Triển khai bảo vệ môi trường làng nghề Hà Nội định hướng tới 2030

VOVGT - Hôm nay (19/9), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cung cấp kế hoạch triển khai Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề Hà Nội đang ở mức báo động

Hiện Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, với 1.350 làng nghề, phân bổ theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; loại hình khác.

Theo Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đén năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội thực hiện và các nguồn số liệu khác, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề. Theo cơ sở dữ liệu từ Công thông tin điện tử của Sở Công thương, số làng nghề đã đăng ký và đươc công nhận đến hết năm 2016 là 297 làng nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất, trong đó hơn 700 nghìn lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên toàn Thành phố.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất làng nghề lại phát sinh ô nhiễm cao, nhưng lại không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên Môi trường (CENMA) với 22 cụm và 43 làng nghề thì từ 2007, không khí ở một số làng nghề có nồng độ bụi vượt 1,4-6,7 lần giới hạn; các làng nghề cơ khí có nồng độ kim loại nặng nhiều nơi vượt giới hạn; nồng độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao. Nước ngầm ở các khu vực này cũng chịu tác dộng từ ô nhiễm nước thải, ở mức khá nghiêm trọng.

Do đó, UBND Tp.Hà Nội đẫ phê duyệt đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2017-2020 và Định hướng từ 2020-2030.

Trong giai đoạn 2017-2020, Hà Nội sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ chế , chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; sau đó sẽ xây dựng, thực thi chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các làng nghề; đồng thời xây dựng, vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường một số làng nghề như nghề nhuộm, thuộc da, chăn nuôi, giết mổ gia súc; và xây dựng hệ thống các điểm thu gom, lưu trữ rải thải tại các làng nghề để vận chuyển tới các điểm xử lý trên địa bàn Thành phố.

Trong giai đoạn 2020- 2030, Hà Nội định hướng tiếp tục triển khai mạng lưới hệ thống quan trắc tự dộng sử dụng công nghệ quan trắc nhanh, ứng dụng cảm biến sinh học, các loại cảm biến mới cho nguồn nước cấp và nước thải tại các làng nghề. Đi cùng đó là đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường các làng thủ công; mỹ nghệ; gia công cơ kim khí… Và cuối cùng là cải tạo, phục hồi môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải và chất thải rắn.

Tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội, ông Lê Tuấn Định - Phó giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường Hà Nội cho biết hiện Hà Nội đang có 10 trạm quan trắc môi trường, trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cải biến. Trong đó có 1 trạm đặt tại Trụ sở Sở Tài nguyên môi trường có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ các trạm còn lại. Ông Định cho biết hiện những ai sở hữu smartphone đều có thể tra cứu, kiểm tra thông tin từ trạm quan trắc này, bao gồm thông tin về mức độ ô nhiễm không khí, mặt nước v.v… của Hà Nội. Sắp tới, Hà Nội sẽ xây dựng, lắp đặt thêm khoảng 70 trạm quan trắc.

Được biết, nguồn vốn của đề án sẽ không vượt quá 10% ngân sách. Nguồn vốn còn lại sẽ được định hướng xây dựng cơ chế và ưu tiên thu hút các dự án triển khai theo mô hình BO, BOO, BOT, PPP, FDI, xã hội hóa.