Trở lại sau dịch, Sài Gòn kẹt xe... thấy ngán

TP.HCM đang trở lại mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cùng với sự sôi động của các hoạt động KTXH và giao thương, tình trạng kẹt xe cũng đang trở lại khắp nơi, từ cửa ngõ đến trung tâm, khiến người dân ngao ngán, mỏi mệt mỏi khi ra đường.

 

Tuyến xa lộ Hà Nội đoạn qua TP. Thủ Đức, 1 trong những cửa ngõ phía Đông của TP.HCM. Tại thời điểm 7h30 phút sáng 29/9, đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến khu vực nút giao thông Cát Lái hết sức khó khăn, hàng trăm phương tiện đang chen chúc nhau, di chuyển từng chút một.

PV: Chào cô, thường thì giờ nào thì bắt đầu kẹt xe?

Cô Dung: Thường tầm 7 giờ rưỡi, 8 giờ bắt đầu kẹt.

PV: Là nối dài từ cầu Rạch Chiếc xuống đây luôn?

Cô Dung: Đúng rồi, tại xe nó nhiều chứ không phải tai nạn. Xe kiểu như người ta mua nhiều, giờ người ta đi lại nhiều, rồi lớp học sinh đi học nữa.

PV: Thường thì kẹt trong bao lâu?

Cô Dung: Kẹt cỡ tầm 1 tiếng hơn, gần 9 giờ là bắt đầu mới hết.

Thường xuyên lưu thông qua ngã 4 Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), anh Kiệt (1 một tài xế chạy xe công nghệ) không khỏi ám ảnh với tình trạng kẹt xe ở ngã 4 này. Theo anh Kiệt, nguyên nhân 1 một phần do lượng xe từ các đường như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng… đổ về quá lớn khiến khu vực này quá tải vào giờ cao điểm, nhất là chiều tối, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc.

“Giấc chiều kẹt cứng hết tất cả các đường luôn, thậm chí giấc trưa cũng có nữa. Giờ buổi trưa cũng kẹt, giờ tan tầm buổi chiều, nhất là trời mưa nữa là coi như kẹt cứng luôn, ngày nào cũng kẹt. Buổi trưa với buổi chiều mà ra bến xe Miền Đông ak là thôi, trời ơi thôi, rất là ngao ngán, chưa tính chuyện là va chạm nữa. Nói chung là cung đường đó thấy bây giờ ám ảnh..”.         

Ở cửa ngõ phía Tây Bắc, các tuyến đường như quốc lộ 22, đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn, vòng xoay Lăng Cha Cả… trở thành nổi ám ảnh đối với người dân. Gần như sáng và chiều nào cũng ùn tắc. Anh Bích, một tài xế chia sẻ.

“Khu Tân Sơn Nhất, rồi khu Cộng Hòa, khu Lăng Cha Cả, Hoàng Văn Thụ ngày nào cũng ùn tắc. Nó bị giống như kiểu nó xung đột giao thông, cái lượng xe nó khá đông. Nói chung bây giờ đang chờ đợi mở rộng đường Trần Quốc Hoàn ra 1 chút thì có thể giảm bớt được áp lực đó”.

Ảnh nh họa

Không chỉ các cửa ngõ của TP thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, nhiều tuyến đường nội đô cũng đang dần được ghi tên vào danh sách “đường phải né” như đường Tôn Đức Thắng, đường Cách Mạng Tháng 8, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng…. Khắp TP.HCM, khu vực nào cũng có những nút cổ chai, những điểm đen ùn tắc khiến người dân ngao ngán.          

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM hiện trung bình mỗi ngày, thành phố tăng thêm 112 ô tô và 590 xe máy. Cộng với gần 1,7 triệu học sinh thành phố bắt đầu năm học mới đã gia tăng áp lực giao thông lên các trục đường của thành phố.         

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, để cải thiện ùn tắc, trong thời gian tới Ban Giao thông tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công 29 dự án trọng tâm của thành phố, đặc biệt là các dự án cao tốc và cửa ngõ. Trong đó, từ nay đến cuối năm sẽ khởi công các công trình giao thông trọng điểm như quốc lộ 50, nút giao An Phú và đường Trần Quốc Hoàn nối đường Cộng Hòa kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.         

“Từ 2023 đến 2026, chúng ta sẽ đẩy nhanh dự án như nút giao An Phú, khép kín vành đai 2, rồi hoàn chỉnh vành đai đông, các cái đường, các cái cầu. Song song đó, chúng ta chuẩn bị cho đường lớn hơn là đường Tân Cảng, nối kết với vành đai 3. Và 1 số dự án nối kết liên vùng, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, và hoàn chỉnh hầm, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh để thoát về xe phía quận 7.”.         

Trong khi chờ những giải pháp lâu dài, người dân tại TP.HCM vẫn hàng ngày phải chịu đựng tình trạng kẹt xe bủa vây tứ phía./.