TP.HCM cần chủ động trước diễn biến của đỉnh triều cường

Tuần qua TP.HCM liên tục mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, các giao lộ bị tê liệt vì tình trạng kẹt xe, những dòng xe nối dài chật như nêm không thể nhúc nhích.

Theo dự báo sẽ có những cơn mưa lưu lượng lớn từ 80-100m trong tháng này, kèm theo đó là sẽ 3 đợt triều cường cao gây ngập nặng nhiều quận, huyện thành phố. Để không còn chịu cảnh ngoài đường “chôn chân” trong nhà “chạy nước”, người dân cần nắm thông tin và chủ động với các biện pháp ứng phó.

PV VOV Giao Thông đã có cuộc đối thoại với ThS. Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ để có những dự báo chính xác giúp người dân đối mặt với 2-3 đợt đỉnh triều cường và mưa lớn sắp tới.

PV: Theo dự báo thì năm nay triều cường tại TP.HCM và Đông Nam Bộ có gì khác so với mọi năm và từ đây đến cuối năm có thêm mấy đợt triều cường nữa diễn ra?

ThS. Lê Đình Quyết: Vâng! Về diễn biến triều cường của TP.HCM cũng như Đông nam Bộ vừa qua thì thấy rằng đã xuất hiện một đợt triều cường tương đối cao. Đặc biệt tại TP.HCM vào tháng 2 cũng xuất hiện một đợt triều cường cao vượt báo động 3 đến 11cm, tức đạt giá trị cao 1,71 tại trạm Phú An.

Về nhận định từ giờ đến cuối năm thì đối với TP.HCM có thể xuất hiện khoảng 3 đợt triều cường cao. Lưu ý nhất là đợt vào giữa tháng 10, tức khoảng từ 18-20/10 (nhằm 14-16 âm lịch) sẽ xuất hiện một đợt triều cường tương đối cao.

Chúng tôi cũng nhận định trong tháng 10 có thời điểm diễn ra mưa nhiều và có thể sẽ xuất hiện những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở vĩ độ thấp hơn, tức khu vực Nam Trung Bộ hay những cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động ở khu vực vùng biển phía nam gây mưa lớn ở khu vực Sài Gòn- đồng Nai. Vào thời điểm này, mực nước lũ ở các sông có thể đạt báo động 2-3 trong thời gian tới.

Ảnh: Phan Nhơn

PV: Hiện tại diễn biến thời tiết rất là phức tạp, khi mưa nhiều trên diện rộng và kéo dài, cộng thêm với triều cường nữa…Vậy thì có những cảnh báo gì đối với người dân hoặc các khu vực nào được cho là lâu nay bị ảnh hưởng nhất?

ThS. Lê Đình Quyết: Đối với TP.HCM những vùng ảnh hưởng đó là các nơi trũng thấp, những vùng ven sông như quận 7, 8, huyện Nhà Bà và kể cả quận Bình Thạnh cũng xảy ra ngập khi triều cường cao.

Đặc biệt theo như dự báo tháng 10 dự báo số ngày mưa xảy ra nhiều và tổng lượng mưa cũng lớn, dự báo có những trận mưa đạt 80-100mm xảy ra cùng lúc với triều cường thì nguy cơ ngập rất cao. Vì vậy, người dân cần hết sức chủ động để tránh các tác hại của triều cường lên cao cũng như lũ sẽ lên liên tiếp.

PV: Đô thị TP.HCM thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp của triều cường lên đến đời sống sinh hoạt của người dân, vậy chuyên gia có  khuyến cáo bà con và các cơ quan chức năng để có công tác  chuẩn bị đối phó với cái đợt triều cường sắp tới như thế nào?

ThS. Lê Đình Quyết: Về triều cường thì gần như năm nào cũng sẽ diễn ra và nhất là vào tháng 10, rơi tầm 14-15 âm lịch hoặc những ngày đầu tháng 11. Thời gian ngập thường xảy ra sáng sớm và chiều tôi nên người dân cần hết sức lưu ý.

Đặc biệt vào thời điểm chiều tối lúc lưu lượng người tham gia giao thông rất đông, vì vậy chúng tôi chủ động các bản tin về triều cường để cung cấp và thậm chí cung cấp rất dày cho cơ quan chức năng bám sát.

Những bản tin dự báo, cảnh báo làm sao nhằm các đơn vị quản lý giao thông biết để có kế hoạch điều tiết về giao thông giúp tránh các tuyến đường bị ngập sâu. Riêng người dân làm sao chủ động hạn chế ra đường thời điểm từ 16-19 giờ vào các ngày rằm và ngày mùng một để tránh thiệt hại.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc chia sẻ!