn thứ tự ưu tiên và đã làm phải làm hoàn chỉnh, liên tục và cả tuyến mới đem lại hiệu quả. 

PV: Xin cảm ơn ông.

Liên quan các giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết bài toán ùn tắc trên tuyến cao tốc Bắc Nam, trao đổi với VOV Giao thông, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết:

"Trước hết phải có quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông khoa học, tức là phân tán phương tiện giao thông theo một hướng tuyến nhất định, để người tham gia giao thông lựa chọn.

Về ngắn hạn để giải quyết những tụ điểm ách tắc, ùn ứ có tính chất thường xuyên thì cần phân tán phương tiện giao thông đi bằng việc cải thiện các làn đường ngang, đường xương cá để điều tiết nhanh. Nếu cứ tư duy theo cách ùn tắc ở đâu đầu tư ở đó thì chỉ giải quyết cục bộ, không khoa học.

Vì thế bài toán giao thông không phải một sớm một chiều mà phải có chiến lược và quan trọng là phải có công cụ hỗ trợ, điều hành bằng công nghệ để hướng dẫn tham gia giao thông".