Truyền thông cá chép

Tết ông Công ông Táo năm nay có lẽ gửi gắm thật nhiều ước nguyện với mỗi gia đình, sau một năm quá khó khăn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tết ông Công ông Táo cũng là cơ hội tuyệt vời để người lớn nói với trẻ con nhiều điều hơn thế.

Trẻ con bây giờ dùng máy tính nhoay nhoáy, có thể dễ dàng tra cứu trên mạng, tìm sự tích 3 ông Đầu Rau. Tuy vậy, không phải mọi câu trả lời đều có trên internet.

Vì sao trong sự tích, Trọng Cao yêu thương vợ mà có lúc đang tay đánh vợ, để người vợ phải bỏ đi? Sự xuất hiện của trẻ em có ý nghĩa quan trọng đến mức nào với hạnh phúc của người lớn?

Vì sao đã lấy người khác rồi mà Thị Nhi gặp lại chồng cũ vẫn nặng lòng xót thương? “1 ngày vợ chồng – nghìn năm ân nghĩa” phải chăng là như thế?

Rồi vì sao khi một người nhảy vào lửa, người kia không tìm cách khác an toàn hơn để cứu, mà lại lao theo? Trong khi, các thầy cô dạy kỹ năng sống luôn căn dặn: cố gắng cứu người là rất đáng quý, nhưng an toàn vẫn là số một, sinh mạng con người ai cũng quý như nhau?

Nếu được người lớn dành thời gian trò chuyện chia sẻ thêm về sự tích, trẻ sẽ vừa hiểu hơn nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết ông Công ông Táo, vừa thấy sự gần gũi giữa xưa và nay, biết đâu là những chi tiết mang ý nghĩa biểu trưng mà người xưa nhắn gửi, và đâu là những kỹ năng vận dụng thực tế. 

Ngay cả chuyện cá chép, ngoài việc lý giải vì sao Thần Táo cưỡi cá chép lên trời, người lớn cũng có thể khơi gợi trẻ em hình dung về hành trình thực tế của cá chép, trong ngày ông Công ông Táo.

Những chú cá chép dễ thương sẽ về đâu? Liệu chúng có an toàn không, có gây hại gì không cho môi trường lạ?

Bởi những nhận thức đúng đắn và trách nhiệm bảo vệ môi sinh cũng quan trọng không kém gì việc hiểu và giữ gìn truyền thống./.