Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Cần xác định vị trí ngay từ quy hoạch

Hiện nay nhiều tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ đang khiến nhiều người lo lắng và gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Trong khi đó, sắp tới sẽ có hàng loạt dự án cao tốc sẽ đưa vào vận hành sau thời gian đầu tư, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông. Trước những bất cập này, mới đây Bộ GTVT cho biết đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có quy định cụ thể về trạm dừng nghỉ trên cao tốc.         

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đối thoại với TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT).

 

PV: Thưa ông, các trạm dừng nghỉ trên cao tốc có nằm trong kết cấu hạ tầng giao thông hay không?

TS. Vũ Anh Tuấn: Kết cấu hạ tầng giao thông được chia ra làm 2 hệ thống thành phần. Thứ nhất là kết cấu hạ tầng khung như: cầu, đường, tuyến, nút giao, cầu vượt, hầm chui… đấy là những công trình kết cấu hạ tầng cơ bản.

Còn lại là hai hệ thống thành phần nữa, đó là hệ thống kết cấu hạ tầng phụ trợ cho các hoạt động giao thông, ví dụ các trạm dừng nghỉ, các điểm đầu mối vận tải; ngoài ra là hệ thống các trang thiết bị dành cho giám sát, điều hành và quản lý giao thông.

Tất cả các công trình này đều nằm trong hệ thống kết cấu hạ tang của các phương thức giao thông vận tải. 

PV: Cá nhân, tổ chức nào có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ?

TS. Vũ Anh Tuấn: Việc lập quy hoạch các hệ thống trạm dừng nghỉ thuộc trách nhiệm của ngành giao thông, cụ thể là Bộ GTVT và Bộ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 43 liên quan đến các trạm dừng nghỉ đường bộ.

Trong đó, ngay từ khi quy hoạch hệ thống đường cao tốc đã phải xem xét đến việc quy hoạch các vị trí trạm dừng nghỉ và Bộ GTVT có trách nhiệm giám sát kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy hoạch đó.

Còn việc kêu gọi đầu tư, sử dụng nguồn vốn đầu tư cũng như mô hình quản lý, vận hành, khai thác có thể mở rộng các đối tượng. Đó có thể là các đơn vị trực tiếp thi công, khai thác vận hành đường cao tốc, nhưng cũng có thể kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân khác tham gia đầu tư hoặc xây dựng và sau đó cho thuê mặt bằng để các doanh nghiệp tư nhân vào khai thác vận hành. 

Ảnh nh hoạ

PV: Trên một số tuyến cao tốc chưa có các trạm dừng nghỉ đang gây ra những khó khăn nhất định, theo ông có nên đầu tư đồng bộ các trạm dừng nghỉ khi đầu tư các tuyến cao tốc để khi các trình đưa vào hoạt động đồng bộ và thống nhất? 

TS. Vũ Anh Tuấn: Vấn đề đầu tiên cần phải làm tốt đó là công tác quy hoạch vị trí của các trạm dừng nghỉ trên các tuyến, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc phải được tính toán một cách khoa học.

Còn về mô hình quản lý, hiện nay đã có quy định rồi, bao gồm có thẩm quyền và trách nhiệm của các bên.

Trách nhiệm quản lý nhà nước có Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN, UBND các tỉnh và các Sở GTVT các địa phương. Về phía chủ đầu tư, đơn vị khai thác và người sử dụng trạm dừng nghỉ cũng đã có quy định trong quy chuẩn rồi.

Vì thế nếu công tác quy hoạch không được thực hiện tốt thì tất cả những vấn đề về sau chắc chắn sẽ không đồng bộ được.

PV: Vậy doanh nghiệp muốn kinh doanh trạm dừng nghỉ phải làm gì để có thể triển khai?

TS. Vũ Anh Tuấn: Những trạm dừng nghỉ nằm trong lộ trình quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt, trong đó thay mặt Bộ, Tổng cục Đường bộ VN sẽ công bố các trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ được phép triển khai đưa vào khai thác.

Dựa trên cơ sở danh mục đó các nhà đầu tư sẽ triển khai dác hoạt động đầu tư như đấu thầu và các địa phương sẽ đề xuất các danh mục đầu tư; quy trình về đầu tư theo các quy định hiện hành.

Đặc biệt cần xem xét đến việc phối hợp và đi đến thống nhất từ địa phương với trung ương.

PV: Xin cảm ơn ông!