Mấy ngày hôm nay tôi không khỏi cảm thấy cấn cá trong lòng khi duyệt loạt bài phóng sự của nhóm phóng viên VOV Giao thông về những điều bất ổn ở một ngôi trường tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM).
Loạt phóng sự chỉ đơn thuần là phản ánh một số chuyện không nên có ở một ngôi trường, như bữa ăn bán trú của học sinh tệ đến mức mà phụ huynh phải đi “chạy” giấy xác nhận của bệnh viện rằng con bị dị ứng thức ăn, để không phải ăn cơm trưa nhà trường cung cấp, như chuyện cô giáo phải kiêm vai trò tiếp thị trung tâm tiếng Anh, hoặc như chuyện nhà trường phát hành vé số để học sinh nhận bán trong nội bộ nhằm gây quỹ...
PV VOV Giao thông đã cố gắng chỉ phản ánh, không phán xét, nhưng họ cũng là những người làm cha, làm mẹ nên khi báo cáo đề tài, họ không tránh được việc bình luận về câu chuyện đang diễn ra với một tâm trạng bất an về môi trường giáo dục của con em họ.
Điều đó khiến tôi suy nghĩ nhiều đến những khía cạnh phía sau nội dung phóng sự này. Đó là, chúng ta có phải đang bất lực với một nền giáo dục vị tiền?
Tôi đã mất khá nhiều thời gian để đọc các bộ tiêu chí đánh giá trường chuẩn. Rất nhiều tiêu chí, từ quản lý, đến chất lượng, rồi cơ sở vật chất... nhưng không có tiêu chí nào thể hiện sự quan tâm đến cảm nhận hạnh phúc của học sinh và giáo viên đối với môi trường giáo dục.
Ngôi trường được đề cập trong loạt phóng sự của VOV Giao thông là một ngôi trường đạt chuẩn, tại một thành phố giàu có nhất nước, tức là đáp ứng tất cả các tiêu chí hoành tráng mà nhà nước ban hành.
Nhưng học sinh ở đó không thể hạnh phúc khi phải tìm cách lén đổ đồ ăn do nhà trường cung cấp, phải mua bán vé số do nhà trường phát hành, và giáo viên không thể hạnh phúc khi phải kiêm nhiệm vai trò tiếp thị, khi phải xin lỗi phụ huynh bởi áy náy vì cách hành xử thiếu nhân văn của nhà trường.
Ở ngôi trường chuẩn ấy, những đứa trẻ có thể được thụ hưởng cơ sở vật chất tốt, có thể được dạy dỗ bởi những giáo viên có chuyên môn giỏi. Nhưng chúng cũng phải học cách giả vờ ngoan ngoãn chấp hành những sự áp đặt vô lối vì mục đích tạo nguồn thu tài chính của nhà trường.
Ở ngôi trường chuẩn ấy, những nhà giáo dục, các thầy cô giáo phải rèn luyện sự vô cảm để làm ngơ những tính toán phi giáo dục của lãnh đạo nhà trường để yên thân tiếp tục dạy dỗ con trẻ.
Những đứa trẻ phải học cách giả vờ, những nhà giáo dục phải rèn luyện sự vô cảm trong môi trường giáo dục, chắc chắn họ sẽ không thể cảm nhận được niềm hạnh phúc trong môi trường ấy.
Rất khó để học được sự tử tế trong một môi trường như vậy, dù đó là một môi trường được đánh giá là chuẩn mực. Vậy thì điều cốt lõi trong câu chuyện này là gì? Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại các tiêu chí đánh giá trường chuẩn.
Chúng ta có cần những ngôi trường đạt chuẩn với một bộ tiêu chí đậm mùi vật chất mà thiếu sự nhân văn hay không?
Trẻ con đến trường, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức còn cần được tiếp thu các giá trị nhân văn để có thể trở thành những công dân tử tế. Vì thế, không khí nhân văn là điều không thể thiếu trong một ngôi trường.
Bởi vậy, dù cho vì bất cứ lý do gì, ở một ngôi trường cũng không nên để tồn tại kéo dài sự thiếu nh bạch liên quan từ những hoạt động phi giáo dục, như bữa ăn bán trú, hay các hoạt động gây quỹ của nhà trường.
Nếu nhà trường không đủ khả năng cung cấp bữa ăn bán trú đủ tốt, khiến học sinh phải chấp nhận đóng tiền rồi nhịn đói thì hãy ngưng dịch vụ bán trú. Tôi nghĩ, một ngôi trường tốt, trước hết nó phải là một ngôi trường mang lại nhiều cảm nhận về niềm hạnh phúc và sự tử tế, sau đó mới là những tiêu chí về sự tiện nghi./.