TP.HCM: Vì sao càng chống càng ngập sâu hơn?

Câu chuyện chống ngập của thành phố đông dân nhất cả nước này ngày càng nan giải. Vấn đề là cần một giải pháp tổng thể, căn cơ và đồng thuận, hành động từ nhiều phía.

Tp Hồ Chí Minh những ngày vừa qua, chỉ một vài cơn mưa lớn, nhiều đường phố đã biến thành sông. Người dân lại khốn đốn khi mùa mưa đến. Các công trình chống ngập của thành phố với hàng chục ngàn tỷ đồng xem ra vẫn không hiệu quả.

Cảnh năm sau ngập hơn năm trước vẫn tái diễn. Có nhiều sáng kiến, ý tưởng đưa ra; trong đó có cả chuyện “ khôi hài” là dùng lu chống ngập vẫn là chủ đề bàn tán sôi nổi. 

​Người dân TP.HCM luôn vất vả mỗi khi có mưa lớn

Thiên nhiên luôn hài hòa, đô thị lại phá vỡ

Cấu tạo địa chất, địa lý của TP Hồ Chí Minh là cao ở phía Bắc -Đông Bắc gồm các quận Thủ Đức, Quận 9, Củ Chi, Hóc Môn và thấp dần về phía Nam là quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ. Sông Đồng Nai và sông Sài Gòn chính là những dòng sông uốn lượn, tạo cho thành phố luôn hài hòa, dịu mát thông qua một loạt các hệ thống sông đấu nối dọc ngang.

Thành phố cũng có một hệ thống kênh rạch đan xen, nhiều nơi xuyên vào tận trung tâm nhưng vẫn theo chu kỳ nước vào lại ra và xu hướng đổ dồn về phía Nam. Đây là sự ưu đãi của thiên nhiên giúp cho thành phố khi có mưa lớn nước sẽ theo  kênh, rạch chảy ra các sông lớn, xuôi về phía Nam nên ít khi bị ngập sâu, ngập lâu.

Nhìn lại quá trình phát triển đô thị của thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cũng thấy rõ, các thế hệ ông cha đến đây cũng đã chọn lập nghiệp bên cạnh các dòng sông để thuận tiện trong việc đi lại, giao thương. Lâu dần dân cư đông hơn thì lập các đô thị trung tâm, vùng lõi, hạn chế phát triển đô thị ở phía Nam. 

Thế nhưng qua nhiều lần thay đổi về quy hoạch, vì mục tiêu kinh tế, và tận dụng tối đa lợi thế của các dòng sông, kênh rạch, TP Hồ Chí Minh đã mở rộng phát triển đô thị về phía Nam, nơi được coi là vùng trũng, vùng thoát nước cho cả vùng trung tâm. Các khu đô thị mới mọc lên tiêu biểu như Phú Mỹ Hưng và một số vùng khác ở phía Nam, vô hình chung kéo theo số lượng cư dân đến ở ngày càng đông, tạo áp lực lên địa chất, địa hình. Túi chứa nước như bị thít lại, nên mỗi khi mưa lớn lượng nước từ trung tâm không có lối thoát, gây ùn ứ.

Mặt khác, do áp lực dân số gia tăng vượt mức dự báo về quy hoạch đã khiến cho các đô thị ngày càng quá tải; tốc độ bê tông hóa bề mặt ngày càng nhanh chóng. Độ thẩm thấu nước mưa gần như không còn. Các kênh, rạch bị lấn chiếm thậm chí là bít bùng ngày càng nhiều.

Đó là chưa kể việc vứt rác thải bừa bãi làm ngập nghẹt hệ thống thoát nước thường xuyên xảy ra. Thành phố lại bị tác động” kép” của nhiều yếu tố đó là sụt lún bề mặt; nước biển dâng, triều lên cao do biến đổi khí hậu. Do vậy, hệ quả kéo theo là thành phố càng phát triển, càng cố chống ngập, thì mỗi khu phố, con đường lại càng ngập sâu.

Tự nhiên vốn đã ưu đãi cho TP Hồ Chí Minh với các đặc điểm vừa có ngập nhưng lại thoát nhanh, tạo ra các hệ sinh thái để phát triển đô thị sông nước hài hòa. Nhưng chính sự nóng vội, bất chấp quy luật tự nhiên đã khiến cho sự phát triển phải trả giá.

​Các con đường trở thành "sông" mỗi khi có mưa

Phát triển hài hòa và trách nhiệm của mỗi bên

TP Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức rất lớn về đô thị, khi cứ sau 5 năm, dân số lại tăng lên 1 triệu người. Bài toán về nơi ăn chốn ở ổn định cho người dân phát triển luôn là yêu cầu bức thiết đặt ra cho các cấp, các ngành của thành phố.

Nhìn vào các con đường như Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương ở quận 7, Nhà Bè với các nhà cao tầng mọc lên san sát sẽ hình dung về một đô thị hiện đại nhưng chính là nỗi lo về ngập nước, giao thông đè nặng lên vùng trung tâm, vùng phía Bắc.

Nước mưa sẽ khó thoát về hướng Nam; trong khi sông rạch bị lấn chiếm, triều sẽ dâng cao, gây ngập lụt chính vùng đô thị này. Chưa kể việc nâng cốt đường, cốt nền thường xuyên khiến cao ở chỗ này lại ngập triền ên ở chỗ thấp.

Do vậy, giải quyết bài toán đô thị cho TP lúc này rất là cần một bàn tay quản lý đủ mạnh, để vừa kiểm tra, giám sát, vừa chấp nhập đánh đổi: hạn chế phát triển đô thị về phía Nam có thể chịu thiệt chút ít về kinh tế  nhưng đỡ gây áp lực về thoát nước và sinh thái cho cả thành phố. Nghiên cứu, mở rộng và phát triển đô thị về phía Bắc như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức…

Tránh tình trạng có nhà đầu tư, có vốn là chấp nhận cho làm đô thị bất chấp phá vỡ cân bằng tổng thể của cả hệ thống, gây xung đột giữa các khối đô thị. Xử lý mạnh tay với việc lấn chiếm dòng chảy, sông rạch, ao hồ. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển theo hướng đô thị thông nh, lấy người dân làm trung tâm. Truyền thông để mỗi người dân đều ý thức và hành động trong đời sống hàng ngày không xả rác thải bừa bãi, nhất là làm ngập nghẹt cống, rãnh. Có trách nhiệm cho sự phát triển ổn định, lâu dài của mỗi đô thị.

​Trồng cây xanh sẽ là một giải pháp giúp đô thị phát triển bền vững

Từ kinh nghiệm cải tạo và làm sạch kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, thành phố nên có tổng kết, đánh giá để áp dụng cho việc chuyển hóa các khu đô thị theo hướng hài hòa, cân bằng các điều kiện tự nhiên và xã hội.

Đồng thời phải hiểu rõ, chỉ có sự chung tay của nhà quản lý, người dân trên nền tảng các ứng dụng của khoa học công nghệ mới, mới mong thành phố phát triển và quản lý đô thị một cách bền vững. Hướng tới mục tiêu sống xanh, hạnh phúc.

TP. Hồ Chí Minh, những ngày đầu mùa mưa 2019!