Từ 1/6, sẽ hoàn thiện kết nối dữ liệu về bằng lái xe

Dự kiến, trong tháng 6 tới, việc kết nối dữ liệu về bằng lái xe giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông sẽ hoàn thiện.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tổng kiểm soát, xử lý nghiêm các lái xe vi phạm.

Thời gian gần đây, tình trạng tồn giấy phép lái xe tại các đơn vị CSGT đang ngày càng gia tăng, chứng tỏ thái độ coi thường pháp luật của một số người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Theo một số ý kiến, nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu sự phối hợp, liên kết thông tin giữa các cơ quan liên quan như: Công an, GTVT và chính quyền địa phương khiến người vi phạm không đến chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng ngày càng gia tăng.

Đề cập tình trạng này, tại cuộc họp Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức gần đây, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, những năm gần đây, đặc biệt năm 2016 số lượng tước giấy phép lái xe rất lớn, đặc biệt sau khi Nghị định số 46 được ban hành, nhiều hành vi vi phạm bị nâng chế tải xử phạt, nhiều trường hợp vi phạm bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe có thời hạn thì tình trạng người điều khiển phương tiện ngày càng gia tăng.    

Tuy nhiên, trên toàn quốc có hàng triệu giấy phép lái xe bị tồn đọng tại các cơ quan chức năng, nhưng số người vi phạm quay lại cơ quan công an thực hiện các thủ tục nộp phạt rất ít.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu sự liên kết thông tin giữa các cơ quan chức năng, nhiều trường hợp giấy phép lái xe vẫn đang ở cơ quan công an nhưng cơ quan GTVT địa phương vẫn cấp lại hoặc lưu hành bằng 2 giấy phép lái xe.

Hiện tồn tại rất nhiều giấy phép lái xe đang bị giữ ở cơ quan công an hoặc hết thời hạn rồi nhưng không đến khắc phục. Một số trường hợp thì sử dụng 2 giấy phép lái xe hoặc mất rồi thì lại có giấy phép lái xe khác.

TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng UBATGTQG cũng cho biết, kinh nghiệm thế giới cho thấy, để nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là việc ngăn chặn tình trạng người vi phạm không đến cơ quan chức năng chấp hành quyết định xử phạt, phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan, từ CSGT, chính quyền địa phương, y tế, bảo hiểm và đăng kiểm. Hiện nay từng cơ quan đã có hệ dữ liệu riêng, song sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan này chưa thật sự hiệu quả.

TS Trần Hữu Minh nói: Các cơ quan phối hợp rất chặt chẽ với nhau và chia sẻ hệ dữ liệu đối với cùng một phương tiện, một chủ phương tiện thì chúng ta hoàn toàn có thể biết được lịch sử người lái xe này có an toàn hay không, họ có vi phạm hay không. Đó cũng chính là căn cứ để  đưa ra biện pháp quản lý cho phù hợp. Đây là mô hình quản lý rất hiệu quả hiện nay đang được áp dụng tại các nước G7 rất thành công.

Theo dự kiến từ ngày 1/6 tới, việc kết nối dữ liệu về bằng lái xe giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông sẽ hoàn thiện. Hiện Cục Cảnh sát giao thông đã lập tổ công tác liên ngành thực hiện rà soát các vấn đề cần phối hợp, xử lý.

Theo đó, tổ công tác được thành lập với nhiệm vụ xây dựng và thực hiện giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe và dữ liệu bằng lái bị tạm giữ, tước quyền sử dụng theo quy định pháp luật, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông. Khi dữ liệu quản lý và dữ liệu giấy phép lái xe bị tước quyền sử dụng, bị tạm giữ được kết nối và chia sẻ, tổ công tác tự giải thể.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, những vi phạm của tài xế sẽ được các đơn vị tổng hợp, gửi đến Tổng Cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải các địa phương hàng ngày. Các đơn vị thuộc Bộ Giao thông sẽ nhập lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý. Trường hợp nào vi phạm đã bị tước bằng lái, cố tình báo mất để làm lại thì sẽ không được cấp mới:

Các phương án mà chúng tôi đang giao cho các tổ của hai bên để xây dựng phương án kỹ thuật, xây dựng phương án tài chính và rà soát các văn bản pháp luật để tạo sự đồng bộ. Với những điều kiện này chúng tôi phấn đấu sớm nhất là 1/6 có thể kết nối được. Sau khi kết nối, tất cả thông tin vi phạm của lái xe không chỉ riêng về ma túy thì đều được chia sẻ giữa hai cơ quan. Nên việc lái xe có sử dụng ma túy hay không thì xũng nằm một trong các hành vi vi phạm sẽ được cập nhật trong hệ thống cơ sở dữ liệu, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói

Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, trong hai năm 2015-2016 có gần 160 nghìn giấy phép lái xe ôtô, môtô bị tước quyền sử dụng, đã hết thời gian tước nhưng tài xế không đến nhận.

Thực tế, cảnh sát giao thông nhiều địa phương phát hiện tài xế lợi dụng việc báo mất giấy phép lái xe để làm mới, thậm chí sử dụng bằng lái giả.

Một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm không đến nhận lại bằng lái được Cục Cảnh sát giao thông nêu ra là mức tiền xử phạt cao gấp nhiều lần mức lệ phí cấp lại. Thủ tục cấp lại bằng lái cũng đơn giản nên người vi phạm báo mất để xin cấp lại.

Tình trạng tồn đọng giấy phép lái xe, người vi phạm không đến chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng cho thấy thái độ coi thường pháp luật của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần siết chặt khâu tổ chức thi, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng biệt là đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT trên toàn quốc.

Qua đó, những trường hợp vi phạm cố tình khai báo không trung thực trong viêc xin xin cấp lại giấy phép lái xe sẽ bị phát hiện, xử lý kịp thời.