Trùng tu chứ không phải làm mới di tích

Bảo tồn, trùng tu một di tích lịch sử, văn hóa nào đó là công việc rất bình thường và vẫn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Việc bảo tồn mục đích kéo dài tuổi thọ của những di sản thế hệ trước để lại, cho các thế hệ sau có dịp chiêm ngưỡng, học hỏi…

Chính vì những giá trị… vô giá ấy, mà việc “đụng chạm” tới di sản là hết sức nhạy cảm, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, và lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực để làm sao việc trùng tu ngoài mục đích bảo tồn di sản, còn giữ lại được tất cả những yếu tố tạo nên giá trị của di sản ấy.

Hằng năm chúng ta thường thấy có những di tích nằm trong kế hoạch trùng tu, sửa chữa hay thậm chí chỉ là sơn lại lớp sơn đã cũ theo thời gian. Còn nhớ cách đây gần 10 năm, khi mà thành phố Hà Nội tiến hành sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi công việc còn chưa hoàn thành thì đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân, với lý do chủ yếu là màu sơn không giống với màu nguyên bản của nhà hát này.

Ngay lập tức thì các đơn vị liên quan phải tiến hành sơn lại và “đính chính” rằng, đó chỉ là lớp sơn… thử nghiệm (?)…

Nhà hát Lớn Hà Nội được sơn lại với màu "lạ mắt" vào năm 2015 đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận
Nhà hát Lớn - Một trong những công trình biểu tượng của Thủ đô Hà Nội

Hà Nội, không thiếu những lần vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân, thậm chí là các nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ… khi tiến hành trùng tu, sửa chữa những di tích lịch sử trên địa bàn.

Như cũng cách đây khoảng gần chục năm, dư luận không chỉ ở Hà Nội mà cả nước xôn xao về việc trùng tu lại chùa Một Cột – ngôi chùa có tính biểu tượng không chỉ với tôn giáo mà còn ở sự độc đáo của kiến trúc có một không hai của ngôi chùa này.

Sự mâu thuẫn giữa những người quyết định trùng tu với đại diện nhà chùa diễn ra rất căng thẳng, khi nhà sư trụ trì thì khẳng định hầu hết kết cấu cột kèo, mái ngói… của chùa đều còn rất tốt, và không cần thiết phải hạ giải để trùng tu toàn bộ như đơn vị được giao việc trùng tu chùa…

Câu chuyện không phải kết quả trùng tu ra sao, mà rõ ràng có sự thiếu hợp tác giữa các bên liên quan, cũng như nghiên cứu kỹ càng trước khi tiến hành “động chạm” vào một di tích, di sản quan trọng như vậy.

Việc đắp xi măng phủ ra ngoài di tích khiến Ô Quan Chưởng không còn giữ lại được nét đẹp cổ kính của mình

Trước đó nữa, là việc “làm mới” toàn bộ di tích Ô Quan Chưởng. Người ta đem vôi vữa trát phủ toàn bộ ra ngoài khối kiến trúc – một trong những biểu tượng quý giá còn sót lại của thành Thăng Long. Khiến di tích này trông như một công trình mới được xây dựng. Việc này cũng đã tốn mất bao nhiêu giấy mực của báo chí truyền thông, cũng như sự phản đối quyết liệt của người dân, các nhà lịch sử, khoa học hiểu và yêu Hà Nội…

Tất nhiên, những sự phản ứng ấy lại rơi vào khoảng không và “chẳng có mấy giá trị gì”, và người Hà Nội, du khách trong và ngoài nước phải chấp nhận việc “phá hoại” ấy cho đến tận ngày nay.

Rõ ràng, chúng ta đang nhầm việc trùng tu và làm mới hoàn toàn một di sản. Hoặc cũng có thể, công việc được giao vào những người chẳng có một chút chuyên môn nào; Hoặc cũng có thể, họ chỉ cần một công việc nào đó để làm, không cần quan tâm đó là di sản, di tích lịch sử…

Có lẽ, di tích nổi tiếng nhất ở Thủ đô, bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau “trùng tu” là Tháp Rùa – Linh hồn của Hồ Hoàn Kiếm. Cũng giống như việc đối xử với Ô Quan Chưởng, người ta mang xi măng, vôi vữa ra đắp lại vuông vắn, ngay ngắn khiến sau một đêm, không một ai nhận ra di tích gắn bó với bao thế hệ người Hà Nội nữa.

Những đường nét kiến trúc đặc sắc, mềm mại được thay bằng những mảng vôi vữa vuông vắn, mới tinh và xám xịt màu xi măng… Ai cũng xót xa cho một công trình biểu tượng nằm giữa trung tâm Thủ đô bị đối xử một cách tàn tệ như vậy.

Từ đó, tháp Rùa trở nên bình thường, không khác gì những công trình mới được xây dựng ở khắp nơi.

Tháp Rùa ngày nay...
Tháp Rùa xưa (ảnh tư liệu)

Và với những người Hà Nội đó là một việc làm gây “tổn thương” nhiều nhất đối với tình cảm của họ. Cho đến ngày nay, mỗi khi dạo quanh Bờ Hồ, vẫn rất khó để ngắm Tháp Rùa khi nó đã không còn hình dạng thân thuộc như xưa...

Gần đây, một trong những công trình kiến trúc, tuy nhỏ, nhưng cũng là một trong những biểu tượng của Thủ đô và gắn bó với người dân Hà Nội, đó là đài phun nước nằm trong khuôn viên Vườn hoa Diên Hồng, mà người Hà Nội quen gọi là Vườn hoa con Cóc, đang được tiến hành trùng tu. Công trình qua thời gian đã xuống cấp khá nghiêm trọng.

Đài phun nước trong khuôn viên Vườn hoa Con Cóc đang được hạ giải để tiến hành trùng tu
Đơn vị thi công sẽ cải tạo hệ thống cấp thoát nước, đài phun nước; bố trí hệ thống chiếu sáng; hạ giải toàn bộ cấu kiện đá, vệ sinh và sửa chữa lại những phần nứt vỡ theo yêu cầu kỹ thuật; thay kết cấu gạch bên trong bằng bêtông cốt thép, sau đó lắp ghép các thành phần đã hạ giải theo đúng vị trí ban đầu.

Trong một cuộc tọa đàm diễn ra cuối năm  2023 do quận Hoàn Kiếm tổ chức về phương án tu bổ đài phun nước Con Cóc, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng đây là công trình "có một không hai" vì toàn bộ phần trên là kiến trúc châu Âu, trong khi bên dưới mang đậm tính Á Đông. Dù nhỏ, công trình có ý nghĩa lớn về kiến trúc và là điểm nhấn đô thị.

Theo lãnh đạo Quận Hoàn Kiếm, đài phun nước vườn hoa Con Cóc không phải di tích nhưng sẽ được triển khai tu bổ bài bản và ứng xử như với một di tích…

Hy vọng rằng, sau khi hạ giải và tiến hành trùng tu, di sản này sẽ không phải chịu cảnh “làm mới” hoàn toàn như những di tích khác trên địa bàn Thủ đô.