Chiều hôm qua, một đồng nghiệp của tôi nhận được cuộc điện thoại của hàng xóm khi đang trong cuộc họp. Cuộc gọi thông báo: Nhà đang bị người ta đến phá cửa!.
Họp xong, chị kiểm tra camera thì thấy một nhóm người mang cưa, búa đến phá cửa nhà chị. Phá xong, họ mới biết là nhầm thì thản nhiên mua một bộ khóa mới đến cài vào khuy cửa.
Những người phá cửa là lao động được thuê, mướn bởi chủ của căn hộ bên cạnh, và họ hồn nhiên đến phá cửa căn hộ có cùng địa chỉ mà không cần bất cứ điều gì chứng nh rằng họ đang làm một việc hợp pháp.
Những người thuê họ có phải chủ sở hữu căn hộ hay không? Không quan trọng. Ai thuê gì thì làm thôi! Những người lao động ấy chắc chắn không biết hành vi của họ có dấu hiệu cấu thành những tội nghiêm trọng, như phá hoại tài sản, và xâm phạm tư gia.
Cũng trong ngày hôm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án nhóm vệ sĩ tự ý chặn đường điều tiết giao thông cho đoàn xe đám cưới đi qua đại lộ Lê Lợi ở thành phố Thanh Hóa, với tội danh gây rối trật tự công cộng.
Nhóm vệ sĩ, thực ra cũng chỉ là những người lao động làm công ăn lương được thuê làm việc, họ chỉ đơn giản làm theo lệnh của chủ, và với đồng lương rẻ mạt cho nhân viên bảo vệ, tôi chắc họ không hề biết rằng họ đang đánh đổi nó với hành vi có thể cấu thành tội hình sự.
Những tội phạm hồn nhiên như kể trên không hiếm, ngay cả ở những thành phố lớn, nơi mà trình độ dân trí được đánh giá không thấp. Có thể những nhân viên của công ty bảo vệ, những người thợ phá khóa trong các ví dụ kể trên không có trình độ nhận thức pháp luật cao.
Song, nếu đem những hành vi kể trên lên các diễn đàn hỏi rằng họ có vi phạm pháp luật không, và vi phạm ở mức độ nào, thì tôi tin rằng không nhiều người dân có thể trả lời được một cách mạch lạc và quyết đoán. Và khả năng trả lời những câu hỏi thường thức pháp luật như vậy, không phụ thuộc vào trình độ văn hóa, mà ở mức độ quan tâm tới luật pháp.
Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên thực hiện những khảo sát cá nhân về mức độ nhận thức pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông. Đây là lĩnh vực sát sườn với hầu hết người dân. Nhưng kết quả, không ít công chúng được khảo sát cho thấy họ không thể chắc chắn về các tình huống vi phạm luật giao thông vốn rất phổ biến, nếu đó là tình huống mà họ chưa từng bị xử phạt.
Tình trạng vi phạm pháp luật một cách hồn nhiên, vì không biết hành vi của mình là vi phạm, tôi tin rằng nếu có thống kê thì con số sẽ rất đáng sợ. Bởi vì chúng ta nhìn thấy điều đó hàng ngày, trong mọi tình huống của đời sống dân sinh.
Những người thợ hồn nhiên phá cửa một căn hộ mà không cần bất cứ giấy tờ gì chứng nh người thuê mình là chủ nhà. Những nhân viên bảo vệ hồn nhiên chặn đường phân luồng giao thông phục vụ một đám cưới. Những phụ huynh hồn nhiên giao phương tiện cho con dù chúng chưa có bằng lái. Thậm chí, những nhà báo hồn nhiên sử dụng hình ảnh thân nhân bị can để nh họa cho các bài tường thuật pháp đình mà không hề xin phép.
Một xã hội hồn nhiên vi phạm pháp luật vừa tạo ra tâm lý khinh nhờn luật pháp, vừa tạo ra những xung đột tình, lý gây khó khăn cho hoạt động hành pháp. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Điều gì đã tạo ra sự hồn nhiên đó?
Tôi cho rằng, sự hồn nhiên vi phạm pháp luật của người dân đến từ hệ thống văn bản pháp luật quá phức tạp, với nhiều tầng nấc mà ngay chính những người thực thi pháp luật cũng không tự tin khi áp dụng các điều luật nếu như chưa có văn bản hướng dẫn. Khi mà ngay cả các cơ quan thực thi pháp luật cũng phải chờ văn bản hướng dẫn để hiểu đúng, làm đúng các quy định pháp luật, thì không khó hiểu khi người dân vi phạm pháp luật mà không biết mình vi phạm.
Đất nước chúng ta đang trong một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, một cuộc cách mạng mang đến nhiều hi vọng cho sự vươn mình của dân tộc. Và, tôi cho rằng, cuộc cách mạng ấy có thành công hay không, trước hết cần phải bắt đầu từ việc tin gọn hệ thống quy định pháp luật. Để luật pháp đến với người dân một cách tường nh, rõ ràng, mà không cần hướng dẫn./.