TP.HCM: Cần hành động quyết liệt trước những vụ ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra

Như thường lệ hàng năm, TP.HCM luôn lấy thời điểm giao mùa từ 15/4 -15/5 làm tháng hành động vì an toàn thực phẩm nhằm tuyên truyền người dân cảnh giác trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Và cụ thể, câu chuyện càng nóng khi tỉnh Đồng Nai vừa xảy ra vụ ngộ độc làm hơn 560 người nhập viện, thành phố Thủ Đức xả ra ngộ độc ở 4 trường tiểu học khiến 15 học sinh nhập viện. Chúng ta phải làm sao giữa tháng cao điểm hành động mà liên tục xảy ra các vụ ngộ độc liên tiếp và có quy mô?

 

Một học sinh bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM

Thống kê của Bộ Y tế chỉ tính riêng quý 1/2024 cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người ngộ độc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, và có 3 ca tử vong.

Câu chuyện ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai làm 560 người nhập viện, song những ca nặng nhất phải nhờ TP.HCM hỗ trợ. Hai bé nặng nhất phải lọc máu, bé 6 tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vẫn còn hôn mê sâu. Ca nặng thứ hai là bệnh nhi 7 tuổi đang điều trị Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai được hội chẩn với các chuyên gia đến từ TP.HCM.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, người điều trị cho ca bệnh nhi nặng nhất cho biết, bệnh nhi bị ngộ độc nhiễm trùng huyết đường tiêu hóa nghi do ngộ độc thực phẩm:

“Các bác sĩ ở khoa cấp cứu chẩn đoán đây là trường hợp nhiễm trùng huyết đường tiêu hóa và ngay lập tức bác sĩ hồi sức tích cực tiến hành truyền dịch cho cháu, dùng kháng sinh mạnh để bao vây nhiễm trùng, cho hạ sốt và nhanh chống chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, bé vẫn tiếp tục truyền dịch và tạm thời nhịn ăn được truyền kháng sinh. Đến khoảng sau hơn 12 giờ truyền thuốc, bé bắt đầu có cải thiện, bớt sốt, bớt đau bụng tiêu chảy, dự kiến tiếp tục truyền khoáng sinh cho bé và sẽ bắt đầu cho ăn cháo để xem đường ruột thế nào”.

Trong khi đó, bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức vào ngày 2/5 cũng tiếp nhận 15 học sinh nghi bị ngộ độc do ăn ăn sushi và bánh mì trước cổng trường sau đó xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy và được phụ huynh và thầy cô đưa đi cấp cứu.

Một phụ huynh của học sinh chia sẻ: “Bé chỉ ăn cơm cuộn thôi, những món khác mình thấy có thêm mì xào, cơm chiên…Đặc biệt, có quầy đồ chơi tự chọn, ễn phí những cái bánh, theo từng món bánh làm bé khá thích. Bé ăn hồi giờ cũng 5 lần rồi, bé nói ngon, cơm rất ngon. Song, mẹ thì không tin là cơm ngon, mẹ nghĩ rằng sự thu hút bé là bởi đồ chơi đi kèm và thêm một ly nước ngọt, hôm thì ly nước màu trắng hôm thì nước màu đen”.

Vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, bệnh nhi nặng nhất được điều trị lọc máu tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Báo Đồng Nai

Trước một thực trạng, thức ăn đường phố bán nhan nhản trước cổng trường, bủa vây học sinh bằng nhiều hình thức chiêu dụ khuyến mãi. Nhưng thực phẩm không truy xuất nguồn gốc, tẩm ướp chỉ phụ thuộc vào cái tâm của người bán là gần như đánh cược sức khỏe con trẻ:

"Nói chung bán kiếm lời nhưng cũng làm phải có tâm, an toàn".

"Giờ muốn đảm bảo thì làm kỹ càng chứ biết nói sao giờ”.

Vừa qua trong lễ phát động tháng hành động An toàn vệ sinh thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, TP.HCM khẳng định trong suốt năm trong toàn bộ thời gian lúc nào cũng kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn thực phẩm cho tất cả đối tượng và chuẩn bị cho những kịch bản ngộ độc khi xảy ra.

Bà Lan nhấn mạnh công tác trọng tâm vào giữa tháng 4 và tháng 5 là thời điểm giao mùa nên dễ xảy ra ngộ độc nhất: “Tại sao chọn tháng 4 làm tháng hành động vì an toàn thực phẩm, năm nào cũng làm, vì tháng 4 là tháng chuyển mùa, tháng cực kỳ nóng. Đó là giai đoạn vi khuẩn vô cùng phát triển, cho nên ta chọn tháng này để hành động cảnh tỉnh, thức tỉnh nhắc nhở người dân nhớ. Một chuyên rất đơn giản nếu đi đường thấy dơ quá thì đừng ghé ăn, đừng ủng hộ. Hãy ủng hộ điểm sạch sẽ, ít ra người bán có khẩu trang, có găng tay hoặc dùng kẹp để gắp thức ăn chứ không sử dụng một bàn tay vừa bốc thức ăn vừa cầm tiền…”

Vị lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm cũng khuyên phụ huynh học sinh không nên cho con ăn đồ ăn trước cổng trường, vì đối tượng có cơ địa yếu nhất chính là trẻ em. Những vụ ngộ độc các tỉnh lân cận là bài học cho câu chuyện của thành phố, và khi năng lực Hồi sức cấp cứu các tỉnh bạn hạn chế thì thành phố phải đảm đương. Song, nếu kịch bản hàng loạt vụ ngộ độc xảy ra cùng lúc thì đó là gánh nặng, áp lực lên chính ngành y tế.

PGS. TS. BS Phạm Văn Quang cũng khuyến cáo các phụ huynh cần lưu ý khi bé đau bụng không nên chủ quan không đưa đi viện vì nghĩ rằng đó là rối loạn tiêu hóa thông thường: “Chúng ta thấy rằng nếu một đứa bé bị ngộ độc thực phẩm thì vi trùng có tiết ra độc tố, hoặc bản thân vi trùng đó xâm nhập vào máy gây nhiễm trùng máu. Cho nên chúng ta dễ đánh đồng các triệu chứng đó là rối loạn tiêu hóa và cho đó là bệnh nhẹ. Và chúng ta giữ bé ở nhà chẳng may bé rơi vào tình trạng nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng thì nguy cơ tử vong rất cao”.

Trước nhiều nguy cơ rình rập tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm, và những vụ việc xảy ra vừa qua câu chuyện giờ đây không còn là vận động, tuyên truyền mà cần toàn xã hội quyết liệt để đảm bảo an toàn cho mỗi bữa ăn của từng người dân, và nâng cao nhận thức không thể  “bạ đâu ăn đó”. Cơ quan chức năng cần phải khẩn trương xây dựng các tuyến đường an toàn thực phẩm mẫu hoặc những tuyến đường, tuyến phố không có thức ăn đường phố dể bảo vệ sức khỏe hơn 10 triệu công dân thành phố.